Đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc sử dụng trong khám chữa bệnh từ xa

26/10/2024 21:36 View Count: 53

 Sáng 25/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo xây dựng Thông tư quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

 

 

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho rằng việc xây dựng thông tư mới góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí thuốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; bảo đảm việc cập nhật danh mục thuốc được thực hiện thường xuyên, liên tục, công khai, minh bạch và thuận lợi cho các đơn vị thực hiện... Đáng chú ý, đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc sử dụng trong khám chữa bệnh từ xa được cho là điểm mới và sẽ rất hiệu quả đối với những nơi khó khăn về địa hình, giao thông đi lại.

Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết, Thông tư quy định nguyên tắc này cơ bản xây dựng trên nguyên tắc nhằm bảo đảm thúc đẩy thực hiện chính sách an toàn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, phù hợp với mô hình bệnh tật của Việt Nam. Qua đó bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trả trực tiếp của người tham gia bảo hiểm y tế. Mặt khác bảo đảm khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế trong từng giai đoạn, cũng như tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở….

Thuốc luôn là cấu phần quan trọng và chiếm tỷ lệ chi lớn trong tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Mặc dù những năm gần đây tỷ lệ chi cho thuốc trong tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế liên tục giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn nhất, năm 2020 chi phí cho thuốc là hơn 40,42 nghìn tỷ đồng (chiếm 34,75%); năm 2022 là 40,57 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,41%). Hiện trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả có 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm chia làm 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Đó là vướng mắc thuốc liên quan đến phân hạng sử dụng thuốc theo bệnh viện, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có hướng dẫn thực hiện sử dụng thuốc, sửa đổi các quy định phù hợp với quy định về cấp chuyên môn trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới, được thực hiện từ ngày 1/1/2025, bảo đảm phù hợp với yêu cầu chuyên môn, phạm vi hoạt động, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của cơ sở y tế. Bên cạnh đó là những vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế đối với chi phí hao hụt thuốc.

Đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc sử dụng trong khám chữa bệnh từ xa ảnh 1

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo.

GS,TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết: Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã quy định nhiều nội dụng liên quan đến khám chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Do vậy, cần bổ sung quy định thanh toán thuốc trong khám chữa bệnh từ xa để nhu cầu trong các hoạt động thực tiễn tại các cơ sở khám chữa bệnh tại các tuyến.

Đáng chú ý, trong Điều 21 của Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung cũng đã có quy định là khám bệnh, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa sẽ thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ kỹ thuật và thuốc đều trong phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế. Cho nên, hiện nay một số địa phương đã quan tâm tới công tác này và Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố đã ban hành danh mục các dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cấp cứu ngoại viện để đầu tư ngân sách nhà nước chi trả cho dịch vụ kỹ thuật này...

Các chuyên gia khẳng định, nếu thực hiện được chính sách này thì y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế huyện sẽ thu hút được bệnh nhân, tránh quá tải cho tuyến trên, và các bệnh viện tuyến trên cũng sẽ hỗ trợ từ xa tốt hơn cho tuyến dưới.

Source: S.T