Thuận Thành phát huy thương hiệu sản phẩm OCOP

22/08/2023 16:08 View Count: 267

Nhìn lại thời gian qua, có thể khẳng định chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống địa phương. Thông qua chương trình hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Được địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, Công ty TNHH Trang trại Xanh Khương Huy (xã Nguyệt Đức) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng ngày càng cao về chất lượng 2các sản phẩm. Đến nay cả 5 sản phẩm gồm: Bún, phở, bánh cuốn, bánh gio, bánh chưng của đơn vị đều được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm này đã có mặt tại nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các bếp ăn của bệnh viện, trường học trên địa bàn tỉnh và Hà Nội. Trung bình mỗi ngày, Công ty sản xuất được 1,5 tấn bún; 200kg phở, bánh cuốn. Đặc biệt với sản phẩm bún tươi. Năm 2014, sản phẩm bún tươi Khương Huy đạt chứng nhận “Sản phẩm tin cậy” trong chương trình khảo sát “Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng” do Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo phối hợp với Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế tổ chức. Năm 2017, ông Nguyễn Văn Khương đạt giải Nhì tại cuộc thi “Nhà nông sáng tạo” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức với giải pháp dự thi “Cải tiến kỹ thuật trong sản xuất bún sạch”. Tham gia Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh, các sản phẩm của Công ty Khương Huy tiếp tục được đông đảo khách hàng biết đến và tin dùng. Đồng thời, phát triển thêm nhiều sản phẩm chế biến từ gạo khác như: Phở, bánh cuốn, bánh gio, bánh chưng… được đông đảo khách hàng tin dùng. Các sản phẩm đều được cấp Giấy Chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh. Từ đây cũng là tiền đề quan trọng để đơn vị đẩy mạnh và mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực như: Tranh Đông Hồ Hồ, Đúc dát đồng Đào Viên, Gà Hồ, tương Đình Tổ , nem Bùi , bánh cuốn, đậu phụ, rượu gạo … nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Có thể thấy, thời gian qua, thị xã cũng đã triển khai nhiều giải pháp tập trung tạo chuyển biến mới trong nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh để làm ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, có thể kể đến chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm”, gọi tắt là chương trình Ocop đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc thay đổi nhận thức, tư duy của người sản xuất, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn.

Nhằm phát huy cao hơn nữa hiệu quả của chương trình này, nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm OCOP, thị xã đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phối hợp, trong đó vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển các tổ chức sản xuất được xem là giải pháp trọng tâm. Phòng kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng có thẩm quyền giúp các chủ thể hoàn thiện phân tích chất lượng sản phẩm, lập hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Qua đó, 100% sản phẩm Chương trình OCOP của tỉnh đều được phân tích chất lượng, lập hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, toàn thị xã có 17 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm ocop, trong đó: 14 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao.

Trong thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình, tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận; xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Với những giải pháp đồng bộ, bám sát tình hình, đặc điểm địa phương, Thuận Thành sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thực hiện chương trình “mỗi xã, thị trấn một sản phẩm”; vừa nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển./.

Hữu Ánh