Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Bắc Ninh: Thực trạng và những vấn đề đặt ra dưới tác động của chuyển đổi số
Cán bộ, công chức cấp xã là những người làm việc trong bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp xã (cấp cơ sở). Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là một trong những nội dung của công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của Đảng. Nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và thời điểm then chốt, quan trọng trong quá trình Chuyển đổi số thì việc nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức lại càng cấp thiết hơn.
Những năm gần đây, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước, bao gồm cả lĩnh vực quản lý nhà nước. Chuyển đổi số giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
Chuyển đổi số cấp xã là quá trình áp dụng công nghệ số và các giải pháp số vào các hoạt động của các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ công và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân tại địa phương. Quá trình này bao gồm việc số hóa các thủ tục hành chính, sử dụng phần mềm quản lý và công nghệ thông tin trong điều hành và dịch vụ công, cũng như áp dụng các giải pháp kết nối dữ liệu và tương tác trực tuyến giữa chính quyền và người dân.
Đẩy mạnh chuyển đổi số ở các đơn vị hành chính cấp xã là cách tiếp cận gần dân nhất để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Mục tiêu chính là nhằm từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân và địa phương, hướng tới việc nâng cao hiệu quả và tiện ích của các hoạt động xã hội, kinh doanh, xây dựng xã hội số.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các chính sách, dịch vụ công cho người dân tại cơ sở.
Về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Bắc Ninh:
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố (Bắc Ninh, Từ Sơn), 02 thị xã (Thuận Thành, Quế Võ) và 04 huyện (Gia Bình, Lương Tài, Yên Phong, Tiên Du) với 126 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 70 xã, 52 phường và 04 thị trấn. Số lượng cán bộ cấp xã tính đến ngày 31/12/2023 là 1.263 người, công chức là 1.103 người. Về trình độ học vấn: tiến sĩ 02 người chiếm 0,08%; thạc sĩ 274 người chiếm 11,58%; đại học 1845 người chiếm 77,97%; cao đẳng 61 người chiếm 2,57%; trung cấp 184 người chiếm 7,77%. Về trình độ tin học: trình độ đại học đến trung cấp 37 người chiếm 1,56%; có chứng chỉ 2184 người chiếm 92,3%. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói chung và cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng cũng đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số:
Thứ nhất, về trình độ chuyên môn và kỹ năng số: Phần lớn cán bộ, công chức cấp xã mới chỉ có trình độ tin học cơ bản, chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật số. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và thực hiện các quy trình làm việc mới trên nền tảng số.
Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng: Ở nhiều địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa được phát triển đồng bộ, bao gồm thiếu thốn về trang thiết bị công nghệ và kết nối mạng. Điều này gây khó khăn cho công chức trong việc thực hiện công việc.
Thứ ba, khả năng thích ứng với chuyển đổi số: Không phải tất cả cán bộ, công chức đều dễ dàng thích nghi với việc thay đổi cách thức làm việc truyền thống sang mô hình số hóa. Sự e ngại thay đổi và e ngại công nghệ là một trong những yếu tố cản trở đối với quá trình giải quyết công việc.
Thứ tư, chế độ đào tạo, bồi dưỡng: Mặc dù nhiều chương trình đào tạo kỹ năng số đã được triển khai, nhưng số lượng chưa nhiều và chất lượng còn hạn chế. Việc đào tạo thường chỉ tập trung vào một số ít cán bộ, công chức trong khi nhu cầu nâng cao năng lực số là cần thiết cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức.
Những vấn đề đặt ra ở cấp cơ sở dưới tác động của chuyển đổi số
Thứ nhất, yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức: Trong bối cảnh chuyển đổi số, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần được trang bị không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn phải nắm vững các kỹ năng số, sử dụng thành thạo công nghệ mới để quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.
Thứ hai, phát triển hạ tầng kỹ thuật: Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, các địa phương cần đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số. Điều này bao gồm việc trang bị các thiết bị công nghệ, xây dựng mạng lưới kết nối internet ổn định, tạo điều kiện cho việc làm việc trực tuyến.
Thứ ba, tăng cường quản lý, giám sát: Số hóa công tác quản lý nhà nước đòi hỏi một hệ thống giám sát chặt chẽ và minh bạch, đảm bảo rằng quy trình công việc không chỉ nhanh chóng mà còn công bằng và công khai.
Thứ tư, đổi mới quy trình làm việc: Chuyển đổi số đòi hỏi cán bộ, công chức thay đổi cách thức làm việc truyền thống, áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình, từ việc quản lý hành chính đến cung cấp dịch vụ công. Điều này cần sự đồng bộ trong cả hệ thống.
Một số giải pháp khắc phục
Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ mà còn đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong tổ chức, tư duy và cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; để chuyển đổi số cấp xã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý hành chính và chất lượng cuộc sống của người dân tại địa phương, đồng thời góp phần vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, cần tập trung vào thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Một, đào tạo và phát triển kỹ năng số: Cần tổ chức nhiều hơn các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số cho cán bộ, công chức cấp xã, tạo điều kiện để họ tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ.
Hai, đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Cần có chiến lược đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương, cơ sở, nhằm đảm bảo rằng chuyển đổi số được triển khai một cách toàn diện.
Ba, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích: Để khuyến khích đội ngũ cán bộ tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, cần có các chính sách hỗ trợ, chế độ đãi ngộ phù hợp cho những người tham gia tích cực và có đóng góp hiệu quả.
Bốn, xây dựng văn hóa làm việc số: Cần nâng cao công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức và tạo dựng văn hóa làm việc số trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước, từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn, để đảm bảo tính thống nhất và bền vững trong quá trình chuyển đổi số.
Những giải pháp trên không chỉ giúp nâng cao năng lực của cán bộ, công chức cấp xã trong chuyển đổi số mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển và hiệu quả của hoạt động hành chính công ở địa phương trong giai đoạn hiện nay.