TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
1. Xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam
Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và đã được Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian thí điểm. Thực hiện Nghị quyết số 74/2018/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử, khắc phục những khó khăn, vướng mắc qua 02 năm thí điểm, đồng thời mở rộng danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (bổ sung 34 nước và 05 cửa khẩu). Trong 06 tháng đầu năm 2019, số lượng người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tăng nhanh (tăng 95% so với cùng kỳ năm 2018).
Chính sách thí điểm cấp thị thực điện tử đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước. Về kinh tế - xã hội, chính sách cấp thị thực điện tử đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Về đối ngoại, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam đánh giá cao chính sách cấp thị thực điện tử của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập. Việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài bảo đảm an ninh, quốc phòng, chưa phát sinh phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Hệ thống cấp thị thực điện tử hoạt động ổn định, an toàn.
2. Xuất phát từ yêu cầu kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan
Qua tổng kết việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (gọi tắt là Luật số 47) cho thấy Luật đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 để phù hợp với một số quy định khác của pháp luật có liên quan và thực tiễn công tác quản lý, cụ thể như sau:
Một là, người nước ngoài vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được miễn thị thực 30 ngày. Tuy nhiên quy định này chưa được áp dụng do chưa có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong khi đó từ năm 2013, người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc được miễn thị thực với thời gian tạm trú 30 ngày (như đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) theo Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Hai là, thị thực, thẻ tạm trú ĐT cấp cho cá nhân người nước ngoài là nhà đầu tư và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Việc quy định chung ký hiệu thị thực cấp cho hai đối tượng trên gây khó khăn trong việc xác định mục đích và công tác thống kê. Do đó, cần bổ sung ký hiệu thị thực cấp cho luật sư để phân biệt người nước ngoài là nhà đầu tư và người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư bao gồm tổ chức và cá nhân (khoản 13 Điều 3) nhưng Luật số 47 chưa quy định cấp thị thực, thẻ tạm trú ĐT cho cá nhân là đại diện tổ chức đầu tư tại Việt Nam.
Ba là, người nước ngoài có giấy chứng nhận đầu tư, góp vốn cho doanh nghiệp đều được cấp thị thực, thẻ tạm trú ĐT có thời hạn 05 năm. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp lợi dụng để hợp thức hóa cho người nước ngoài ở lại lâu dài tại Việt Nam (góp số vốn nhỏ với mức 10 triệu đồng).
Bốn là, Việt Nam mới ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Theo Hiệp định, người nước ngoài vào thành lập hiện diện thương mại và chào bán dịch vụ (không có cơ quan, tổ chức tại Việt Nam mời, bảo lãnh) được cấp thị thực đến 12 tháng, trong khi đó Luật số 47 quy định người nước ngoài xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam phải có cơ quan, tổ chức bảo lãnh. Do đó, không thể áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế để cấp thị thực cho các trường hợp này.
3. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia
a) Trong những năm gần đây, khách du lịch bằng tàu biển vào Việt Nam ngày càng tăng với số lượng lớn (mỗi đoàn trên 1.500 người). Trong lĩnh vực quốc phòng, hải quân Việt Nam tăng cường hợp tác với hải quân các nước, nhiều tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động giao lưu, tọa đàm… do đó, cần bổ sung quy định cấp thị thực theo danh sách đối với các trường hợp này.
b) Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam bằng cổng kiểm soát tự động. Để tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh vào Việt Nam, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, cần nghiên cứu bổ sung quy định việc nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài qua cổng kiểm soát tự động.
c) Tại các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn du lịch, hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày đã gây khó khăn cho khách du lịch nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch hoặc về nước. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trên.
d) Trên thực tế, có nhiều người nước ngoài được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép lao động, nếu yêu cầu số khách này xuất cảnh để làm lại thủ tục cấp thị thực (do thị thực không được chuyển đổi mục đích) sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và chưa thực sự tạo điều kiện đối với người nước ngoài trong trường hợp chính đáng.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT
1. Mục đích
a) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
b) Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam.
2. Quan điểm chỉ đạo
a) Tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
b) Tiếp tục bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong giải quyết cho người nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư, du lịch nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
c) Việc bổ sung, sửa đổi phải trên cơ sở đánh giá, tổng kết thi hành Luật số 47 và Nghị quyết số 30/2016/QH14, kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế.
III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
1. Phạm vi sửa đổi, bổ sung
Luật sửa đổi, bổ sung đã trực tiếp sửa đổi, bổ sung 17 điều (Điều 3, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 16, 20, 27, 31, 36, 37, 38, 46, 47, 49); bổ sung 03 điều (Điều 16a, 16b, 19a). Luật bổ sung các quy định về: Khái niệm “Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh”, “Trang thông tin cấp thị thực điện tử”, hình thức và giá trị sử dụng của thị thực, ký hiệu, thời hạn, điều kiện cấp thị thực, các trường hợp được cấp thị thực rời, đối tượng cấp thị thực điện tử; thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, cơ quan, tổ chức; điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh, tạm trú, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng...
2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản
2.1. Về giá trị sử dụng và hình thức của thị thực (sửa đổi, bổ sung Điều 7)
Luật quy định thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử (khoản 2 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung); trong đó quy định 04 trường hợp sau đây được chuyển đổi mục đích thị thực: (1) Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; (2) Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; (3) Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động; (4) Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Quy định này phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp chính đáng như: Người nước ngoài nhập cảnh do cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh để vào làm việc, sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động… Qua đó giúp người nước ngoài không phải mất thời gian, chi phí để làm thủ tục xuất cảnh rồi nhập cảnh. Tuy nhiên, để được chuyển đổi mục đích thị thực phải thuộc một trong các trường hợp trên và có giấy tờ chứng minh.
2.2. Sửa đổi, bổ sung quy định về ký hiệu thị thực, thời hạn thị thực, thời hạn thẻ tạm trú cấp cho người nước ngoài (sửa đổi, bổ sung Điều 8, 9, 38)
a) Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài để phân biệt người nước ngoài được cấp giấy phép lao động và người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho luật sư nước ngoài để phân biệt người nước ngoài là nhà đầu tư và người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam.
Theo đó, điểm e khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi, bổ sung khoản 16 Điều 8 (LĐ - cấp cho người vào lao động) như sau: Kí hiệu LĐ1 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác; tại điểm g khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung khoản 16a vào sau khoản 16 Điều 8 như sau: LĐ2 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động.
Đồng thời, tại điểm b khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 8 (ĐT - cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam): Quy định kí hiệu LS cấp cho Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
b) Sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài (Luật số 47 chỉ quy định một loại thị thực, thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT với thời hạn 5 năm) theo hướng sau:
Về thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài:
- Nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên đến 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược (ĐT1) hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên theo quyết định của Chính phủ.
- Căn cứ mức vốn góp đầu tư hoặc vào lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư theo quyết định của Chính phủ để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp. Theo đó, nhà đầu tư (ĐT4) có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng thị thực có thời hạn không quá 12 tháng (điểm b khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung); nhà đầu tư (ĐT3) có vốn góp từ 03 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng thị thực có thời hạn không quá 03 năm và được cấp thẻ tạm trú có thời hạn không quá 03 năm (điểm d khoản 4, khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung); nhà đầu tư (ĐT2) có vốn góp từ 50 tỷ đến dưới 100 tỷ đồng thị thực có thời hạn không quá 05 năm và được cấp thẻ tạm trú có thời hạn không quá 05 năm (điểm đ khoản 4, khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung); nhà đầu tư (ĐT1) có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên thị thực có thời hạn không quá 05 năm và được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm (điểm đ khoản 4, khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung).
Về ký hiệu của thị thực nhà đầu tư nước ngoài:
Tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung các khoản 7a, 7b, 7c và 7d vào sau khoản 7 Điều 8 (ĐT - cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam) như sau:
- 7a. ĐT1 - Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định.
- 7b. ĐT2 - Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định.
- 7c. ĐT3 - Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
- 7d. ĐT4 - Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng.
Quy định trên phù hợp với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng góp số vốn nhỏ để hợp thức hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài.
2.3. Miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển
Tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung (bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 12) bổ sung 01 trường hợp được miễn thị thực, đó là trường hợp vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ. Việt Nam có nhiều khu kinh tế ven biển nhưng không phải khu kinh tế ven biển nào cũng được miễn thị thực. Khu kinh tế ven biển miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh phải đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Quy định trên nhằm luật hóa việc tiếp tục áp dụng miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, đồng thời có cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng đối với các khu kinh tế ven biển có điều kiện tương tự.
2.4. Bổ sung quy định cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài và thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức
Luật sửa đổi, bổ sung đã luật hóa việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung Điều 16a vào sau Điều 16 quy định thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, gồm 04 bước:
Bước 1: Truy cập, khai báo thông tin
Truy cập Trang thông tin cấp thị thực điện tử để khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu.
Bước 2: Nộp phí cấp thị thực
Nộp phí cấp thị thực vào tài khoản quy định tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử sau khi nhận mã hồ sơ điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Bước 3: Xử lý yêu cầu
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực.
Bước 4: Nhận kết quả
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử sử dụng mã hồ sơ điện tử để kiểm tra và in kết quả cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.
Bên cạnh đó Luật sửa đổi, bổ sung cũng bổ sung Điều 16b vào sau Điều 16 quy định về thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức.
2.5. Sửa đổi điều kiện nhập cảnh, xuất cảnh
a) Sửa đổi điều kiện nhập cảnh
Theo khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật số 47), người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật này. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng.
Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.
- Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện quy định trên và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.
b) Sửa đổi điều kiện xuất cảnh
Khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung Điều 27 Luật số 47) quy định người nước ngoài được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
- Chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú còn giá trị;
- Không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 28 của Luật này.
Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử xuất cảnh phải có đủ các điều kiện quy định trên và xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.
2.6. Về cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu
Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung quy định việc cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu bằng thời hạn thị thực nhằm đơn giản hóa thủ tục tại cửa khẩu. Đây là điểm mới so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 Luật hiện hành: Quy định người sử dụng thị thực có thời hạn trên 12 tháng thì cấp tạm trú không quá 12 tháng. Riêng thị thực du lịch (DL) có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày để hạn chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch (khoản 2 Điều 9 Luật hiện hành quy định thời hạn thị thực là không quá 03 tháng) vào Việt Nam hoạt động vi phạm pháp luật (tội phạm công nghệ cao, lao động không phép, kinh doanh du lịch trái phép…). Cụ thể, tại khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 31 Luật số 47) quy định như sau:
“Người nước ngoài nhập cảnh không có thẻ thường trú, thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng thì được cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu với thời hạn như sau:
a) Thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực có ký hiệu DL thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét gia hạn tạm trú theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
b) Đối với người được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thời hạn tạm trú cấp theo quy định của điều ước quốc tế, nếu điều ước quốc tế không quy định thời hạn tạm trú thì cấp tạm trú 30 ngày;
c) Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày, nếu vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định (quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật sửa đổi, bổ sung) thì cấp tạm trú theo quy định tại điểm d khoản này;
d) Đối với người không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này vào khu kinh tế cửa khẩu thì cấp tạm trú 15 ngày, vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật sửa đổi, bổ sung thì cấp tạm trú 30 ngày.
2.7. Quy định các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú
Theo quy định tại khoản 14 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung Điều 36 Luật số 47), các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú gồm:
a) Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ;
b) Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
2.8. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung khác
a) Bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày (khoản 1 Điều 20 Luật hiện hành) để tiếp tục tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để du lịch theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch.
b) Tại khoản 2 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 Luật số 47), bổ sung quy định cấp thị thực theo danh sách kiểm tra nhân sự, xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và quản lý chặt chẽ công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển quốc tế.
c) Sửa đổi,bổ sung trách nhiệm của Chính phủ như sau: Quy định việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển được miễn thị thực quy định tại khoản 3 và khoản 3a Điều 12 của Luật này có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua Cổng kiểm soát tự động”.
IV. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
1. Chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính thức việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách hành chính.
Đối với Nhà nước:
a) Góp phần phòng, chống lãng phí thông qua việc tiếp tục sử dụng các nguồn lực đã đầu tư nhằm thực hiện chính sách này theo Nghị quyết số 30/2016/QH14, nhất là Hệ thống xét duyệt, cấp thị thực điện tử được xây dựng theo hai lớp Hệ thống trong và Hệ thống ngoài; các Cổng Thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử về cấp thị thực điện tử đã xây dựng để tiếp nhận, giải quyết cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.
b) Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
c) Tiết kiệm chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử.
d) Quy trình, phương pháp cấp thị thực điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ; phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, thủ tục cấp thị thực điện tử sẽ tiết kiệm về thời gian, chi phí tuân thủ đối với cơ quan nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện.
đ) Bảo đảm tính công khai, minh bạch; khắc phục được lãng phí trong quản lý vì sẽ tận dụng nguồn lực về công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ.
e) Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhằm thu hút người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, du lịch, đặc biệt là đối với người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam nhưng chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để làm thủ tục mời, bảo lãnh.
g)Trên phương diện bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ Công an vẫn thực hiện kiểm tra, xét duyệt nhân sự khi cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. So với việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực song phương, đơn phương (không xét duyệt nhân sự trước, không bị ràng buộc bởi mục đích nhập cảnh, không có cơ quan đón tiếp ở trong nước, không phải đăng ký trước về thời gian nhập cảnh…) thì việc cấp thị thực điện tử sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng xấu, chủ động trong công tác đảm bảo an ninh (có thể điều tiết sự có mặt của người nước ngoài tại Việt Nam khi có sự kiện quan trọng).
Ngoài ra, chính sách này còn thể hiện sự ổn định về mặt chính sách của Nhà nước trong việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Việc luật hóa và thực hiện chính thức việc cấp thị thực điện tử sẽ tạo tâm lý yên tâm, thu hút người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để du lịch, đầu tư… Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển, nâng cao uy tín của Nhà nước trên trường quốc tế.
Đối với cá nhân, tổ chức:
Tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, qua đó gián tiếp bảo đảm các cơ hội tiếp cận với vấn đề việc làm của người nước ngoài tại thị trường lao động Việt Nam, tiết kiệm chi phí để thực hiện việc đề nghị cấp thị thực điện tử, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đi lại, du lịch, đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, góp phần tạo tâm lý yên tâm, thu hút được nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
2. Chính sách tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. Giải quyết được toàn diện vấn đề vướng mắc là tình trạng phát sinh thêm thủ tục, gây ấn tượng không tốt cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thuộc diện đơn phương miễn thị thực. Bảo đảm sự bình đẳng giữa những người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực với các mục đích khác nhau. Các nội dung chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, điều này sẽ làm tăng số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Bộ Công an luôn chủ động chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, như: Xây dựng và triển khai thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên internet, tăng cường công tác kiểm tra cư trú của người nước ngoài... từ đó kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Qua việc thực hiện lâu dài thủ tục hành chính này thì dự báo sẽ tiết kiệm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức.
3. Hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam. Cụ thể:
a) Đối với Nhà nước, chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài tìm hiểu thị trường Việt Nam, tạo cơ hội việc làm, đầu tư cho người nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, đối ngoại, đồng thời vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; có thể làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc quy định về điều kiện để cấp thị thực, thẻ tạm trú dài hạn cho nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ phải tăng nguồn vốn đầu tư lên mức tối thiểu theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 để được cấp thị thực, thẻ tạm trú dài hạn. Điều này sẽ gián tiếp thúc đẩy hoạt động đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển và từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Việc cấp thị thực theo danh sách cho khách nước ngoài tham quan, du lịch hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quân sự giữa Việt Nam với các nước, khuyến khích thúc đẩy du lịch tàu biển, một loại hình du lịch Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng phát triển chưa tương xứng, góp phần phát triển kinh tế; đồng thời, giảm chi phí cấp thị thực.
b) Đối với cá nhân, tổ chức, chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (trừ một số trường hợp), vì họ sẽ không mất chi phí xuất cảnh, nhập cảnh (chi phí ăn, ở, vé máy bay...) mà có thể ở lại Việt Nam và làm thủ tục chuyển đổi mục đích của thị thực.
Quy định cấp thị thực đầu tư cho người đại diện nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi đến cơ hội tiếp cận đầu tư của các nhà đầu tư là tổ chức tại Việt Nam.
c) Hạn chế tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích tham quan, du lịch sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, từ đó đảm bảo yêu cầu công tác quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
V. TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
Để triển khai thi hành Luật có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để nâng cao hiểu biết về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia; kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Công an quản lý theo quy định của pháp luật; xây dựng, quản lý Trang thông tin cấp thị thực điện tử, thông báo tên miền Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh.
3. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật; cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú theo quy định của Luật này.
4. Các bộ, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương tổ chức rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật./.