Ngọc Tỉnh- Nơi in dấu chân Người

17/05/2024 10:56 View Count: 66

Ngày 16- 10- 1958, trong chuyến thăm và làm việc tại công trình thủy nông Bắc- Hưng- Hải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân tại đình làng Ngọc Tỉnh, xã Song Liễu (thị xã Thuận Thành) thăm hỏi, nói chuyện, động viên cán bộ, nhân dân nơi đây. Từ đó đến nay, hình ảnh vị cha già dân tộc gần gũi, thân thương luôn hiện hữu trong tâm trí biết bao thế hệ người dân Ngọc Tỉnh, trở thành niềm tự hào của vùng quê giầu truyền thống cách mạng.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2024), chúng tôi tìm đến thôn Ngọc Tỉnh nơi in dấu chân Người về thăm, càng thêm thương nhớ, kính yêu vị Cha già - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong lần dừng chân tại đình làng Ngọc Tỉnh, dù thời gian không nhiều, nhưng Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe các cụ già, đời sống người dân trong làng và khuyên nhân dân gắng sức đào mương chống hạn hán, lụt lội, phát triển nông nghiệp, rồi Bác khẳng định “Nhân định thắng thiên”. Bác cũng căn dặn các cháu thiếu nhi phải chăm ngoan, học giỏi, mai sau lớn lên xây dựng quê hương, đất nước. Để ghi nhớ công lao to lớn và tình cảm sâu nặng của Người, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ ngay cạnh đình Ngọc Tỉnh. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Description: C:\Users\Admin\Desktop\DSC_1957.JPG

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Ngọc Tỉnh (xã Song Liễu).

Bước vào khuôn viên xanh dợp bóng cây, ông Nguyễn Văn Khoản, người trông coi Nhà lưu niệm Bác Hồ không dấu nổi niềm tự hào: “Kể từ khi Nhà lưu niệm Bác Hồ được khánh thành, nơi đây không chỉ là nơi thờ phụng, lưu giữ kỷ niệm về Bác, mà còn là nơi tổ chức các sự kiện của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương. Hàng ngày cứ buổi sáng sớm hay chiều muộn, người dân trong thôn đều tập trung về đây giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, làm cho đời sống tinh thần của người dân càng thêm phong phú.

Vào phòng thờ Bác trên tầng 2 Nhà lưu niệm, ấn tượng đầu tiên là tượng Bác được đặt trang nghiêm, uy nghi chính giữa ban thờ. Cùng với đó là gần 20 bức ảnh về Bác với nhiều nội dung phong phú, tiêu biểu gắn với các sự kiện Bác về thăm Bắc Ninh như: Ảnh Bác thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân dân tham gia đào mương ở công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải tại đình làng Ngọc Tỉnh chụp ngày 16-10-1958; ảnh Bác về thăm và dự hội nghị sản xuất vụ mùa tỉnh Bắc Ninh chụp ngày 11-7-1958; ảnh Bác kêu gọi đồng bào Bắc Ninh hưởng ứng phong trào vệ sinh phòng bệnh mùa hè chụp ngày 11-7-1958; ảnh Bác nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc tại Chùa Tam Sơn chụp ngày 9-2-1967…


 

Ông Nguyễn Văn Khoản giới thiệu bức ảnh chụp Bác Hồ tại đình làng Ngọc Tỉnh.

Chia sẻ về hiện vật và những bức ảnh quý giá này, ông Nguyễn Văn Khoản cho biết: Để có được những bức ảnh này, chúng tôi phải dành rất nhiều tâm sức sưu tầm, phục dựng lại. Đặc biệt, chúng tôi đã gặp và xin bút tích của các đồng chí từng tháp tùng Bác trong chuyến thăm ngày 16-10-1958 như đồng chí: Nguyễn Đăng Hành, nguyên Chủ tịch UBHC tỉnh Hà Bắc; Phùng Văn Kiên (Tạ Lương), nguyên Bí thư huyện Văn Lâm (Hưng Yên); Nguyễn Đức Thám, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Thuận Thành… Những kỷ vật này càng làm sống động, sâu sắc thêm tình cảm mà Bác dành cho người dân thôn Ngọc Tỉnh.

Nhà lưu niệm Bác Hồ được tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2014, trên diện tích hơn 6.000 m2 (phần diện tích đất đều do người dân thôn Ngọc Tỉnh tự nguyện hiến) với kinh phí hơn 10 tỉ đồng. Nhà lưu niệm được xây dựng khang trang với 2 tầng, phía dưới là hội trường lớn rộng hơn 600m2, còn tầng 2 là nơi đặt bàn thờ Bác và lưu giữ những hình ảnh, bút tích, tư liệu liên quan đến Người. Ngoài ra, thị xã Thuận Thành cũng tiến hành đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông dài 200m, rộng 3,5m từ Tỉnh lộ 283 vào khu di tích với tổng trị giá gần 2 tỉ đồng.
Kể từ khi được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2016, mỗi năm Nhà lưu niệm Bác Hồ đều đón hàng chục đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, tìm hiểu và nghiên cứu tư liệu lịch sử. Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng thôn Ngọc Tỉnh khẳng định: Đã có rất nhiều đoàn thể, tổ chức, cá nhân đến dâng hương Bác và tìm hiểu, chiêm ngưỡng những hiện vật, tư liệu quý về Bác. Đặc biệt, Tỉnh Đoàn, Thị Đoàn Thuận Thành thường xuyên tổ chức đưa các đoàn viên, thanh niên về đây sinh hoạt, nói chuyện truyền thống. Nhờ đó giá trị tiêu biểu của Nhà lưu niệm ngày càng được quảng bá, lan toả sâu rộng tới người dân trong tỉnh.

Gần 70 năm trôi qua, nhưng hình ảnh bình dị, những lời dạy bảo ân cần của Bác vẫn in đậm trong ký ức của người dân Ngọc Tỉnh. Những câu chuyện về Bác sẽ mãi được người dân nơi đây truyền lại cho con cháu và trở thành di sản tinh thần vô giá, làm động lực để người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giầu đẹp, như ước nguyện Bác Hồ hằng mong muốn khi về thăm Ngọc Tỉnh.

 

Đức Quý