Cách đặt tên xóm, thôn, xã, tổng, huyện ở Bắc Ninh trong lịch sử

05/12/2016 16:07 View Count: 3113

Tìm hiểu cách đặt tên nơi cư trú (xóm, thôn) và tên các đơn vị hành chính cấp cơ sở và cấp trên cơ sở trong lịch sử là điều rất lý thú, nhưng không hề đơn giản. Căn cứ những ghi chép trong các nguồn thư tịch cổ và những điều nhận biết được từ những lần đi cơ sở, chúng tôi xin cung cấp đến quí bạn đọc đôi điều về cách đặt tên xóm, thôn, xã, tổng, huyện ở tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ lịch sử nhằm giúp những ai yêu thích những vấn đề của lịch sử có thêm chút ít tư liệu.

Ngày xưa, tên gọi của các xóm, thôn xã, tổng đều được đặt tên bằng chữ Nôm, rồi sau đó, do nhu cầu chính trị, mới được Hán hóa mà có tên gọi bằng chữ Hán. Do đó, hầu nhu thôn, xã, tổng nào cũng có hai tên bằng chữ Nôm và bằng chữ Hán. Chẳng hạn: làng Bến có tên chữ là Ngọc Trì, làng Chám có tên chữ là Cổ Lãm, làng Hương có tên chữ là Quảng Cầu,...

Không phải xóm nào của làng nào cũng có tên, mà chỉ những xóm lớn (thường có qui mô tương đương với tổ chức giáp) người ta mới đặt tên. Tên có thể theo phương vị cư trú so với trung tâm của làng, chẳng hạn, xóm Giữa, xóm Tây (hay Đoài), xóm Đông, xóm Bắc; cũng có thể đặt theo vị trí dải đất mà dân cư xóm đó dựng nhà, chẳng hạn: xóm Thượng, xóm Giữa, xóm Hạ; cũng có thể lấy đặc điểm nào đó của xóm mà đặt tên, chẳng hạn, xóm Táo, xóm Tủng, xóm Công,... (làng Mão Điền huyện Thuận Thành); cũng có làng đặt theo số thứ tự: xóm Một, xóm Hai, xóm Ba (làng Ngọc Trì xã Bình Định huyện Lương Tài). Sau nhiều năm, xóm phát triển thành thôn, người ta sử dụng tên xóm làm tên thôn.

Có nhiều cách đặt tên thôn. Một là lấy họ của người đến lập làng (thôn, xã) đầu tiên làm tên, chẳng hạn, Hoàng Xá, Bùi Xá, Trần Xá, Vương Xá, Dương Xá,... Hoặc là lấy theo một đặc điểm nào đó của thôn, chẳng hạn Cô Mễ (nơi có giống cỏ mà hạt của nó có thể ăn được),... Những thôn này thường trùng với đơn vị xã, gọi là “nhất xã nhất thôn”. Điều đáng lưu ý là, ở Bắc Ninh xưa kia có rất nhiều làng có chữ “kẻ”: Kẻ Doi, Kẻ Nê, Kẻ Báng, Kẻ Sặt, Kẻ Bíp, Kẻ Gủ, Kẻ Lường, Kẻ Thau,... Tìm hiểu cách đặt tên này, chúng tôi thấy, sau chữ “kẻ” là một chữ Nôm, điều đó chứng tỏ cách đặt tên làng này có từ rất sớm mà ngày nay hầu như không thấy làng nào còn sử dụng.

Đối với những xã cũng đồng thời là một thôn (nhất xã nhất thôn) thì đơn giản tên thôn cũng là tên xã, nhưng đối với những xã bao gồm nhiều thôn (nhất xã nhị thôn, nhất xã tam thôn, nhất xã tứ thôn,...) thì tên thôn lớn nhất hoặc có trước nhất được đặt làm tên xã, chẳng hạn, xã Bùi Xá có 3 thôn: Bùi Xá, Thiện Dũ, Trạm Trai. Nhưng có xã, do mới thành lập trên cơ sở ruộng đất của hai làng khác nhau, người ta lại lấy một chữ của làng này và một chữ của làng kia làm tên xã, đó là trường hợp xã Mão Điền (Khi nhà Lý mở rộng sơn lăng cấm địa ở Đình Bảng đã giãn dân xuống vùng Thụy Mão lập làng và sử dụng ruộng đất thuộc làng Thụy Mão và làng Ngăm Điền dich vu seo tong the dịch làng có tên là Mão Điền).

Ở Việt Nam, đơn vị hành chính cấp tổng ra đời tương đối muộn. Theo giới nghiên cứu thì có lẽ đến thời Mạc (1527- 1595), mới có đơn vị tổng, đó là đơn vị hành chính trung gian giữa xã và huyện. Tổng chỉ có một tên chữ Hán và lấy tên một xã trong tổng đó làm tên. Thí dụ: tổng Ngọc Trì, tổng Lâm Thao, tổng Quảng Bố,... Trên thực tế, cũng có trường hợp người ta dùng chữ Nôm để gọi tên tổng (tổng Dâu chẳng hạn), nhưng đó là cách gọi trong dân gian, còn trong văn bản hành chính thì chỉ gọi tên tổng bằng chữ Hán.

Tên huyện được đặt theo tên tổng mà lỵ sở của huyện đóng trên vùng đất của tổng đó. Chẳng hạn, huyện Thiện Tài đầu tiên đặt trên đất của xã Thiện Tài, sau xã Thiện Tài được đổi tên là xã Lương Tài (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) nên tên tổng cũng đổi là Lương Tài, tên huyện cũng đổi là huyện Lương Tài. Huyện Đông Ngàn đóng trên vùng đất xã Đông Ngàn tổng Đông Ngàn (nay thuộc huyện Đông Anh thành phố Hà Nội) nên huyện có tên như vậy. huyện lỵ Vũ Ninh (thời Lê đổi là Vũ Giàng vì kị húy) đóng trên vùng đất của xã Vũ Ninh nên tên huyện là Vũ Ninh, rồi Vũ Giàng, rồi sau quen đọc là Võ Giàng (các văn bản chữ Hán đều viết là Vũ Giàng); huyện Siêu Loại đầu tiên đóng trên vùng đất hương Thổ Lỗi, sau này đổi là hương Siêu Loại (tên Nôm là Sủi, nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), nên tên huyện có tên Siêu Loại. Cũng có trường hợp tên huyện được đặt theo tên núi, đó là trường hợp tên huyện Tiên Du. Huyện Tiên Du được đặt theo tên núi Tiên Du (tức núi Nguyệt Hằng). Lại cũng có trường hợp, do hai huyện được hợp nhất, người ta lấy chữ đầu  và chữ cuối của mỗi huyện mà đặt tên cho huyện mới được hợp nhất đó. Đó là trường hợp huyện Gia Bình. Huyện này, thời thuộc Đường (thế kỷ  IX), vốn là hai huyện An Bình và Gia Định), thời Trần (thế kỷ XIV) sáp nhập thành một huyện lấy tên là An Định, đầu thời Lê (thế kỷ XV) đổi là Gia Định, đến năm 1820 đổi là Gia Bình.

Một điều mà chúng ta cần lưu ý là tên xã, tổng, huyện là do người của xã, tổng, huyện đó đặt, nhưng khi đổi tên thì lại do triều đình quyết định. Chẳng hạn, theo tấu nghị của bộ Hộ ngày 16 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) được nhà vua phê chuẩn thì ở Bắc Ninh có các làng sau đây phải đổi tên: tại huyện Đông Ngàn: xã Ông Xá đổi thành Đông Xá, xã Ông Mặc đổi thành Hương Mặc; tại huyện Lương Tài: xã Ông Thê đổi thành xã Phú Thê; tại huyện Siêu Loại: tổng Vương Xá đổi thành tổng Nghĩa Xá, xã Vương Xá Đông đổi thành xã Đạo Xá.

Tìm hiểu tình hình đổi tên, chúng tôi thấy đơn vị hành chính cấp xã (tương đương với làng) và đơn vị hành chính cấp tổng (tương đương với cấp xã ngày nay) ít bị thay đổi nhất và thông thường có hai tên gọi bằng chữ Nôm và bằng chữ Hán. Còn đơn vị hành chính cấp huyện thì thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn, huyện Lương Tài ngày nay, thời Trần có tên là Thiện Tài, năm 1950 hợp nhất với huyện Gia Bình có tên là Gia Lương; thị xã Từ Sơn thì có thời gian dài là Đông Ngàn, năm 1912 được gọi là huyện Từ Sơn, năm 1963 được gọi là huyện Tiên Sơn (do sáp nhập Tiên Du với Từ Sơn thành một huyện); huyện Thuận Thành trước năm 1912 được gọi là huyện Siêu Loại; huyện Yên Phong, trước thời Trần gọi là Yên Phú, từ thời Trần (thế kỷ XIII) gọi là Yên Phong, đến thế kỷ XVI lại gọi là Yên Phú, một thời gian lại gọi là Yên Phong; huyện Gia Bình thì khi là An Định khi là Gia Định, khi là Gia Lương (do hợp nhất với Lương Tài), đến năm 1999, sau khi được tái lập huyện lại gọi là Gia Bình.  dịch

N.Q.K

bn-current-user-online-portlet

Online : 3487
Total visited : 151080731