Tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
1. Đánh giá chung
Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản; Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Trợ giúp pháp lý; công tác Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp...
Sở Tư pháp hiện có 05 Phòng chuyên môn, 04 đơn vị sự nghiệp với tổng số 76 công chức, viên chức, người lao động (trong đó có 26 biên chế công chức quản lý nhà nước). Với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng ủy, Ban giám đốc và tập thể công chức, viên chức, người lao động, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, công tác tư pháp từng bước có chuyển biến tích cực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở, các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở đã tích cực triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả và đưa công tác tuyên truyền về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đi vào chiều sâu, phù hớp với từng bộ phận và chức trách được giao; tận dụng triệt để công nghệ số để tuyên truyền, cụ thể hóa nội dung Chiến lược, xác định những vẫn đề mới, những nguy cơ, đưa vào sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong từng lĩnh vực cụ thể. Đẩy mạnh cải cách Thủ tục hành chính, tiến tới nâng cấp các Thủ tục hành chính thuộc Sở lên các mức độ cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hằng năm, trên cơ sở các quy định pháp luật CNTT, An ninh mạng, Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở thực hiện nghiêm túc các quy định về An toàn thông tin, sử dụng mạng xã hội làm công cụ thúc đẩy, tuyên truyền người dân sử dụng Dịch vụ công điện tử, nghiên cứu, triển khai, đóng góp các văn bản dự thảo liên quan đến Chính phủ điện tử và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
2. Tình hình, kết quả thực hiện
Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai các quy định và chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, đảm bảo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng quy trình, trình tự thủ tục, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.
Năm 2022, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 12/5/2022 về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, hướng đến mở rộng đối tượng áp được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý dự án, chương trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng thư điện tử đặc biệt là trách nhiệm của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông – đơn vị quản trị, vận hành hệ thống; và Quy định các loại văn bản bắt buộc trao đổi qua hệ thống thư điện tử, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; tận dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện có để nâng cao hiệu quả làm việc.
Sở Tư pháp đã rà soát, lựa chọn cán bộ có trình độ về công nghệ thông tin, được đào tạo về an ninh mạng, công nghệ cao để bố trí vào bộ phận chuyên trách góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, sớm tiếp cận với các ứng dụng công nghệ, các phần mềm mới để triển khai đến các cán bộ khác, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của cán bộ với những ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử được đưa vào sử dụng của Trung ương và của tỉnh.
Thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp tập huấn liên quan đến CNTT, An ninh mạng, Chính phủ điện tử, Đăng tải thông tin điện tử và ngăn chặn nguy cơ tội phạm công nghệ cao…
Tiến hành tập huấn cho các cán bộ Tư pháp cấp huyện và cán bộ Tư pháp cấp xã các phần mềm, ứng dụng CNTT trực thuộc ngành Tư pháp. Các cán bộ ngành Tư pháp đã sử dụng tốt các phần mềm như: Hộ tịch điện tử, liên thông cấp Mã số định danh, cấp Mã số thẻ bảo hiểm Y tế cho trẻ em, Chứng thực điện tử, một cửa điện tử, các Dịch vụ công mức độ 3,4…đáp ứng nhu cầu về Thủ tục hành chính của Công dân trong thời đại mới và nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Đại dịch Covid-19.
Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh triển khai quyết liệt, đột phá các nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án 06 “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030”; thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành và cấp huyện kết nối, tích hợp, chia sẻ, khai thác đồng bộ thông tin giữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm bổ sung, tăng cường khả năng đáp ứng của dữ liệu.Triển khai thực hiện có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của ngành Tư pháp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
3. Những thuận lợi, khó khăn
- Thuận lợi: Quá trình triển khai thực hiện chiến lược, Sở Tư pháp luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp; sự quan tâm, phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành liên quan.
- Khó khăn: Số cán bộ được đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ để phục vụ công tác đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, ứng dụng CNTT, triển khai các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn hạn chế; Thiếu cán bộ chuyên trách về CNTT.
Hạ tầng CNTT còn chưa đồng bộ, trang thiết bị của các địa phương còn thiếu, chưa đầy đủ, không đáp ứng được nhiệm vụ ứng dụng CNTT chuyên ngành
4. Kiến nghị, đề xuất
Trân trọng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, bổ sung kinh phí để Sở Tư pháp từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở, trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030. Các địa phương bố trí nguồn ngân sách để trang bị máy móc thiết bị, nâng cấp hạ tầng CNTT.