Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh
Ngày 20/4/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) là cơ quan thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh, có chức năng giúp UBND tỉnh tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định; được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước. Ban Quản lý chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng có liên quan.
Ban Quản lý có chức năng: Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với: phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng,… dụng cụ, vật liệu bao gói và chứa đựng thực phẩm theo phân cấp của Bộ Y tế do Ban Quản lý thực hiện; Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; cacao; hạt tiêu; điều và các nông sản thực phẩm,…; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp quản lý do Ban Quản lý thực hiện; Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo,… bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương phân cấp do Ban Quản lý thực hiện; Quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uốngtheo phân cấp của Bộ Y tế và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; Quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ đầu mối, đấu giá nông sản theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Ban Quản lý thực hiện; Quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm theo phân cấp của Bộ Công thương do Ban Quản lý thực hiện.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý: Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm; chương trình, quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch dài hạn và hàng năm về lĩnh vực an toàn thực phẩm; Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc phạm vi quản lý về an toàn thực phẩm của Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương được phân công, phân cấp trừ sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, hoạt động kiểm soát giết mổ do ngành nông nghiệp quản lý và hoạt động kiểm tra phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Sở Công thương chịu trách nhiệm quản lý; Tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; tổ chức cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã phân cấp cho các Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh đồng thời tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ tự công bố sản phẩm. Cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm theo phân cấp của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phân cấp cho các Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; Triển khai hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh; Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về kiểm nghiệm thực phẩm (thu thập, phân tích, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm); hướng dẫn và giám sát việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tham mưu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù của tỉnh; nghiên cứu đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm, đưa ra các cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm;…
Về cơ cấu tổ chức: Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, gồm có: Văn phòng; Phòng Nghiệp vụ; Phòng Thanh tra (Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng và các công chức). Ban Quản lý có 05 Đội Thanh tra-Quản lý an toàn thực phẩm, gồm: Đội Thanh tra - Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Bắc Ninh; Đội Thanh tra - Quản lý an toàn thực phẩm huyện Quế Võ; Đội Thanh tra - Quản lý an toàn thực phẩm huyện Yên Phong; Đội Thanh tra - Quản lý an toàn thực phẩm huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn; Đội Thanh tra - Quản lý an toàn thực phẩm liên huyện: Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài (Đội Thanh tra có con dấu và tài khoản riêng; có Đội trưởng, không quá 02 Phó Đội trưởng và các công chức) và 01 đơn vị sự nghiệp công lập (có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc và số lượng người làm việc).
Biên chế công chức, số lượng người làm việc của Ban Quản lý được UBND tỉnh giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động trong tổng biên chế công chức và số lượng người làm việc của tỉnh.
Quyết định cũng quy định mối quan hệ công tác của Ban Quản lý đối với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ; Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh; các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố./.