bn-current-user-online-portlet

Online : 4710
Total visited : 150718257

Bắc Ninh: Mặc dù có thể có nguy cơ xâm nhập nhưng không nên quá hoang mang trước dịch, bệnh Bạch hầu

11/07/2024 15:36 View Count: 145

Theo thông tin của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vừa qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên. 

Tại Bắc Ninh, qua công tác điều tra giám sát phòng chống bệnh truyền nhiễm cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay không ghi nhận ca mắc hay nghi mắc Bạch hầu nào trên địa bàn tỉnh, không có trường hợp nào liên quan đến tiếp xúc gần với chùm ca bệnh Nghệ An- Bắc Giang nêu trên.

Theo Ths, bác sĩ Nguyễn Khắc Từ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trước khi vắc xin Bạch hầu được đưa vào Tiêm chủng mở rộng, mỗi năm tỉnh Bắc Ninh ghi nhận hàng chục ca mắc, tử vong (năm 1984 ghi nhận số mắc: 46, tử vong: 01; năm 1985 ghi nhận số mắc: 55, tử vong: 20; năm 1986 ghi nhận số mắc: 48, tử vong: 06). Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu được đưa vào Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, ban đầu với với 3 liều cơ bản cho trẻ với mũi khởi liều vào lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi và các mũi sau cách mũi trước ít nhất 1 thàng, sau đó những năm gần đây  trẻ được nhắc lại mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Bạch hầu đủ 3 mũi cơ bản hàng năm luôn đạt 96%,  tỷ lệ tiêm nhắc mũi 4 luôn đạt  >96%. Do tác động của tiêm vắc xin phòng chống Bạch hầu, số mắc giảm dần ngay sau năm 1986 và gần 30 năm nay từ 1998 đến nay) không ghi nhận trường hợp mắc bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh.

Với tình hình bệnh Bạch hầu hiên nay, hàng năm bệnh Bạch hầu vẫn ghi nhân một số ca mắc rải rác được và đôi khi xuất hiện một số ổ dịch nhỏ tại một số tỉnh khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tỉ lệ tiêm phòng bệnh bạch hầu thấp. Đối với tỉnh Bắc Ninh, do là tỉnh có đặc điểm thuận lợi về giao thương, số lao động tự do và lao động tại các khu công nghiệp đến từ các vùng có bệnh dịch… do vậy có thể có nguy cơ bệnh dịch Bạch hầu xâm nhập.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm B do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố gây ra. Bệnh lây từ người sang người thông qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi.

Trẻ được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch tại một trạm y tế trên địa bàn tỉnh.

Bệnh chủ yếu gặp ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin bạch hầu nhưng hiện hay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp.

Biểu hiện của bệnh là sốt, đau họng, ho khản tiếng, ở họng có giả mạc màu trắng và mặc dù là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp, có thể bùng thành dịch và có thể có những biến chứng nặng, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên người dân không nên quá hoang mang mà cần bình tĩnh và chủ động phòng, chống bằng cách thực hiện tốt những biện pháp sau:

- Đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

- Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Văn Hà