Thuận Thành chú trọng phát triển văn hóa tâm linh

29/02/2024 07:05 View Count: 1132

Thuận Thành ngày nay gồm chủ yếu phần đất thị xã Siêu Loại thời Lý và một phần đất của huyện Gia Bình, trong đó có thành cổ Luy Lâu. Toàn thị xã hiện nay có khoảng 126 điểm di tích. Trong đó có 85 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận và xếp hạng, gồm 22 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 2 bảo vật quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh.

     Những năm gần đây, các điểm di tích, lễ hội và làng nghề của thị xã đã và đang thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Vào dịp đầu năm, hàng nghìn du khách từ khắp mọi miền lại tìm về khu di tích Ðền thờ và Lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, thủy tổ của dân tộc Việt Nam ở thôn Á Lữ, xã Ðại Ðồng Thành để tưởng nhớ, tri ân, thờ phụng. Lăng Kinh Dương Vương nằm trên bãi bồi cao rộng, sát bờ nam sông Ðuống, có nhiều cây cổ thụ bao quanh. Hai ngôi đền cổ ở phía tây thôn Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trải qua biến thiên của thời gian, quần thể di tích còn lưu giữ được những di sản quý giá như thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối… Ðây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Từ Lăng Kinh Dương Vương, đi khoảng gần 7 km đến Chùa Dâu xã Thanh Khương là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam, không chỉ mang nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, điêu khắc mà còn là nơi khơi nguồn của đạo Phật ở nước ta. Nơi đây cũng là trung tâm thành cổ Luy Lâu có từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Chùa Dâu ngày nay là quần thể kiến trúc đã được tu sửa của thời Hậu Lê (vào thế kỷ XVII-XVIII) kết hợp nhuần nhuyễn tín ngưỡng dân gian của người Việt với đạo Phật, gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương và Tứ Pháp (thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp). Ngôi chùa vẫn duy trì các nhóm tượng thờ theo phong tục, tín ngưỡng thờ tự của Phật giáo thời Lê với nhiều hiện vật có giá trị, nhất là bản sắc “Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh” có từ năm 1752 và sáu đạo sắc phong. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định chùa Dâu là “Tổ đình của Phật giáo Việt Nam” và được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Cách Chùa Dâu trên 5 km là Chùa Bút Tháp ở thôn Bút Tháp, xã Ðình Tổ. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVII và lưu giữ nhiều tác phẩm tuyệt mỹ, nhất là bảo vật tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Tượng được tạc vào năm 1656, cao 2,35 m có 11 đầu, 42 cánh tay lớn và hơn 900 cánh tay nhỏ. Cánh tay lớn của pho tượng hoàn toàn trong tư thế tự do thanh thoát với những động tác mềm mại. Những cánh tay tỏa ra sau lưng như vầng hào quang rộng mở, trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt như soi rọi cõi đời và thấu hiểu tâm can mỗi người. Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa của các di tích lịch sử văn hóa, Thuận Thành đã tập trung đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đều lên kế hoạch tu bổ các di tích, đảm bảo giữ nguyên vẹn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa vật thể cũng như phi vật thể.

Có thể thấy rằng, với tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, thị xã Thuận Thành đang là điểm đến hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước./.

 

Hữu Ánh