HUYỀN TÍCH BÊN DÒNG SÔNG DÂU
Nằm bên bờ nam sông Đuống, Thuận Thành được biết đến là quê hương của những huyền thoại – lịch sử, cái nôi của văn minh lúa nước, nơi khởi sinh nhiều làng nghề truyền thống và là một trong những vùng có nhiều di tích lịch sử giá trị bậc nhất xứ Kinh Bắc.
Là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Chùa Dâu có tên chữ là Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, thuộc khu phố Khương Tự, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo các văn tự chữ Hán còn lưu tại chùa trên bia đá, chuông đồng, khánh đá cho biết, thời cổ chùa có tên chữ là “Cổ Châu tự” bởi xuất phát từ tên địa danh hành chính, nơi này xưa kia thuộc xã Cổ Châu. Đến thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn chùa Dâu được đổi thành các tên “Cổ Châu Diên Ứng đại thiền tự”, “Cổ Châu Diên Ứng tự”, “Diên Ứng tự”. Nhiều tài liệu lịch sử và các nhà nghiên cứu đánh giá, chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất trong lịch sử Phật giáo nước ta, là dấu tích quan trọng của quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Chùa Dâu là chùa Cả trong hệ thống chùa Tứ pháp vùng Dâu, gồm: chùa Dâu thờ Phật Pháp Vân (Thần mây), chùa Thành Đạo thờ Phật Pháp Vũ (Thần mưa), chùa Phi Tướng thờ Phật Pháp Lôi (Thần sấm), chùa Phương Quan thờ Phật Pháp Điện (Thần chớp). Cùng với bốn chùa kể trên còn có chùa Phúc Nghiêm thờ Phật mẫu Man Nương (mẹ của Tứ pháp). Đây là biểu hiện của tín ngưỡng dân gian thờ các lực lượng tự nhiên của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là sự biểu hiện của tục thờ Mẫu – một tín ngưỡng mang tính bản địa sâu sắc.
Theo truyền thuyết và thư tịch cổ chùa Dâu được khởi dựng từ Thế kỷ II, là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên đã tạo nên một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Những thế kỷ đầu Công nguyên và sau đó, chùa Dâu là nơi trụ trì, truyền đạo, kho tàng kinh kệ của nhiều thế hệ tăng ni nổi tiếng, tiêu biểu có: Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi, người Nam Thiên Trúc, dòng dõi Bà La Môn năm 580 sang nước ta trụ trì chùa Pháp Vân. Pháp Hiền xuất gia ở chùa Pháp Vân. Thiền sư Thiện Hội trụ trì chùa Thiền Định hương Siêu Loai (tức chùa Dâu). Từ trung tâm Dâu, Phật giáo đã lan tỏa đi khắp các vùng miền trong cả nước. Trong quá trình tồn tại chùa Dâu đã được các triều đại phong kiến trùng tu mở rộng với quy mô lớn. Vào thời Trần, chùa được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho xây dựng với quy mô “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Trải qua các thăng trầm của lịch sử đến nay chùa Dâu vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính và là nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam bao gồm: Hệ thống tượng thờ với gần 100 pho, hệ thống bia đá (22 bia có niên đại thời: Lê, Tây Sơn, Nguyễn), chuông đồng thời Tây Sơn, khánh đồng thời Nguyễn. Với những giá trị nổi bật độc đáo về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật chùa Dâu vinh dự đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013. Đến ngày 25/12/2017, bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia, quyết định số 2090/QĐ-TTg. Đặc biệt đây còn là nơi khắc in và lưu trữ nguồn thư tịch cổ Việt Nam khá phong phú. Hiện nay, tại chùa còn bảo lưu được 107 tấm mộc bản, căn cứ vào tên gọi, nội dung chia làm 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Thỉnh Long Vương nghi, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Âm chất giải âm, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú, Tồn nghi (ván chưa xác định được tên gọi). Các bộ mộc bản này được chính các nhà sư trụ trì tại chùa qua các thời kỳ đứng ra san khắc. Trong số đó có các tác phẩm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Thỉnh Long Vương nghi là còn nguyên vẹn các mặt ván. Các bộ ván khắc còn lại do thời gian nên không còn nguyên vẹn số lượng các mặt ván. Mộc bản chùa Dâu được chế tác theo đúng quy trình truyền thống của Việt Nam, cẩn thận tỉ mỉ trong tất cả các khâu, từ lúc ban đầu chọn văn bản khắc in, chuẩn bị vật liệu (ván, giấy, mực in), tiếp đến là công đoạn khắc ván. Mỗi công đoạn cụ thể được phân việc cho từng người từ người viết chữ, thợ khắc ván. Mỗi khâu đều rất quan trọng, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
Lễ hội năm nay diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Thanh Khương nói riêng và thị xã Thuận Thành nói chung khi Mộc bản chùa Dâu, niên đại: Từ năm 1752-1859; hiện lưu giữ tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Thủ Tướng Chính Phủ, điều đó cho thấy những giá trị lịch sử vô giá của các hiện vật đang được lưu giữ ở ngôi cổ tự này. Mộc bản chùa Dâu là nguồn di sản tư liệu phong phú giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự ra đời của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp vùng Dâu, về sự ra đời và phát triển của Phật giáo Việt Nam, về các nghi thức cầu mưa cầu tạnh, lịch sử nghề khắc in mộc bản và nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của Việt Nam… Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn không những của tỉnh Bắc Ninh, mà là cả nước nói chung, qua đó cũng khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội chùa Dâu được xem là lễ hội lâu đời nhất nước ta. Hàng năm chùa mở lễ hội vào ngày 17 tháng Giêng Âm lịch, vào sinh của Phật Mẫu Man Nương. Chánh hội thì lại được mở vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, trùng với ngày sinh của Thích Ca Mâu Ni. Vào ngày này, nhân dân trong vùng lại nô nức đến đây hòa cùng bầu không khí sôi động. Lễ hội chùa Dâu diễn ra trong 12 làng, với mục đích cầu mưa thuận gió hòa và người dân được an cư. Lễ hội lớn nổi tiếng đã đi vào những câu ca dân gian:
“Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về,
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”.
Phần lễ của hội chùa Dâu được tổ chức rất long trọng trong ngày chính hội, người dân các làng sẽ tổ chức rước tượng Tứ Pháp từ các chùa làng về tụ hội tại chùa Dâu. Đám rước gồm cờ quạt, ngựa thờ, tàn lọng, kiệu bát cống… từ khắp nơi kéo về. Cũng giống như nhiều lễ hội truyền thống khác của Việt Nam, lễ hội chùa Dâu diễn ra với rất nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi động. Du khách tới đây dịp này có thể tham gia cổ vũ, trải nghiệm cùng người dân địa phương trong các hoạt động văn hoá dân gian độc đáo như: hát quan họ trên thuyền rồng, múa rối nước, hát trống quân, hát văn, thi cờ tướng, thi đấu bóng chuyền…
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Thanh Khương hôm nay đã thay da đổi thịt trở thành 1 phường của thị xã Thuận Thành, phát huy những giá trị văn hóa, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây đang dồn sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng khang trang, đổi mới nhưng vẫn giữ trong mình những giá trị truyền thống của văn hóa làng. Chính bản sắc văn hoá làng một thời đã tạo thành sức mạnh nội lực để người dân chống chọi với thiên tai, giặc dã, vượt qua bao khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Vì vậy, bộ mặt nông thôn dù có thay đổi, văn minh, giàu mạnh đến đâu thì những bản sắc văn hoá làng vẫn cần được gìn giữ, phát huy. Tất cả những điều đó đã và sẽ tạo nên bản sắc văn hoá ở Thanh Khương trường tồn với thời gian, trong những lớp lớp thế hệ người dân nơi đây. Đó là nét đẹp khó có gì sánh được của vùng đất cổ, tạo ra những giá trị văn hóa kì diệu, giàu tính nhân văn và đậm đà bản sắc quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc./.