Bảo vệ di sản tư liệu
Di sản tư liệu có thể là ván khắc, sách, báo, cuốn phim, giọng nói, bút tích... lưu giữ những ký ức của một vùng văn hóa do con người tạo ra và ghi chép trên nhiều chất liệu như đá, gỗ, giấy, lụa, đồng... Định nghĩa của UNESCO, tư liệu là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai, được xem là những bảo vật, tài sản quan trọng của quốc gia…
Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế, di sản tư liệu - những tiếng nói từ ký ức vẫn đang được giữ gìn, bảo quản và “bắt rễ” trong đời sống hôm nay. Bảo vệ và “đánh thức” di sản tư liệu không chỉ làm bền chặt sợi dây gắn kết giữa hiện tại và quá khứ mà còn bồi đắp niềm tự hào dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước hùng cường.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc trong cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” dẫn chứng, vào những thập niên đầu thế kỷ 20, Viễn Đông Bác cổ Pháp đã cho in dập hai vạn văn bia. Sau đó, giới nghiên cứu lọc được 1.063 bản của Kinh Bắc (chiếm 18,4% tổng số), hầu hết thuộc thời Lê (1428-1789).
Văn Miếu Bắc Ninh - nơi lưu giữ di sản tư liệu phản ánh truyền thống khoa bảng của tỉnh Bắc Ninh.
Là vùng đất cổ, Bắc Ninh-Kinh Bắc sở hữu kho tàng di sản tư liệu phong phú và đa dạng. Hầu như địa phương, cộng đồng làng xã nào ở Bắc Ninh cũng cất giữ những tư liệu phản ánh về quá trình hình thành và phát triển, truyền thống lịch sử, đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của quê hương. Chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Phạm Bằng, cán bộ Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Di sản tư liệu của Bắc Ninh hầu hết là di sản Hán Nôm, đa dạng chất liệu và phong phú loại hình như: Bia ký, sắc phong, thần tích thần phả... Hiện nay, ngoài số lượng lớn thư tịch cổ đang được bảo quản, lưu trữ ở Viện Hán Nôm, Thư viện Quốc gia và các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, kho tàng di sản tư liệu của Bắc Ninh chủ yếu được lưu giữ tại các di tích, công trình văn hóa tín ngưỡng đình, đền, chùa, nghè, miếu, am… hoặc trong các gia tộc, dòng họ tiêu biểu có truyền thống khoa bảng.
Báo cáo kết quả kiểm kê hiện vật tiêu biểu thuộc di tích tỉnh Bắc Ninh cho thấy, cả tỉnh có hơn 1.800 bia đá niên đại trải dài từ thời Bắc thuộc đến sau 1945; hơn 2.000 đạo sắc phong niên đại từ Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn; hàng nghìn ván khắc, mộc bản cùng hệ thống hoành phi, câu đối... Đáng chú ý, trong số 18 bảo vật quốc gia của tỉnh có 5 bảo vật có thể xếp vào loại hình di sản tư liệu là: Bia xá lợi tháp minh 601 và Mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 12 bia Kim bảng lưu phương lưu giữ tại Văn Miếu Bắc Ninh; bia Tĩnh Lự thiền tự bi lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự (Gia Bình) và Mộc bản chùa Dâu đang lưu giữ tại chùa Dâu (thị xã Thuận Thành). Đó là nguồn sử liệu gốc, là tài sản quan trọng góp phần làm nên bản sắc văn hóa Bắc Ninh, khẳng định niềm tự hào dân tộc.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh định kỳ 5 năm một lần tiến hành kiểm kê hệ thống di vật, cổ vật tại di tích. Đây là việc làm cụ thể, thiết thực để kịp thời lưu giữ, bảo quản, phát huy các giá trị di sản theo hệ thống, trong đó có các tư liệu quý có giá trị lịch sử, văn hóa. Trên cơ sở kiểm kê, đánh giá, phân loại đã chọn lọc những văn bản tiêu biểu để dịch thuật làm tư liệu nguồn phục vụ các ngành khoa học khác, đồng thời là căn cứ để tham mưu, đề xuất chính sách bảo tồn, tạo thuận lợi cho việc phát huy giá trị di sản.
Hằng năm, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh đều xây dựng kế hoạch sưu tầm, thống kê tài liệu, hiện vật, trong đó có nội dung chụp ảnh, phiên âm, dịch nghĩa, sao lưu, in ấn lưu trữ tại cơ quan và phục vụ cho các địa phương cần khai thác sử dụng. Một số đầu sách về di sản tư liệu của tỉnh được xuất bản như: Thần tích, thần sắc các vị thần, thành hoàng làng; Di sản sắc phong tỉnh Bắc Ninh; Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh; Di sản văn hóa về truyền thống hiếu học hoa bảng; Bảo vật quốc gia... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền quảng bá các di sản tư liệu được quan tâm thông qua trưng bày chuyên đề; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung ương, địa phương.
Tuy vậy, quá trình nhận diện và bảo vệ di sản tư liệu đang đặt ra nhiều thách thức. Hệ thống di sản tư liệu của Bắc Ninh phân bố rải rác ở nhiều nơi trong cộng đồng, đa dạng chất liệu, mỗi địa phương, mỗi di tích lại có phương thức bảo quản khác nhau, thiếu sự đồng bộ thống nhất. Trong khi đó, sự bào mòn của thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết càng khiến kho tàng lịch sử quý giá này dần bị mai một, thất lạc và hư hại...
Giới chuyên môn khẳng định, muốn kéo dài tuổi thọ của di sản tư liệu đòi hỏi chính sách đầu tư thỏa đáng về nhân lực, vật lực để sưu tầm, sao lưu, số hóa và gìn giữ kịp thời. Song song với xây dựng kế hoạch bảo quản khoa học, dài hạn, cần hướng tới phát huy giá trị, chú trọng công tác dịch thuật, tổ chức công bố giới thiệu di sản tư liệu thông qua nhiều hình thức: Trưng bày triển lãm, xuất bản sách, làm phim...