Hội thảo Khoa học góp ý dự thảo Kế hoạch tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030
Ngày 01/11, tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề cương Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Hội thảo
Dự Hội thảo có ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học của một số bộ, ngành và địa phương; đại diện lãnh đạo và công chức của Vụ Tổ chức cán bộ/ đơn vị phụ trách cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo Sở, trưởng phòng và công chức Phòng Cải cách hành chính của Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, ngay sau Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đến nay đã bước sang năm cuối cùng thực hiện. Để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, qua đó làm nổi bật những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra những bải học kinh nghiệm về cải cách hành chính nhà nước trong 10 năm qua. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các chuyên gia, các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương đóng góp ý kiến cụ thể, thẳng thắn vào dự thảo Kế hoạch, Đề cương Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
Tại Hội thảo, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã trình bày nội dung dự thảo Kế hoạch tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Với nội dung Dự thảo Kế hoạch tổng kết như sau: Ban hành Đề cương hướng dẫn tổng kết và đề xuất Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Triển khai hướng dẫn tổng kết (cùng với Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ); Các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết, xây dựng báo cáo tổng kết và đề xuất Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Xây dựng các báo cáo tổng kết chuyên đề theo lĩnh vực; Khảo sát tại một số bộ, ngành , địa phương theo chuyên đề; Xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Tổ chức Hội thảo, Hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan.
TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, cần cố gắng làm rõ những kết quả đã đạt được, những kết quả chưa đạt được lớn nhất là gì? Xem lại 05 mục tiêu, 03 trọng tâm trong chương trình có chuẩn hay không? Khi xác định mục tiêu tránh tình trạng khó thực hiện. Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã làm tốt được 03 trọng tâm hay chưa? Để có cách viết, đánh giá chương trình giai đoạn 2011-2020 rõ hơn. Về hệ thống chính trị, mới cơ bản được hoàn thiện, do đó, cần chú ý tiếp tục cải cách; về dịch vụ công, cần phải nhận thức rõ hơn vấn đề xã hội hóa dịch vụ công. Cũng theo TS. Đinh Duy Hòa, cải cách tốt, buộc phải có thể chế tốt. Còn đối với xác định mục tiêu cải cách hành chính, phải đánh giá được cải cách hành chính sau 10 năm đạt được những gì? Cần đánh giá tác động cải cách hành chính trên các lĩnh vực, với số liệu cụ thể được đo lường trên sự phát triển kinh tế, xã hội, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, dịch vụ công mức độ 3, 4 trên cả nước…
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Công Hùng đồng tình với cách đặt vấn đề và tổ chức thực hiện do Bộ Nội vụ đề ra. Tuy nhiên, từng địa phương cần tổng kết rõ những công việc thực tế đã làm được, chưa làm được như thế nào? Cần có biểu đồ, so sánh kết quả đạt được theo từng giai đoạn.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vừa qua Bộ đã xây dựng rất nhiều dịch vụ công trực tuyến; tuy nhiên, đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung dẫn đến hiệu quả chưa cao. Một số nhiệm vụ trong thời gian tới khi xây dựng báo cáo tổng kết cần cụ thể hơn. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần có trọng tâm như tinh giản biên chế (đánh giá sâu hơn), kinh phí đào tạo còn ít dẫn đến việc đào tạo bị hạn chế. Ông mong muốn kiến nghị tới các cơ quan liên quan để tăng kinh phí đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, xây dựng một trang website tích hợp để các bộ, ngành, địa phương chia sẻ thông tin.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh, đối với dự thảo Tổng kết, cần chỉ ra nội dung nào là còn phù hợp, nội dung nào chưa phù hợp đối với giai đoạn cải cách hành chính tiếp theo. Đảm bảo đồng bộ với các văn bản Chính phủ đang tổng kết. Đề nghị cân nhắc thống nhất thời điểm chốt các số liệu một cách thống nhất. Đối với dự thảo quyết định ban hành kế hoạch, cần cân nhắc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ và quyết định ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Rà soát lại những nội dung giao cho các bộ, ngành phải tổng kết.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên đề nghị tiếp tục 06 nội dung trọng tâm cải cách hành chính, bổ sung cấp ngân sách dựa trên kết quả hoạt động, Bộ Tài chính cần sớm thống nhất mức chi hỗ trợ cán bộ, công chức…
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa trân trọng cám ơn, ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu và Bộ Nội vụ sẽ gửi văn bản xin ý kiến của 06 bộ, ngành để rà soát lại một cách nghiêm túc các vấn đề trong dự thảo. Quan trọng nhất là khi Đề cương được ban hành, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện được. Các ý kiến đóng góp quý báu của quý vị đại biểu sẽ góp phần cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn giúp Bộ Nội vụ kịp thời nắm bắt, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Đề cương Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030./.