Gìn giữ và phát huy nghề truyền thống đúc đồng Đào Viên
Kinh Bắc nổi tiếng là vùng đất trăm nghề, là nơi hội tụ nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã công bố, trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống” tỉnh Bắc Ninh cho 07 nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Thuận Thành, trong đó có nghề đúc đồng thôn Đào Viên xã Nguyệt Đức, đây sẽ là cơ hội thuận lợi để địa phương tiếp tục bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống.
Theo sử sách ghi lại, từ nhiều thế kỷ trước, thôn Đào Viên, xã Nguyệt Đức đã nổi tiếng xứ Kinh Bắc với nghề đúc đồng, đặc biệt là bí quyết đúc đồng liền khối gắn liền với tên tuổi của tổ nghề Nguyễn Minh Không - là người có công tạo nên “An Nam tứ đại khí” thời Lý - Trần. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngày nay nghề đúc đồng Đào Viên vẫn được người dân gìn giữ và phát triển. Hiện tại, thôn Đào Viên có 16 hộ có lò đúc đồng, các sản phẩm của thôn Đào Viên sản xuất ra đều có uy tín về chất lượng và giá trị thẩm mỹ cao, như: Đúc tượng, chuông, khánh, đỉnh, hạc… Sản phẩm chủ yếu được bán lẻ, hoặc buôn theo các đơn đặt hàng từ các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh, hiện nay sản phẩm đúc đồng Đào Viên được ưa chuộng và có mặt ở nhiều nơi trên cả nước.
Có mặt ở làng nghề đúc đồng Đào Viên sau khi được UBND tỉnh Bắc Ninh công bố, trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống” chúng tôi được anh Đỗ Văn Phương thôn Đào Viên xã Nguyệt Đức chia sẻ, nghề đúc đồng của Đào Viên có từ xa xưa, tuy nhiên trải qua biến đổi, thăng trầm, nghề truyền thống của địa phương dần mai một. Từ năm 2004 trở lại đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân địa phương, nghề đúc đồng dần được khôi phục, từng bước phát triển. Vừa qua, người dân làng nghề chúng tôi rất phấn khởi và tự hào khi được UBND tỉnh Bắc Ninh trao Bằng công nhận “Nghề truyền thống”, anh Phương nói.
Để thành nghề đã khó, gìn giữ và phát huy được nghề lại càng khó hơn, anh Phương cho biết, nghề đúc đồng rất vất vả, để thành nghề đòi hỏi phải có sự cố gắng và nỗ lực rất lớn, đến nay anh Phương đã duy trì xưởng đúc đồng được 10 năm, tuy nhiên trước đó anh đã có nhiều năm học nghề, học nghề từ các cụ để lại chưa đủ, anh Phương còn tìm đến các làng nghề ở Nam Định, Thanh Hóa để học hỏi thêm kinh nghiệm, quá trình làm cũng có lúc đối mặt với thất bại, sản phẩm làm ra chưa được thị trường đón nhận, bằng sự đam mê anh Phương đã tìm ra những bí quyết để đúc ra những sản phẩm chất lượng có giá trị thẩm mỹ cao. Hiện nay, xưởng của anh Phương đang duy trì công việc cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/ tháng, mong muốn của anh Phương là gìn giữ và phát huy nghề đúc đồng Đào viên và đưa sản phẩm đúc đồng Đào Viên trở thành sản phẩm có thương hiệu và được nhiều người biết đến. Năm 2023, khi tham gia chương trình mỗi xã phường một sản phẩm OCOP, bộ Lư đồng, đỉnh đồng ngũ sự của anh Phương đã được UBND thị xã Thuận Thành công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Anh Phương chia sẻ, đúc đồng là nghề truyền thống rất lâu đời ở Đào Viên, trước đây đều được làm thủ công với các sản phẩm đơn giản và bây giờ khi xã hội phát triển nên nghề đúc đồng cũng phát triển để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, một số hộ đúc đồng ở Đào Viên đã mạnh dạn đầu tư dây truyền máy móc vào sản xuất để tăng sản lượng sản phẩm. Không chỉ đồ thờ được cải tiến hơn rất nhiều, sản phẩm đúc đồng Đào Viên hiện nay cũng đa dạng và phong phú như: tượng, chuông, chiêng, các loại tượng chân dung, tượng phật cỡ lỡn, các loại tranh đồng…, anh Phương cho biết, Khó đúc nhất là các loại sản phẩm có các thành phần chi tiết nhỏ, tượng Phật, tượng chân dung, người phải có thần thái; chuông, khánh đánh lên phải trong trẻo, ngân vang. Sản phẩm đúc ra sau khi đã đạt tiêu chuẩn về hình dáng, kích thước, họa tiết phải tiến hành khâu làm nguội, muốn làm được công đoạn này cần phải có dụng cụ riêng như cây khoan, bàn dũa, dao chấn đe... Khâu quan trọng nhất là trạm, với rất nhiều dụng cụ chuyên dùng để có thể tạo ra các đường nét tinh xảo và đẹp.
Khi được hỏi về thu nhập hiện nay từ xưởng đúc đồng anh Phương cho biết, nếu làm quy mô nhỏ thì thu nhập thấp, nếu mở rộng sản xuất thì đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, xuất phát từ đam mê và yêu nghề anh Phương đã duy trì nghề đúc đồng của ông cha để lại được trên 10 năm. Hiện nay, xưởng của anh Phương bình quân sản xuất ra khoảng 150-200 sản phẩm như: đúc tượng, chuông, khánh, đỉnh, hạc, đèn, tượng chân dung… tùy thuộc theo đơn đặt hàng, sau khi trừ đi các chi phí anh Phương có thể thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.
(Bộ Lư đồng, đỉnh đồng ngũ sự của anh Phương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao)
Là người lấy nghề truyền thống đúc đồng để khởi nghiệp, anh Dương Mạnh Tiến - thôn Đào Viên, xã Nguyệt Đức đã xây dựng xưởng đúc đồng bằng dây truyền máy móc, khác với anh Phương, năm 2017 anh Tiến lặn lội vào các tỉnh phía nam để học hỏi kinh nghiệm và mua dây chuyền đúc đồng bằng máy, xưởng của anh Tiến sau khi được lắp đặt để vận hành và cho ra sản phẩm đã chi phí hết gần 3 tỷ đồng, anh Tiến chia sẻ, có sự hỗ trợ của máy móc sản lượng tăng lên rất nhiều, tuy nhiên không phải việc gì cũng làm được bằng máy, để cho ra một sản phẩm đúc đồng cần phải thực hiện rất nhiều công đoạn, trong đó tiện, hàn và chạm là những khâu cần đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận của người thợ để mỗi chi tiết của sản phẩm sẽ không bị lỗi. Người làm nghề đúc đồng phải có sự tỉ mỉ, cộng thêm tính kiên trì, nhẫn lại, sự sáng tạo và đặt tâm huyết của mình vào những tác phẩm, đây chính là điều không phải ai cũng có thể làm được. Hiện nay, xưởng của anh Tiến có 6 lao động trực tiếp và 10 lao động lấy sản phẩm đúc đồng về nhà hoàn thiện, anh Tiến cho biết mức thu nhập hiện nay của người lao động là trên 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, bình quân 1 tháng xưởng của anh Tiến có thể làm ra khoảng 400 sản phẩm đỉnh đồng, doanh thu khoảng trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí anh Tiến thu nhập từ 50-70 triệu đồng/tháng, các sản phẩm của xưởng làm ra được các cơ sở kinh doanh đến đặt mua. Anh Tiến cho biết, để sản xuất với số lượng nhiều vốn đầu tư là rất lớn, ngoài số vốn nhà xưởng thì vốn cố định và lưu động của hàng hóa cũng dao động từ 6-7 tỷ đồng, anh Tiến mong muốn Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống, nhất là chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.
(Anh Tiến (người thứ hai từ bên phải) giới thiệu về sản phẩm đỉnh đồng Đào Viên)
Việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Bà Vương Thị Hân - Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức cho biết, thực hiện Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP) được tỉnh Bắc Ninh triển khai, xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân để gìn giữ và phát huy nghề đúc đồng Đào Viên, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là coi trọng vấn đề tác động đến môi trường từ làng nghề, các hộ tham gia sản xuất cùng có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp từ nghề truyền thống, ngoài ra xã Nguyệt Đức cũng tích cực phối hợp với các cấp, ngành và các hộ sản xuất để tiến hành đăng ký và công nhận sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đúc đồng Đào Viên, đồng thời liên hệ với các tổ chức ngân hàng, tín dụng đề nghị cho các hộ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Thông qua chương trình OCOP đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm của làng nghề truyền thống, đưa sản phẩm đúc đồng Đào Viên được nhiều người biết đến, từng bước mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững, cũng là cơ hội thuận lợi để địa phương tiếp tục bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống./.