bn-current-user-online-portlet

Online : 3477
Total visited : 151113918

Số người được điều trị ARV đã tăng lên hơn 55 lần

09/12/2020 08:17 View Count: 526

Sau hơn 20 năm triển khai điều trị HIV/AIDS, số cơ sở điều trị đã tăng lên; số người được điều trị ARV đã tăng lên hơn 55 lần so với khi bắt đầu triển khai với hơn 150.000 bệnh nhân hiện đang điều trị ARV, trong đó có gần 5.000 bệnh nhi...

Mở rộng và đa dạng hóa mô hình điều trị

Báo cáo của cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sau hơn 20 năm triển khai điều trị HIV/AIDS hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để tăng nhanh độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài: Từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS vào năm 2000 đến nay đã có 446 cơ sở. Trong đó có 8 cơ sở điều trị tại tuyến Trung ương; 77 cở sở tuyến tỉnh, thành phố; 361 cơ sở điều trị ARV tuyến huyện. Ngoài ra, còn có các cơ sở điều trị ARV tại 37 trại giam; 6 cơ sở điều trị tại trung tâm 06 và cơ sở tôn giáo, 3 phòng khám tư nhân. Đặc biệt, số bệnh nhân được điều trị tăng hơn 55 lần so với khi bắt đầu triển khai điều trị ARV mở rộng tại Việt Nam (năm 2004).

Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai như: Mô hình Treatment 2.0; điều trị nhanh, điều trị trong ngày, cấp pháp thuốc nhiều tháng, lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm-điều trị ARV, lồng ghép dịch vụ HIV/lao, HIV/viêm gan vi-rút.

Chất lượng điều trị ngày càng nâng cao

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tỷ lệ bệnh nhân được duy trì điều trị thuốc ARV sau 12 tháng ở mức độ trên 85%. Xét nghiệm tải lượng HIV được thực hiện thường quy từ năm 2015. Năm 2019, xét nghiệm định kỳ tải lượng vi rút cho 96.783 bệnh nhân tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 95,5% dưới 1.000 bản sao/ml và 94% dưới 200 bản sao/ml. Các bằng chứng khoa học cho thấy khi tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml thì người bệnh không thể truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục. Như vậy, điều trị HIV/AIDS góp phần đáng kể vào dự phòng lây nhiễm HIV.

Số trẻ em nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ có xu hướng liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV trong 3 năm gần đây đều dưới 2%.

Việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số người tử vong do AIDS. Trong những năm 2009 số ca nhiễm HIV báo cáo tử vong hàng năm khoảng 7.000 đến 8.000 ca, đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1.000-2.000 ca tử vong mỗi năm.

Thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ điều trị, tăng số người được điều trị ARV, triển khai các sáng kiến, cập nhật các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời, mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, điều trị đồng nhiễm lao/HIV, viên gan vi rút/HIV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến huyện, tăng cường điều trị ARV trong trại giam, cơ sở điều trị khép kín…

Tiếp tục triển khai các can thiệp về quản lý chất lượng điều trị, tối ưu hóa phác đồ điều trị, dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc, tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật về điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố; triển khai các hoạt động thông tin truyền thông về hiệu quả điều trị thuốc ARV đến các cộng đồng nguy cơ cao; chuẩn hóa công nghệ thông tin trong quản lý điều trị HIV đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh BHYT; thúc đẩy mở rộng thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước tạo thuận lợi cho việc cung ứng thuốc ARV qua BHYT.

Triển khai điều trị ARV qua BHYT

Tăng độ bảo phủ và duy trì số người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Đây là chính sách quan trọng, cho phép đấu thầu tập trung cấp quốc gia thuốc kháng HIV từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng trong điều trị thuốc kháng HIV.

Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) đến nay là trên 90%. Đến nay có hơn 55.000 bệnh nhân điều trị ARV từ nguồn BHYT tại 259 cơ sở điều trị HIV/AIDS trong cả nước.

Sau ba năm chuẩn bị và thiết lập hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS đảm bảo điều kiện khám, chữa bệnh qua bảo hiểm y tế, đến tháng 3 năm 2019, những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ Quỹ BHYT.

Đến nay, có gần 300 cơ sở điều trị (chiếm 69% số cơ sở) đã cung cấp thuốc ARV qua nguồn Bảo hiểm y tế, cung cấp cho 55 ngàn (chiếm hơn 30%) người nhiễm HIV đang điều trị ARV. Dự kiến đến năm 2023 có khoảng 82% người nhiễm HIV sẽ được điều trị thuốc kháng HIV từ nguồn bảo hiểm y tế.

Để mở rộng điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, TS Cảnh cho biết, cần phải tăng độ bảo phủ và duy trì số người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế vì vậy việc truyền thông và tư vấn lợi ích của tham gia BHYT của người nhiễm HIV là rất quan trọng. Đến tháng 6 năm 2020, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đã đạt đến 91%. 52 tỉnh/thành phố đã đạt được tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90%. 9 tỉnh thành phố còn lại đạt mức bao phủ từ 80-90%.

Hiện nay có hơn 40 tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương mua thẻ BHYT cho người nhiễm, với khoảng 20.000 thẻ BHYT. Có 28 tỉnh thành phố đã bố trí ngân sách hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng HIV ước khoảng 16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai điều trị HIV/AIDS qua BHYT vẫn còn một số khó khăn thách thức trong việc đảm bảo 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT và trong quản lý, cung ứng, thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tìm những giải pháp tháo gỡ khi có tình huống phát sinh.

Đăng Thăng