Lồng ghép các nội dung về dân số vào các hương ước, quy ước thôn, làng, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

06/03/2018 14:43 View Count: 279

Cũng giống như các tỉnh, thành khác trong cả nước, xuất phát từ ý nghĩa, vai trò của Quy ước trong điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng dân cư thôn, làng khu phố. Thi hành Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.  Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31/3/2000 của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa-Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN-UBQGDSKHHGĐ ngày 09/7/2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa-Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, Thông tư số 70/2007/TT-BNN ngày 01/08/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.  Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện quy ước trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm tổ chức đạt kết quả, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, là một trong số ít các tỉnh có sự phát triển vượt bậc, nhiều chỉ tiêu KTXH vượt trước chỉ tiêu của Trung ương đề ra.

Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 55/2002/NQ-HĐND ngày 26/7/2002 của HĐND tỉnh khóa XV về việc xây dựng và thực hiện Quy ước thôn, làng, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; H­ướng dẫn số 54/HD-UB ngày 09/9/2002 của UBND tỉnh về việc quản lý Nhà n­­ước và định hướng nội dung quy ­­ước thôn, làng, khu phố; Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 29/01/2007 về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND17 về việc quy định hỗ trợ thực hiện hỏa táng, điện táng người chết trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND17 về việc quy định một số điều về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 1184/KH-UBND ngày 18/6/2012 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2012-2015 của tỉnh Bắc Ninh; Công văn số 366/SVHTTDL ngày 05/5/2014 của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch về việc hướng dẫn rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch, Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh ban hành h­ướng dẫn số 01/HD-LT ngày 16/9/2005 về việc thực hiện chính sách Dân số, Gia đình và Trẻ em; Sở Tư pháp đã ban hành Hướng dẫn số 275/STP-PBGDPL ngày 02/6/2016 hướng dẫn công tác xây dựng quy ước năm 2016...

Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 728/736 thôn xây dựng được quy ước, hương ước: Các quy ước thôn, làng, khu phố đều đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa là một trong những nội dung chính. Đặc biệt, một số địa phương đã đưa vào hương ước, quy ước những nội dung về bảo vệ trật tự an ninh nông thôn, những việc dân phải được biết và bàn như chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định việc Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đai, quyết toán thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo...

Việc xây dựng hương ước, quy ước đã bám sát thực tế truyền thống, phong tục tập quán của địa phương đồng thời đảm bảo các yêu cầu được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BVHTT-BTTUBTUBMTTQVN, bố cục rõ ràng, mạch lạc nêu được lịch sử ra đời của thôn, làng, khu phố, các phong tục, tập quán của địa phương; truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư và các nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày; về việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; về bảo vệ các công trình công cộng và phát triển sản xuất, về các điều khoản thi hành sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước…

Việc soạn thảo, thông qua, phê duyệt hương ước, quy ước đã đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Quy chế dân chủ ở cơ sở và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03. Theo đó, sau khi Quy ước được thông qua tại hội nghị toàn dân tại thôn, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ký xác nhận vào trang cuối của Quy ước trình UBND cấp xã xem xét. Chủ tịch UBND cấp xã và Chủ tịch MTTQ xã xem xét nội dung của hương ước, bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và trao đổi, thống nhất với Chủ tịch HĐND cùng cấp về nội dung trước khi gửi Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa thẩm định trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có 474 bản hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung các bản quy ước đã thực hiện theo kế hoạch của Ban chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy ước làng văn hoá về việc sửa đổi một số điều về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua theo tinh thần Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND17 và Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND17. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện việc thí điểm sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới theo công văn số 3349/BVHTTDL-GĐ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Xã Tam Giang, huyện Yên Phong; xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành; xã Quế Tân huyện Quế Võ; xã Liên Bão, huyện Tiên Du).

Thông qua việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, làm cho nhân dân phấn khởi tích cực thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, khuyến khích phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan... góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Các thôn, làng, khu phố đã chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, như: Thanh niên nam nữ kết hôn đúng tuổi quy định; đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân xã; không được tảo hôn…; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hương ước, quy ước còn quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ. Cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện các hương ước, quy ước trên từng khu dân cư không những góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, hỗ trợ đắc lực cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, các hương ước, quy ước được triển khai, thực hiện nghiêm túc. Các phong tục tập quán tốt đẹp cổ truyền của thôn, làng, khu phố, dòng họ ngày càng được duy trì và phát huy. Việc cưới, tang, mừng thọ được thực hiện đúng theo Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND17 và Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND17 của HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XVII. Hầu hết các đám cưới, đám tang, mừng thọ được tổ chức trang trọng và tiết kiệm không phô trương, đặc biệt đã loại bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; lăn đường, lăn huyệt, gọi hồn, yểm bùa khi tổ chức đám tang…. Các lễ hội cơ bản được tổ chức đảm bảo đúng nghi lễ, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống. Việc đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn được nhân dân ủng hộ nhiệt tình, đến nay các thôn, làng, khu phố hoàn thành bê tông hóa 100% đường làng ngõ xóm. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ.

Ngay từ khi chỉ đạo xây dựng Quy ước trong toàn tỉnh năm 2002 – 2003, trên cơ sở làm điểm tại một số địa phương, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các địa phương khi xây dựng quy ước phải có quy định nội dung về chính sách dân số và việc thực hiện chính sách dân số. Theo đó, tại hướng dẫn số 54/HD-UB ngày 09/9/2002 của UBND tỉnh về quản lý nhà nước và định hướng nội dung quy ước trên địa bàn tỉnh đã quy định nội dung về y tế, giáo dục, môi trường, theo đó

“ 4. Về y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường:

a. Mọi người có trách nhiệm bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung; vận động nhân dân thực hiện tốt các chương trình y tế như tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em; thực hiện tốt chương trình kế hoạch hóa gia đình; phòng và chống các loại dịch bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan y tế.”

Như vậy, về định hướng chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được quan tâm chỉ đạo ngay từ văn bản hướng dẫn của tỉnh và đây là tiền đề bắt buộc để các địa phương chỉ đạo thực hiện xây dựng quy ước.

Về thực tiễn, các quy ước thôn, làng, khu phố xây dựng thời kỳ này đã tuân thủ nghiêm túc nội dung định hướng về chính sách dân số, 100% quy ước có nội dung quy định này. Bên cạnh một số ít các quy ước quy định chung chung như “ thực hiện tốt chương trình kế hoạch hóa gia đình” thì các quy ước khác đều có quy định cụ thể hóa về chính sách dân số đó là: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt”, “ không được phân biệt con trai, con gái”, “ Thực hiện các biện pháp tránh thai như đặt vòng, uống thuốc hoặc triệt sản...”. Hầu hết các quy ước đều quy định việc sinh con thứ 3 trở lên là vi phạm quy ước và bị xử phạt theo quy ước với các biện pháp như phê bình trên loa truyền thanh, nhắc nhở, kiểm điểm trước dân. Điều đặc biệt, hầu hết các nội dung này được cộng đồng các khu dân cư thông qua mà ít có phản ứng chống đối hoặc không thông qua. Qua theo dõi, đánh giá việc thực hiện nội dung này của quy ước tương đối tốt, các trường hợp vi phạm bị xử lý đều chấp thuận cho thấy ở thời kỳ này, bên cạnh quy định của pháp luật, của Đảng về xử lý vi phạm chính sách dân số thì quy ước cũng cho thấy hiệu quả nhất định trong việc thực hiện. Mặc dù ở thời kỳ này Pháp lệnh dân số đã ra đời và có hiệu lực với tinh thần cho các cặp vợ chồng được tự quyết định số lần sinh và khoảng cách giữa các lần sinh.

Khi Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008 và các Nghị định của Chính phủ ra đời khẳng định quyền của các cặp vợ, chồng có quyền quyết định sinh một hoặc 2 con và các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên mà không vi phạm chính sách dân số và các cơ quan, chính quyền không được đưa ra các hình thức xử lý vi phạm về chính sách dân số (trừ quy định của Đảng) thì việc quy định chính sách dân số trong quy ước phải có sự thay đổi cho phù hợp. Theo đó, các bản quy ước khi sửa đổi, bổ sung về nội dung chính sách dân số đều phải bám sát và quy định phù hợp về quyền, nghĩa vụ của các cặp vợ, chồng trong quyết định sinh 1 hoặc 2 con. Tuy nhiên, do Nhà nước không xử phạt các hành vi vi phạm nên một số bản quy ước đã phải có sự điều chỉnh và loại bỏ quy định xử phạt trong nội dung quy ước về thực hiện chính sách dân số hoặc không sửa đổi, hủy bỏ nội dung này thì cũng không áp dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, một số quy ước khi sửa đổi, bổ sung chưa tuân thủ quy định về thông qua, thẩm định...một số quy ước vẫn trong quá trình thẩm định chưa phê duyệt, việc sửa đổi, bổ sung còn manh mún, chưa đồng bộ nên hiệu quả không cao.

Từ thực tiễn xây dựng và thực hiện quy ước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đặc biệt là việc lồng ghép chính sách dân số trong các bản quy ước cho thấy:

Thứ nhất, ở đâu và khi nào có sự quan tâm và hiểu đúng về chính sách, pháp luật thì tinh thần của chính sách và pháp luật mới được phản ánh vào trong các cách xử sự của người dân thông qua quy ước (do người dân xây dựng lên và tự nguyện áp dụng) thì ở đó chính sách dân số mới được hiểu đúng và thực hiện đúng.

Thứ hai, khi chính sách có sự thay đổi thì cần có sự tuyên truyền, phổ biến kịp thời, phù hợp.

Thứ ba, trong lồng ghép chính sách dân số vào quy ước cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan liên quan, đặc biệt là của cơ quan tư pháp, văn hóa, mặt trận tổ quốc...

Hiện nay, theo tinh thần chung định hướng về quy ước theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Chỉ thị 24 năm 1998, nội dung về chính sách dân số tiếp tục được đề cập theo hướng phù hợp với chính sách về dân số mới được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 thông qua và dự thảo Luật Dân số. Điều đó đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế mới nội dung này trong các bản quy ước thôn, làng, khu phố cần phải tiêp tục đặt ra và phải được quan tâm, chỉ đạo nghiêm túc để phát huy tác dụng trong thực tế. Muốn làm được điều đó, các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt người dân ở cơ sở phải được thông tin đầy đủ, đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt chính sách, đồng thời tự mình xây dựng lên những quy tắc xử sự phù hợp trong cộng đồng dân cư thông qua việc xây dựng và thực hiện quy ước thôn, làng, khu phố. Góp phần thực hiện chính sách dân số, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

 

Nguyễn Văn Đại