bn-current-user-online-portlet

Online : 3387
Total visited : 151102093

16 người được nối dài sự sống từ bốn người chết não hiến tạng

21/06/2018 07:42 View Count: 83

3/4 ca ghép gan tối cấp, 2/4 ca ghép tim xuyên Việt, tám quả thận được ghép cho bệnh nhân suy thận… là những kỳ tích mà các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện thành công 16 ca ghép tạng từ bốn người cho chết não hiến tạng

Kỳ tích nối dài kỳ tích

Chưa đầy một tháng, đã có 16 người có cơ hội được kéo dài sự sống từ bốn người chết não hiến tạng. Đây là câu chuyện kỳ tích được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức chia sẻ với báo chí sáng 20-6.

Trong 13 năm qua, tại BV Việt Đức đã có 40 bệnh nhân hiến tạng chết não. Đỉnh điểm là rơi vào năm 2013 và 2017, có tám người hiến tạng. Nhưng chỉ mới sáu tháng đầu năm 2018, tại BV Việt Đức đã có năm người chết não hiến tạng, trong đó có bốn người hiến tạng trong thời gian từ 16-5 đến 13-6.

“Đây là con số kỷ lục với chúng tôi khi có tới bốn người hiến tạng chết não chỉ trong chưa đầy một tháng. Đã có 16 bệnh nhân nhận tạng, trong đó có tám quả thận, bốn gan và bốn quả tim. Chúng tôi cũng tiến hành lấy mạch máu và gân để phục vụ ghép tạng”, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức nói.

Hơn 100 cán bộ y tế được huy động cho 16 ca ghép kỷ lục trong một tháng này với ba ca tiến hành ghép cấp cứu, 2/4 số ca thực hiện vào ban đêm và1/4 số ca thực hiện vào ngày nghỉ.

Kỳ tích đầu tiên là hai ca ghép tim xuyên Việt, lần đầu tiên chuyển tim từ BV Việt Đức vào BV Trung ương Huế. Nói về kỳ tích của ca ghép đầu tiên, PSG.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng cho hay, thời gian vận chuyển quả tim từ Hà Nội về Bệnh viện Trung ương Huế mất hơn 3 giờ đồng hồ; trong khi đó, giới hạn thời gian cho phép thiếu máu của quả tim ghép là 4 - 6 giờ. Rất may mắn nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các kíp mổ và hỗ trợ của Hãng Hàng không Vietnam Airlines, tổng thời gian thiếu máu thực tế ca mổ là 5 giờ 30 phút. “Đây là ca ghép thành công ngoài mong đợi”, PGS Nghĩa nhận định.

Ca thứ hai, do thời gian quá gấp, lịch bay không phù hợp nên kíp bác sĩ từ BV Trung ương Huế không đủ thời gian để mang máu của bệnh nhân bay ra Hà Nội đọ chéo và lấy tạng. Trong tình huống này, GS.TS Trần Bình Giang đã quyết định để kíp y, bác sĩ của bệnh viện lấy trái tim sau đó đưa trái tim này từ Hà Nội vào Huế. Để kịp thời gian, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã mang mẫu máu của người hiến bay vào Huế trước để thực hiện việc đọ chéo. Trong lúc chờ kết quả đọ chéo máu, trái tim người hiến vẫn được Trung tâm và kíp bác sĩ Bệnh viện Việt Đức bắt chuyến bay tiếp theo vào TP Đà Nẵng để chuyển tới Huế. Rất may mắn, trái tim ghép đã cứu sống bệnh nhi 15 tuổi có trái tim to gấp ba lần bình thường.

PSG.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức.

Một trong những ấn tượng và được coi là kỳ tích của lần ghép tạng này, theo PGS Nghĩa, chính là ba ca ghép gan tối cấp thực hiện ngay tại Bệnh viện Việt Đức. “Ba bệnh nhân bị viêm gan B bùng phát, rơi vào tình trạng hôn mê gan còn rất trẻ, một người mới 30 tuổi và cao tuổi nhất trong số các ca ghép này là 40 tuổi. Ngay sau khi có người chết não hiến tạng, chúng tôi đã tiến hành ghép tối cấp cứu. Sau ca mổ một ngày, người bệnh hội tỉnh và sau một tuần, da đang sạm vàng đã trở về bình thường”, PGS Nghĩa cho biết.

Với việc làm chủ kỹ thuật ghép tạng, GS Trần Bình Giang cho biết, 16 ca ghép tạng đều thực hiện suôn sẻ, thời gian mổ rút ngắn hơn, việc truyền máu giống như các ca mổ thông thường, bệnh nhân hồi phục nhanh và đặc biệt là sự phối hợp giữa các đơn vị ngày càng nhịp nhàng hơn, hình thành mạng lưới đơn vị ghép tạng, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.

BS Giang nói “Hầu như các ca mổ được rút ngắn thời gian truyền máu, một số ca ghép gan chỉ còn truyền 1-2 đơn vị máu. Thời gian thở máy sau mổ rút ngắn còn 3-4 giờ đồng hồ. Đặc biệt là bệnh nhân có thể xuất viện sớm, từ 10 ngày sau mổ, không cần nằm dài cả tháng như trước”.

Hiện nay, 2/3 số bệnh nhân được ghép tạng đều đã ra viện với sức khỏe bình phục tốt. Chỉ còn năm bệnh nhân vừa được ghép tạng vẫn đang nằm điều trị, theo dõi sau ghép.

Chờ đợi những kỳ tích mới

Giám đốc Trung tâm ghép tạng Nguyễn Quang Nghĩa cho biết, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau ghép tại Bệnh viện Việt Đức tiệm cận với thế giới. Tỷ lệ ghép gan sống sau 5 năm là 75%, sau 10 năm là 68%. Trong số 19 ca ghép tim, tám năm qua có 17/19 ca vẫn còn sống với chất lượng sống tốt. Có bệnh nhân ghép thận tới ba lần tại BV Việt Đức.

Hiện nay, Việt Đức là một trung tâm đầu ngành về ghép tạng khi tại đây có máy cân chỉnh, theo dõi nồng độ thải ghép rất tốt và thuốc miễn dịch chống thải ghép tốt nhất.

Khi được hỏi về sự chuẩn bị cho kỹ thuật ghép phổi – một kỹ thuật được cho là khó nhất trong ghép tạng, GS.TS Trần Bình Giang cho biết, hiện bệnh viện đã cử bác sĩ đi học về kỹ thuật ghép phổi, kỹ thuật lưu trữ mô. “Chúng tôi muốn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất cho ca ghép phổi để kỹ thuật này trở thành thường quy tại BV Việt Đức", GS Giang cho hay.

Minh Hùng (st)
Source: Báo nhân dân