Công tác CCHC ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh- hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Trong năm qua, Sở Y tế luôn đề cao vai trò trách nhiệm của tổ chức Đảng, đoàn thể, lãnh đạo Sở và Thủ trưởng các đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC năm của ngành. Đồng thời, gắn kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng hàng năm. Luôn thực hiện nghiêm túc việc quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác cải cách hành chính tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công chức, viên chức trong thực hiện cải cách hành chính, xác định nhiệm vụ CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Một góc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Công tác cải cách thủ tục hành chính. Thường xuyên rà soát, công bố các TTHC mới ban hành. 100% các thủ tục hành chính được công khai tại trung tâm HCC của tỉnh, cũng như trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, ngành đầy đủ, kịp thời đúng theo quy định. Tổng số TTHC của Sở Y tế được giải quyết tại Trung tâm hành chính công của tỉnh là 139/139 dịch vụ, đạt 100%. Về kết quả giải quyết TTHC: Tổng số hồ sơ tiếp nhận: 1514, số hồ sơ đã xử lý xong: 1341, hồ sơ hoàn thành sớm: 1330, hồ sơ hoàn thành đúng hạn: 7, không hồ sơ trễ hẹn
Trong năm đã triển khai rà soát và trình UBND tỉnh phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành cụ thể: Đã rà soát cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực Dược, Mỹ phẩm: Giảm thời gian cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc theo hình thức hội thảo giới thiệu thuốc từ 15 ngày xuống còn 8 ngày; Giảm thời gian Cấp lại Giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc thuộc thẩm quyền của Sở Y tế từ 10 ngày xuống còn 03 ngày; Giảm thời gian cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm từ 10 ngày xuống còn 03 ngày; Giảm thời gian Cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước từ 15 ngày xuống còn 10 ngày; Đề nghị UBND tỉnh và Bộ Y tế bãi bỏ thành phần hồ sơ “Phiếu lý lịch tư pháp” đối với người xin cấp chứng chỉ hành nghề Y là cán bộ, viên chức trong ngành.
TTHC ngày càng đơn giản, giảm bớt phiền hà cho người dân; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, phong cách làm việc của cán bộ công chức ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan. Hiện đại hóa nền hành chính là đòi hỏi tất yếu, do vậy, trong năm 2018, ngành Y tế tiếp tục thực hiện hiệu quả giải quyết TTHC trực tuyến qua mạng ở cấp độ 3 đối với một số thủ tục hành chính theo Quyết định 48/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ: 100% các văn bản điện tử được trao đổi giữa Sở Y tế với các cơ quan hành chính nhà nước; 100% cán bộ sử dụng thành thạo hệ thống quản lý văn bản điều hành và hệ thống thư điện tử; 100% các văn bản có phát sinh hồ sơ đều được Sở Y tế lập hồ sơ công việc và xử lý khép kín trên hệ thống quản lý văn bản.
Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng các phần mềm: TD Office; Phần mềm quản lý bệnh viện; phần mềm quản lý tiêm chủng; Hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ (MIS); Phần mềm quản lý hậu cần phương tiện thuốc tránh thai của Chi cục Dân số; Phần mềm HIVinfo, Prevent HIV; phần mềm báo cáo sức khỏe sinh sản do Vụ Bà mẹ và Trẻ em cung cấp; phần mềm tiêm chủng mở rộng, phần mềm báo cáo bệnh dịch truyền nhiễm; phần mềm quản lý bệnh nhân lao; Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử …) trong quy trình xử lý công việc tại Sở và các đơn vị trực thuộc, giữa Sở Y tế và các Sở, ngành với nhau.
Cùng với đó, các đơn vị trong ngành cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để giải quyết nhanh chóng các TTHC, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tiết kiệm thời gian cho người bệnh. Đến nay, 100% đơn vị, cơ sở khám, chữa đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, chuyển dữ liệu thanh toán bảo hiểm y tế sang cổng tiếp nhận của bảo hiểm xã hội đúng quy định.
Những tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện CCHC. Tổ chức bộ máy ngành y tế nhìn chung còn chưa ổn định, có sự điều chỉnh, thay đổi nhiều lần trong những năm gần đây đặc biệt là ở tuyến huyện và tuyến xã. Khả năng, năng lực quản lý điều hành của một số lãnh đạo đơn vị còn hạn chế, đội ngũ cán bộ kế cận còn ít. Đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ ở một số đơn vị còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, một số còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ đầu ngành giỏi thuộc các chuyên khoa ở tuyến cơ sở và các Bệnh viện chuyên khoa chưa nhiều; Năng lực, trình độ chuyên môn, quản lý, trình độ ngoại ngữ, tin học, quản lý kinh tế y tế còn hạn chế. Đề án vị trí việc làm kể cả công chức và viên chức chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đào tạo chuẩn hoá chức danh về tin học, ngoại ngữ và một số chứng chỉ về quản lý và chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định còn chậm. Việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và một số chế độ chính sách khác ở một số đơn vị còn để xảy ra ý kiến, đơn thư thắc mắc. Chưa kịp thời khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác CCHC
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Để làm tốt hơn nữa công tác CCHC, năm 2019 ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức đối với công tác cải cách hành chính và công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính, xác định rõ trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ cải cách hành chính của ngành. Đưa công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với tiêu chí xét thi đua – khen thưởng hàng năm của đơn vị; Hàng năm kiểm tra định kỳ về công tác cải cách hành chính tại các đơn vị trực thuộc Sở; Đổi mới đánh giá cán bộ công chức, viên chức; kiểm tra giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý nghiêm những công chức, viên chức vi phạm; Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ công chức, viên chức về cải cách hành chính; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngành, nâng cao chất lượng xử lý công việc. Duy trì, củng cố, chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 đối với tất cả các phòng, bộ phận thuộc cơ quan Văn phòng Sở. Tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Kế hoạch của UBND tỉnh; triển khai thực hiện Kế hoạch Cải cách hành chính của cơ quan. Tiếp tục rà soát và tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở phù hợp với các văn bản trung ương mới ban hành và tình hình thực tế để điều chỉnh kịp thời những bất cập gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Đầu tư triển khai hệ thống y tế từ xa (telemedicine) tại BVĐK tỉnh Bệnh viện Sản Nhi, đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình kết nối Sở Y tế với các huyện, TX, TP phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành.