Sẽ tính toán lại việc hợp nhất 3 văn phòng

18/07/2019 15:47 View Count: 134

Việc thí điểm hợp nhất bộ máy giúp việc của địa phương gồm ba văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND đã nảy sinh một số bất cập.

Chiều 15-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và tổ chức chính quyền địa phương. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận là tăng giảm số lượng cấp phó của HĐND cấp tỉnh và việc sáp nhập ba văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND…

Tranh cãi việc giảm số lượng phó chủ tịch HĐND

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về một số vấn đề lớn của dự luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho hay cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất đề xuất hai phương án về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Theo đó, phương án 1 là nếu chủ tịch HĐND cấp tỉnh không kiêm nhiệm thì bố trí một cấp phó, trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là kiêm nhiệm thì bố trí hai cấp phó. Phương án 2 là chỉ giữ một phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Theo phương án này, số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh trên cả nước sẽ giảm 63 người.

Cho ý kiến vào dự luật, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Quy định hiện nay giữ hai phó chủ tịch HĐND là hơi thừa, trong đó một người là thường vụ tỉnh/thành ủy, một người không, rất khó phân công. Tôi ủng hộ giảm một phó” - ông Phúc nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến lại cho hay việc giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh xuống một người chưa nhận được sự đồng thuận cao của các địa phương.

 “Tại một hội nghị với các tỉnh Tây Bắc mới đây, các tỉnh đều đề nghị giữ nguyên hai phó như hiện hành. Chủ trương tinh giản biên chế là chủ trương đúng, tuy nhiên nhắm vào việc giảm số lượng đại biểu chuyên trách thì không nên. Điều nay đi ngược với mong muốn lâu nay của chúng ta là tăng dần số lượng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử” - ông Chiến nói.

 

Về việc này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định các nghị quyết của Đảng về nâng cao chất lượng cơ quan dân cử là phải nâng dần số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm soát quyền lực. Chủ tịch QH phân tích hiệu quả của cơ quan dân cử chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ đại biểu chuyên trách. Quy định trước đây Thường trực HĐND cấp tỉnh có chủ tịch, một phó chủ tịch và một ủy viên. Sau đó, để nâng cao chất lượng hoạt động thì nâng một ủy viên lên làm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh để thường trực có ba người.

Sẽ tính toán lại việc hợp nhất 3 văn phòng - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu. Ảnh: TTXVN

“Không nên giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Sao không giảm chỗ nào lại cứ giảm ở cơ quan dân cử? Qua thảo luận ý kiến của các địa phương, cử tri đều đề nghị như vậy” - Chủ tịch QH nói.

Giải trình về nội dung này, thay mặt cơ quan soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định dự thảo luật cũng sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc khối hành pháp rất mạnh chứ không phải chỉ nhắm vào cơ quan dân cử. “Số lượng cấp phó (cục, vụ) ở cấp bộ cũng quy định mức bình quân và trao quyền cho bộ trưởng quyết định, như vậy cũng là khuyến khích giảm số lượng biên chế trong bộ. Vì vậy không phải là bên nặng bên nhẹ” - ông Tân nói.

Bất cập thí điểm nhập ba văn phòng làm một

Về việc sáp nhập bộ máy giúp việc của địa phương gồm ba văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND vào một, báo cáo giải trình tiếp thu cũng cho rằng đây là vấn đề đang thí điểm, chưa có tổng kết, đánh giá, cần thận trọng.

 

Về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho hay trong thực tế 12 tỉnh thực hiện sáp nhập ba văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND đã có những bất cập nảy sinh.

“Văn phòng HĐND sáp nhập với văn phòng ĐBQH thì hợp lý vì trong cơ quan dân cử. Còn UBND là cơ quan chuyên môn, tham mưu. Mặc dù đều là giúp việc nhưng một bên thực hiện chức năng giúp việc thẩm tra, giám sát, một bên giúp việc báo cáo giải trình. Đây là việc cần phải xem xét lại” - ông Hiển nói.

Theo đó, ông Hiển đề nghị dự thảo luật nên để hai phương án để QH xem xét, quyết định.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng nên đề xuất hai phương án. Trong đó phương án 1 là chỉ sáp nhập văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, giữ nguyên văn phòng UBND; phương án 2 hợp nhất cả ba văn phòng. “Tôi nhớ đây là lần thứ ba chúng ta tách ra nhập vào các văn phòng rồi. Mỗi lần thực hiện lại phải thay đổi con dấu, đủ thứ chuyện” - Chủ tịch QH nói. Theo đó, Chủ tịch QH đề nghị sớm tiến hành đánh giá, tổng kết việc thí điểm hợp nhất cơ quan giúp việc tại địa phương để kỳ họp tới QH có căn cứ xem xét, quyết định nội dung này.

Băn khoăn quy định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu

Chiều 15-7, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đa số các ý kiến đều tỏ ra băn khoăn về quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu…

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về nội dung này, Chủ nhiệm UB Nguyễn Khắc Định cho hay nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Tuy nhiên, các đại biểu QH cũng đề nghị quy định rõ trong luật hệ quả pháp lý nhất định về vật chất, tinh thần mà người bị kỷ luật phải chịu. Một số ý kiến đề nghị tách quy định này thành một điều riêng.

Về quy định này, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng về bản chất chỉ là đưa ra hình thức xử lý chứ các trường hợp về hưu rồi thì “không còn gì cả để xử lý”. “Có đồng chí về hưu rồi nhưng tham gia hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ này xóa tư cách này nhưng vẫn còn nhiệm kỳ trước. Tôi thấy rất khó giải quyết, tôi chưa nghĩ ra cách nào. Bởi về hưu rồi thì không còn chức vụ gì nữa để xử lý” - ông Phúc nói.

Còn Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho hay khi QH lần đầu tiên ra một nghị quyết về cách chức một nguyên bộ trưởng, cá nhân bà nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi về việc này vì “còn chức đâu mà cách”.

Theo Chủ tịch QH đây là vấn đề phức tạp và khó quy định trong dư luận vì những người nghỉ việc, nghỉ hưu thì không còn là công chức - đối tượng bị điều chỉnh của dự luật. “Tôi cho rằng đưa nội dung này vào dự luật là cần thiết vì đã có chủ trương rồi. Nhưng tách một điều riêng trong dự luật thì nên cân nhắc tính hợp lý” - Chủ tịch QH nói. Theo đó, bà đề nghị chỉ nên quy định nguyên tắc, tạo cơ sở để Chính phủ có quy định, hình thức xử lý cụ thể.

Theo https://plo.vn/t

bn-current-user-online-portlet

Online : 2938
Total visited : 151122103