Một số kết quả 5 năm thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 của Sở Tư pháp

24/07/2020 13:39 View Count: 121

Với đặc thù là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác Tư pháp trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp...Trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm thực hiện Chương trình 138 của Sở Tư pháp được quan tâm, phối hợp lồng ghép trong các mặt công tác chuyên môn của lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh:

- Hàng năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh (dưới đây gọi tắt là Hội đồng) ban hành Kế hoạch chỉ đạo các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và các ngành thành viên Hội đồng tích cực phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Các chương trình, đề án về PBGDPL tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện như: Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên; Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị; Công ước chống tra tấn, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021; Đề án về tăng cường công tác PBGDPL phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; Đề án tăng cường PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; Kế hoạch tăng cường phổ biến, giáo dục Hiến pháp; phòng, chống ma túy, mại dâm, buôn bán người, phòng, chống tội phạm, khiếu nại, tố cáo....

- Tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng tỉnh ban hành Kế hoạch công tác tư pháp hàng năm, trong đó có các Kế hoạch cụ thể thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, quy ước, tủ sách pháp luật...Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch triển khai của đơn vị, địa phương; Kế hoạch của Hội đồng về việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ và Nhân dân trong đó chú trọng nội dung về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tư pháp còn chủ động ban hành các Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, hướng dẫn các đơn vị địa phương thực hiện, phục vụ phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh: Hàng năm, Sở đều xây dựng các kế hoạch thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, buôn bán người; Kế hoạch về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; Kế hoạch về tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông; Kế hoạch về tuyên truyền, phòng, chống bạo lực gia đình; Kế hoạch về tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về PCCC; quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và pháo nổ, đèn trời dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh...

- Nghiêm túc quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm đến 100% công chức, viên chức và người lao động góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường ý thưc trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự của cơ quan, đơn vị và nơi cư trú. Hàng năm, các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, các chi bộ đảng, các phòng chuyên môn đều ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông, không sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi tham gia giao thông; bản thân và gia đình thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy, quản lý vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quản lý pháo và đèn trời...Cam kết được coi là chỉ tiêu đánh giá thi đua xếp loại đảng viên, công chức, viên chức và người lao động và các chi bộ, đơn vị thuộc Sở. Trong 5 năm không có đảng viên, công chức, viên chức và người lao động vi phạm cam kết.

Công tác thực hiện Chương trình 138 được Sở Tư pháp quan tâm tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động chuyên môn, tham mưu chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng đơn vị đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới:

Về Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật: Hội đồng tỉnh tiếp tục được kiện toàn với 36 thành viên, Chủ tịch Hội đồng đã thành lập Ban Thư ký giúp việc gồm 3 thành viên, ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng phụ trách ngành, lĩnh vực, địa phương, từng bước đưa hoạt động của Hội đồng đi vào nề nếp hiệu quả. Hội đồng hoạt động theo cơ chế tập thể, quyết định theo đa số, định kỳ họp một năm 2 lần vào tháng 6 và tháng 12, trừ các trường hợp đột xuất. Hoạt động của Hội đồng đã từng bước được duy trì và nâng lên về chất lượng, hiệu quả thiết thực, Hội đồng thực sự là cơ quan tư vấn cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác PBGDPL đặc biệt là trong các sự kiện chính trị xã hội lớn như Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản pháp luật của Trung ương,  của tỉnh đi vào cuộc sống góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KTXH, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể... Tại các huyện, thị xã, thành phố: 8/8 đơn vị đã kịp thời kiện toàn lại Hội đồng cùng cấp do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Thường trực làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên là Lãnh đạo các Phòng, ban theo đúng quy định của Luật, Nghị định Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động của Hội đồng cấp huyện dần ổn định và từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả tích cực với địa phương. Ngoài ra, tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh theo hướng dẫn của ngành dọc cũng thành lập Hội đồng để tham mưu, tư vấn cho Đảng ủy, Chỉ huy trong công tác PBGDPL tại đơn vị.

Về kết quả thực hiện Ngày Pháp luật: Căn cứ quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ đạo của Bộ Tư pháp về Ngày Pháp luật, tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện đảm bảo chủ đề, nội dung, các hình thức, mô hình, cách thức tổ chức thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật, Ngày Pháp luật trên thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chỉ đạo các ngành, các địa phương làm tốt nội dung Ngày Pháp luật, theo đó:

- Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Hiến pháp 2013 và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Tập trung quán triệt nội dung, tinh thần và những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, công vụ; nội quy, quy chế nội bộ.

- Phổ biến Hiến pháp và pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Tập trung tuyên truyền, phổ biến giới thiệu nội dung, những điểm mới của Luật Hộ tịch; Luật Căn cước công dân; Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các quy định mới ban hành có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Phổ biến Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, các Công ước quốc tế về quyền con người.

- Phổ biến các văn bản pháp luật  liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: Tập trung Phổ biến các quy định về cải cách tư pháp, cải cách hành chính nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Chủ tịch Hội đồng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đồng chí thành viên Hội đồng lựa chọn nội dung, hình thức để triển khai thực hiện Ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

Việc triển khai Ngày Pháp luật hàng năm trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức thực hiện một cách sâu rộng, từ tỉnh đến cơ sở. Hình thức, nội dung và chủ đề của Ngày Pháp luật  bám sát theo sự chỉ đạo của Hội đồng Trung ương, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sức lan toả rộng rãi trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiến pháp và pháp luật trong cuộc sống.

Về kết quả thực hiện các nội dung PBGDPL: Sở đã tham mưu UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện nội dung bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới ban hành như: Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Luật mới ban hành trong năm 2016, 2017, 2018 2019 và 6 tháng đầu năm 2020. Đồng thời công tác tuyên truyền pháp luật gắn với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tư vấn pháp luật nhằm hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, đồng người; phòng ngừa vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Trong đó tuyên truyền sâu rộng các văn bản mới ban hành, các quy định pháp luật có quan hệ mật thiết với đời sống nhân dân, nhất là các quy định pháp luật về dân sự, đất đai, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, lao động, việc làm, các chính sách, chế độ mà người dân được hưởng, các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, các quy định của tỉnh...

Đối với nông dân: Tiếp tục phổ biến, hướng dẫn các trình tự, thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi dất; Xử lý vi phạm hành chính, giải quyết tranh chấp khiếu nại tố cáo trong quản lý sử dụng đất đai, nghĩa vụ nộp thuế; Tuyên truyền sâu rộng Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Đối với phụ nữ: Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bảo vệ chăm sóc bà mẹ và trẻ em; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Các quy định về phòng, chống mại dâm; chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình.

Đối với cán bộ công chức: Tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; Chú trọng các quy điịnh pháp luật chuyên ngành gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, công chức. Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, thiết thực thông qua mô hình Ngày Pháp luật.

Đối với thanh, thiếu niên: Phổ biến các quyền, bổn phận của trẻ em, của thanh niên; Luật Giao thông đường bộ; Các quy định về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thanh niên.

Đối với người lao động và người sử dụng lao động: Phổ biến pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động, các quy định về bảo hiểm xã hội, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động; về công đoàn, thỏa ước lao động tập thể.

Đối với sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và các lực lượng an ninh khác: Phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan đến vị trí, nhiệm vụ công tác, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân , Pháp lệnh Công an xã, Luật Công an nhân dân, các quy định về xử lý vi phạm hành chính, hộ khẩu, giao thông, trật tự an toàn xã hội; kiến thức pháp luật về dân quân tự vệ, dự bị động viên, quy định về quốc phòng có liên quan.

Tuyên truyền về Hiến pháp 2013: Trong các năm 2016 đến 2020, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền Hiến pháp theo hướng có chiều sâu, có trọng tâm trọng điểm. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các nội dung như về quyền và nghĩa vụ của công dân, về tổ chức bộ máy nhà nước... thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm giới thiệu về Hiến pháp đến cán bộ, đảng viên thuộc cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 3000 Hội nghị cho trên 300.000 lượt người trong đó 1.568 Hội nghị lồng ghép triển khai tuyên truyền Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh việc tổ chức Hội nghị các cấp, các ngành còn triển khai tuyên truyền dưới nhiều hình thức có hiệu quả như: phát tài liệu hỏi đáp, phát hành tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu, báo viết, báo hình, Internet. UBND tỉnh đã cấp phát trên 340.000 tờ gấp Hiến pháp cho các đối tượng trên địa bàn. Hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”, toàn tỉnh đã nhận được 72.193 bài dự thi của cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên. Năm 2019 đã tổ chức 51 cuộc phổ biến Hiến pháp trực tiếp tại cơ sở với trên 10.000 lượt người dự, năm 2020 tổ chức 75 cuộc tại các xã, phường, thị trấn phục vụ Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Các hình thức PBGDPL có hiệu quả khác:

- Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020. Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức 18 cuộc phổ biến pháp luật (ưu tiên các đơn vị có khó khăn trong công tác PBGDPL, có nhiều vướng mắc về pháp luật) tại các thôn, xã của 6 huyện và thị xã Từ Sơn cho trên 2000 người dự (huyện Tiên Du gồm xã Việt Đoàn, Phú Lâm, Nội Duệ, Minh Đạo; huyện Yên Phong gồm xã Yên Phụ, Long Châu, Trung Nghĩa; huyện Lương Tài gồm xã Lai Hạ và xã Minh Tân; huyện Gia Bình gồm xã Đông Cứu và xã Quỳnh Phú; huyện Thuận Thành gồm xã Xuân lâm và xã Nguyệt Đức; huyện Quế Võ gồm xã Phù Lương và xã Đào Viên; thị xã Từ Sơn gồm xã Tam Sơn, Phù Chẩn và phường Trang Hạ.

- Tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật cho học sinh bậc THPT trên địa bàn tỉnh với 44 nhà trường đạt 100% và 40.872 học sinh đăng ký tham gia, có 42.475 lượt học sinh tham gia dự thi, Bắc Ninh xếp thứ 2 toàn quốc (chỉ sau thành phố Hà Nội với trên 200 trường THPT), đặc biệt tỉnh Bắc Ninh có 18/44 trường trong tốp 100 nhà trường có số học sinh tham gia cao nhất, 8/10 trường tốp đầu là của Bắc Ninh, trong đó trường THPT Lý Thái Tổ, THPT Yên Phong số 1, THPT Tiên Du số 1 và THPT Thuận Thành số 1 xếp thứ nhất, nhì, ba, năm trong tốp 5 nhà trường trong cả cuộc thi. Năm 2019 và 2020 tổ chức hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật mang tên “Pháp luật học đường” cho học sinh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục duy trì các hình thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương như: Mô hình thanh niên tự quản, tuổi trẻ với pháp luật của Tỉnh đoàn; Mỗi tuần một điều luật, Tổ tư vấn tâm lý, pháp luật của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Phụ nữ với pháp luật, nữ chủ nhà trọ, gia đình hạnh phúc, tình thương và trách nhiệm, đồng cảm...của Hội Phụ nữ tỉnh...

- Tập trung tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và cán bộ về vai trò, ý nghĩa cũng như các quy định liên quan đến công tác hòa giải cơ sở. Đồng thời đã tiến hành rà soát và đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong toàn tỉnh nhằm tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 50 Hội nghị tập huấn cho trên 10.000 lượt Hòa giải viên. 6 tháng đầu năm 2020, đã tập huấn 08 lớp với trên 2500 hòa giải viên theo Chương trình khung của Bộ Tư pháp. Chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức pháp luật cho hòa giải viên. Trong năm 5 năm các Hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã tiến hành hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 76% vụ việc hòa giải. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 819 Tổ hòa giải với 5.461 hòa giải viên.

- Trên địa bàn tỉnh hầu hết các quy ước thôn, làng, khu phố trên địa bàn đều đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa là một trong những nội dung chính. Đặc biệt, một số địa phương đã đưa vào hương ước, quy ước những nội dung về bảo vệ trật tự an ninh nông thôn, nội dung quy ước tại các thôn, làng, khu dân cư đều quy định rõ những việc dân phải được biết và bàn như chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định việc Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đai, quyết toán thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo...

- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định 619/QĐ-TTg quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, đã hướng dẫn UBND cấp huyện tiến hành đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018; Công khai danh sách cấp xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Chỉ đạo UBND cấp huyện công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phần huyện, thị xã, thành phố, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2019. Tập trung xây dựng đạt chuẩn cho 8 xã còn lại đăng ký về dích nông thôn mới năm 2019 bao gồm: Lương Tài 2 xã, Thuận Thành 3 xã và Yên Phong 3 xã, huyện Thuận Thành và huyện Lương Tài đề nghị công nhận huyện nông thôn mới.

Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù: Trong 5 năm, Sở Tư pháp đã phối hợp thực hiện tuyên truyền trên 100 điểm và thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí tại các thôn xóm, xã, phường, thị trấn cho hơn 5.000 đối tượng chính sách. Phối hợp với Hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho chị em phụ nữ tại các Chi hội. Duy trì các loại hình câu lạc bộ pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật như mô hình Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ, Phụ nữ với pháp luật, xây dựng và duy trì 6 mô hình Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật...

Về nguồn nhân lực PBGDPL: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch củng cố, tăng cường đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.  Đến nay, toàn tỉnh có 110 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 152 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 865 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường về số lượng và chất lượng. Hàng năm đều được cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở đã tiến hành thẩm định, góp ý các  dự thảo văn bản, thẩm định   các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các ngành soạn thảo trình HĐND, UBND tỉnh ban hành. Hệ thống hóa, theo dõi, kiểm tra công tác ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh trong đó chú trọng các nội dung về công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống tội phạm mua bán người. Tiến hành thống kê tỷ lệ trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh, tỷ lệ người chết được đăng ký khai tử, theo đó 100% trẻ em sinh ra trên địa bàn được đăng ký khai sinh theo yêu cầu, 100% các trường hợp chết được đăng ký khai tử theo qui định. Thực hiện Quyết định số 986/QĐ-BTP ngày 23/4/2019 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, thời gian và lộ trình thực hiện cho các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; Tiến hành công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên cơ sở quy định tại Nghị định 24/2019/NĐ-CP. Việc giải quyết các hồ sơ quốc tịch, nuôi con nuôi đảm bảo theo trình tự thủ tục của pháp luật. Tiến hành ghi chú việc thôi quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu Bộ Tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định.

Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo, quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo chỉ đạo. Công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan luôn có ý thức tự học tập, tìm hiểu trau dồi kiến thức pháp luật áp dụng trong công tác và cuộc sống cho mình và gia đình, cộng đồng. Các văn bản về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đượ quan tâm quán triệt như: Nghị quyết số 28/NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 25/10/2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị định số 06/2013/NĐ-CP, ngày 09/01/2013 của Chính phủ Quy định về “Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp”... góp phần nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động về vị trí, ý nghĩa của công tác bảo đảm an ninh, trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của đơn vị. Cấp ủy, Lãnh đạo cơ quan luôn xác định rõ công tác xây dựng và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan là của cấp ủy, Lãnh đạo cơ quan, là nhiệm vụ quan trọng bảo đảm ổn định, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy, Lãnh đạo cơ quan thường xuyên quan tâm, đánh giá đúng về thực trạng công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc của đơn vị. Do vậy, đã thực hiện các giải pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới phù hợp với đặc điểm của cơ quan nhằm đạt được tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo quy định tại Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an. Kết hợp chặt chẽ  giữa phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nơi công sở, kết hợp với phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; gắn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan; tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công an về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Sở đã xây dựng và quán triệt nghiêm túc Quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thực hiện dân chủ, các quy định của Đảng và Nhà nước về kỷ luật công vụ, văn hóa công sở, quy chế cung cấp thông tin, kỷ luật phát ngôn, nội quy phòng cháy, chữa cháy, các quy định về phòng, chống tội phạm. Nâng cao ý thức cảnh giác trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ phận công chức, viên chức và người lao động; chủ động phòng ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng mạng internet, sử dụng các trang mạng xã hội và các thông tin khác để bôi nhọ, vu cáo, xuyên tạc, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khắc phục tình trạng sơ hở, mất cảnh giác với các thế lực thù địch và tội phạm khác; tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, nhất là an ninh mạng, khắc phục tình trạng lộ, lọt thông tin mật của Đảng, Nhà nước; tích cực bảo vệ tài sản, giữ gìn trật tự, kỷ cương trong cơ quan.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động công chức, viên chức, người lao động hiểu rõ việc xâm phạm chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là xâm phạm vùng biển của Việt Nam, không tham gia biểu tình trái pháp luật; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi quá khích; kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật, không để xảy ra gây rối an ninh, trật tự trong mọi tình huống. Tăng cường công tác bảo vệ cơ quan, bố trí lịch trực sẵn sàng trong các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm... Sở đã chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ “Quy định về bảo vệ Cơ quan, doanh nghiệp”; Bố trí lực lượng bảo vệ cơ quan 24h/24h đảm bảo an ninh trật tự cơ quan. Tham gia huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật cho lực lượng bảo vệ cơ quan, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho cán bộ làm công tác quản lý, đoàn thể trong cơ quan. 100% đối tượng là lãnh đạo cấp phòng trở lên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh do tỉnh và quân khu tổ chức theo quy định.

Có thể nói, qua 5 năm thực hiện Chương trình 138, Sở Tư pháp đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được chú trọng đổi mới hình thức, nội dung, định hướng công tác đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Công tác PBGDPL tạo ra sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các hoạt động liên quan trực tiếp đến phòng, chống tội phạm luôn được Sở Tư pháp nâng cao chất lượng hoạt động song song cùng với việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được củng cố, hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định, kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm./.

 

Bích Khuyên