bn-current-user-online-portlet

Online : 2442
Total visited : 151118203

Ðể giảm tình trạng người bệnh vượt tuyến

08/10/2018 15:40 View Count: 78

Hiện nay, đang tồn tại một thực tế là khi có bệnh, rất nhiều người đã lên thẳng các bệnh viện tuyến trên để khám, điều trị, trong khi những bệnh này lại hoàn toàn xử lý được ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Tình trạng người bệnh vượt tuyến vừa lãng phí cho xã hội, vừa gây ra tình trạng quá tải trầm trọng cho các bệnh viện tuyến trên.

Theo thống kê được Bộ Y tế công bố mới đây, có đến 35,4% số người bệnh đến khám, chữa bệnh (KCB) ở các bệnh viện tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% số người bệnh đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế tuyến xã. Trung bình mỗi năm các cơ sở y tế thực hiện khám, điều trị cho khoảng 150 triệu lượt người bệnh, cho thấy số lượng người bệnh vượt tuyến là không hề nhỏ. Trao đổi với báo chí, đại diện nhiều bệnh viện tuyến trên cho rằng, vượt tuyến là tình trạng chung mà các bệnh viện tuyến trung ương đều gặp phải. Ðông đảo người dân cho biết họ thích lên KCB ở tuyến trung ương vì tin tưởng vào chất lượng, trình độ y sĩ, bác sĩ và trang thiết bị hiện đại...

Theo Bộ Y tế, xảy ra tình trạng này là do chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế tuyến cơ sở chưa cao. Thực tế cho thấy y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu… Trong khi đó, chính người dân cũng chưa quan tâm đầy đủ và đúng mức đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Một thực tế khác cũng cho thấy phần lớn các trạm y tế chưa triển khai quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít, phần lớn các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được từ 50 đến 70% số dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến điều trị...

Một khảo sát mới đây cho thấy, trong tổng số 76 dịch vụ trong gói dịch vụ y tế cơ bản thì các trạm y tế chỉ thực hiện được 68,3% (trạm thực hiện cao nhất là 89,5% dịch vụ và thấp nhất chỉ có 19,7%). Nguyên nhân được chỉ rõ là do thiếu bác sĩ, thiếu cán bộ y học cổ truyền, thiếu máy xét nghiệm; cán bộ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định để có thể KCB bảo hiểm y tế. Về cơ sở vật chất, qua rà soát cho thấy trạm y tế bố trí các phòng chức năng chưa hợp lý theo nguyên tắc liên hoàn trong nguyên lý y học gia đình, thiếu góc truyền thông ngay cả với nhiều trạm đã được xây dựng và cải tạo với diện tích rộng, phòng ốc khang trang. Danh mục thuốc tại trạm y tế chỉ đạt 30% số thuốc có sẵn theo quy định.

Ðể làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, ngăn chặn việc vượt tuyến trong KCB, Bộ Y tế xác định đầu tư mạnh mẽ cho y tế cơ sở mà trạm y tế xã là nòng cốt. Trạm y tế sẽ được xây dựng là “người gác cổng” trong hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời giảm bớt tình trạng người bệnh vượt lên tuyến trên.

Bộ Y tế khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc tám tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Các trạm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường, tủ quầy thuốc, bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... Các trạm y tế mẫu sẽ được các bác sĩ tuyến huyện, tuyến tỉnh, thậm chí cả tuyến trung ương chuyển giao kỹ thuật. Khi đó, không chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu, các trạm còn có thể thực hiện tốt việc quản lý kiểm soát các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường... Bên cạnh đó, các trạm y tế tuyến xã cần đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật để có “hành lang” trong việc KCB, giúp người dân đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian lên tuyến trên để khám, chữa những bệnh thông thường. Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 trạm y tế điểm, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) hoàn thành việc đầu tư, nhân lực và hoạt động của trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình.

Nhìn nhận về vấn đề trên, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, để giảm tình trạng quá tải cho tuyến trung ương, điều quan trọng là phải giải quyết bài toán niềm tin. Tâm lý người dân nói chung không muốn lên tuyến trên nhưng họ không có lòng tin ở tuyến cơ sở cho nên vượt tuyến đến nơi họ tin tưởng vào năng lực chuyên môn, trình độ và trang thiết bị. Như vậy, khi chúng ta tăng cường được năng lực, điều kiện chuyên môn, cơ sở vật chất, nhất là khi các bác sĩ tuyến trung ương về tận nơi cầm tay chỉ việc thì chất lượng y tế tuyến cơ sở sẽ được tăng lên.

Tại chỉ thị về nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền, vận động, tư vấn để các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở bệnh viện tuyến trên thì phải giới thiệu, tư vấn để người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng quy định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh. Tăng cường thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo mô hình bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ y tế về tuyến cơ sở; đẩy mạnh việc thực hiện đúng lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm…

Nguyễn Oanh
Source: Theo báo nhân dân