Việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: thực trạng và giải pháp

30/08/2019 16:52 View Count: 246

Ngày 24 tháng 10 năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2014/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị định số 98/2014/NĐ-CP đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã chủ động, tích cực tuyên truyền các nội dung của Nghị định số 98/2014/NĐ-CP đến các doanh nghiệp trong toàn tỉnh để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và ý nghĩa của việc thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Giáo dục, động viên người lao động phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thực độc lập tự chủ, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chấp hành tốt pháp luật và nội quy, quy chế của doanh nghiệp, tích cực tham gia xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân và phấn đấu để trở thành đảng viên, đoàn viên, hội viên; tích cực chỉ đạo cán bộ, đảng viên trong các doanh nghiệp triển khai, tuyên truyền thực hiện các nội dung của Nghị định số 98/2014/NĐ-CP trong các doanh nghiệp.

Sau 05 năm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 98/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức trong các cấp, các ngành, đoàn thể, các chủ doanh nghiệp và trong cán bộ, công nhân viên toàn tỉnh về tầm quan trọng, tính tất yếu phải có tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp, khảo sát thực tế tình hình cán bộ, công nhân viên và hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính từ thời điểm ban hành Nghị định số 98/2014/NĐ-CP đến ngày 31/12/2018, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thành lập được tổng số 1183 tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có 76 tổ chức chính trị và 1107 tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, về tổ chức chính trị đã thành lập được 76 tổ chức Đảng với 2481 Đảng viên; Các tổ chức chính trị - xã hội: thành lập mới 635 tổ chức công đoàn cơ sở với 109422 số đoàn viên phát triển mới; Có 81 tổ chức đoàn thanh niên với 3481 đoàn đoàn viên; Cựu chiến binh: số tổ chức hội cựu chiến binh có 14 tổ chức với 187 hội viên.

Việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có những ưu điểm, thuận lợi sau:

- Có sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy các cấp, sự phối hợp của các Ban ngành, đoàn thể của Tỉnh và tổ chức đảng về thành lập tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội;

- Một số doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có sự quan tâm, nhận thức tốt về vai trò tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể đã tạo điều kiện tốt để các đơn vị hoạt động;

- Đội ngũ cán bộ tích cực bám sát cơ sở, khảo sát nắm tình hình và tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên;

 - Các doanh nghiệp mới thành lập tổ chức Đảng đã làm cho người lao động ở các doanh nghiệp tin tưởng vào sự lãnh đạo của tổ chức đảng, đoàn thể, tin tưởng vào lãnh đạo doanh nghiệp, tích hăng hái đi đầu trong lao động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức đảng, đoàn thể luôn là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp hoạt động;

- Người lao động đã nhận thức được hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể ngày một tốt hơn, người lao động hăng hái thi đua, phấn đấu tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để trở thành đảng viên, đoàn viên.

- Vai trò cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được tăng cường, chú trọng nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội; công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các doanh nghiệp được duy trì và giữ vững góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn sau:

Một là, Thời gian qua, mặc dù có sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền địa phương nhưng việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp hiệu quả chưa cao;

Hai là, Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến được triển khai rộng khắp, thường xuyên, tuy nhiên một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa quan tâm, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp;

Ba là, Sự phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng hoạt động của các đoàn thể còn mặt hạn chế;

Bốn là, Trình độ công nhân lao động trực tiếp sản xuất đa phần còn thấp nên tác phong công nghiệp chưa cao, một bộ phận lao động chỉ quan tâm tới thu nhập, ít quan tâm đến đời sống chính trị, chưa thể hiện ý chí phấn đấu để trưởng thành trong các tổ chức chính trị - xã hội; việc trích nộp kinh phí 2% để duy trì hoạt động công đoàn tại một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

- Nhận thức của một bộ phận chủ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nơi chưa có tổ chức Đảng về sự hình thành, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa thông suốt, còn dè dặt, vai trò của đảng viên là người lao động trong doanh nghiệp còn mờ nhạt;

- Việc thực hiện lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định của Chính phủ phần nào ảnh hưởng đến sự ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp do sự thay đổi về tổ chức bộ máy, con người, các chủ trương hỗ trợ,…gián tiếp ảnh hưởng đến việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp;

- Việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng để tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời, chưa đi vào chiều sâu; quy trình, thủ tục thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên, nhất là đối với chủ doanh nghiệp chưa linh hoạt, còn nhiều lúng túng trong thực hiện;

- Một số cấp ủy cơ sở chưa có sự chỉ đạo quyết liệt trong việc chuyển các đảng viên còn sinh hoạt nơi cư trú về nơi làm việc ổn định tại các doanh nghiệp để thành lập tổ chức đảng;

- Việc tiếp cận của Ban chỉ đạo vận động thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài;

- Nội dung hoạt động của các đoàn thể trong doanh nghiệp còn hình thức, chưa thiết thực, dẫn đến tư tưởng chủ doanh nghiệp chưa tha thiết đối với việc thành lập các tổ chức;

- Quần chúng trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân thường có lịch sử chính trị phức tạp, điều này làm cho công tác kết nạp đảng gặp nhiều khó khăn.

Để việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp, đội ngũ đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động trong các doanh nghiệp về quyền và lợi ích của đảng viên, đoàn viên, hội viên khi tham gia tổ chức đảng, đoàn thể. Qua đó, phát huy sức mạnh tập thể và sự chủ động, sáng tạo, tiên phong của mỗi đảng viên, đoàn viên cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như xây dựng tiền đề cho việc thành lập và phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể;

Thứ hai, Đối với các tổ chức đảng, đoàn thể đã được thành lập trong doanh nghiệp, cần có sự quyết tâm cao trong đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng mô hình sinh hoạt phù hợp với từng đối tượng, nhằm tập hợp thanh niên, người lao động có đủ điều kiện tham gia các tổ chức đảng, đoàn thể;

Thứ ba, Định kỳ tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thành lập, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, để định hướng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp đồng thuận với việc thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp; xem công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và phải quyết tâm, kiên trì thực hiện;

Thứ 4, Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP và các văn bản có liên quan; đưa việc thực hiện công tác thành lập tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên, hội viên trong các doanh nghiệp vào tiêu chí đáng giá mức độ hoàn thành công việc hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị.

Lê Đăng Chính

bn-current-user-online-portlet

Online : 3129
Total visited : 150782356