bn-current-user-online-portlet

Online : 3061
Total visited : 150730566

Bên trong phòng mổ

23/06/2023 13:55 View Count: 222

Nếu chỉ đi qua mọi người sẽ chỉ cảm nhận được hơn chục phòng mổ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh - luôn thay nhau sáng đèn mỗi ngày. Còn khi bước chân vào bên trong phòng mổ, mới thấy thời gian như ngừng lại bởi mỗi phút giây trải qua đều là cuộc đua giành giật sự sống. Phía dưới chùm sáng được chiếu ra từ chiếc đèn không hắt bóng, có những người thầm lặng hỗ trợ để kíp phẫu thuật viên tự tin, yên tâm hơn khi mổ. Họ là những người làm gây mê - hồi sức.

Ê-kíp phẫu thuật tự tin thực hiện ca mổ nhờ kíp gây mê - hồi sức vững vàng chuyên môn.

Chạy đua với thời gian!

Vừa dứt tay hoàn thành thao tác gây mê cho một bệnh nhân bước vào ca mổ nghi ung thư buồng trứng, bác sĩ Nguyễn Khánh Dư, Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh giải thích những thắc mắc của tôi về quy trình thường quy: “Chuẩn bị cho khởi mê, chúng tôi sẽ khám, đánh giá, tiên lượng mức độ khó dễ khi gây mê, đặt nội khí quản ở bệnh nhân này. Thường thì những bệnh nhân bị mất hàm răng hoặc răng lung lay cần lưu ý đặc biệt do đặt nội khí quản không có điểm tì hoặc dễ bị gãy răng. Sau đó, bệnh nhân được cho an thần, dự trữ oxy trước khi khởi mê”. Về thao tác bóp bóng trước gây mê, anh cho biết, đây là cách các bác sĩ gây mê thường làm, nếu lồng ngực bệnh nhân di động theo nhịp bóp bóng thì đường thở thông thoáng, điều này cho phép tiên lượng một ca thuận lợi.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Gây mê - Hồi sức, 2 phân nhánh gây mê và hồi sức không tách bạch, bởi hồi sức càng tốt thì gây mê càng an toàn.  Nếu như với các bệnh nhân mổ phiên, kíp gây mê - hồi sức có thể chủ động được hồi sức do sức khoẻ bệnh nhân được chuẩn bị sẵn, đánh giá sớm thì đối với bệnh nhân cấp cứu, việc hồi sức phụ thuộc hoàn toàn diễn biến bệnh nhân trên bàn mổ. Dẫn chứng một ca mổ phải bù đến 16 đơn vị máu, bác sĩ Dư nhấn mạnh: “Đặc biệt là với bệnh nhân đa chấn thương, chấn thương gan, vỡ động mạch gan, chảy máu ồ ạt dẫn đến mất máu nhiều, trước áp lực cứu sống bệnh nhân, cả kíp mổ phải tính toán rất nhanh, tập trung tối đa, đồng thời dự phòng mọi phương án, kíp gây mê - hồi sức cần theo dõi sát sao các chỉ số,  phối hợp với phẫu thuật viên để cầm máu, bù máu nhằm duy trì huyết động ổn định, bù đủ khối lượng tuần hoàn cho bệnh nhân”.

Chia sẻ về những kỷ niệm làm nghề, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Công Tiến, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức trầm ngâm: “Nghề Y cho chúng tôi nhiều trải nghiệm sâu sắc, đan xen vui, buồn, luyến tiếc... Trước một ca bệnh kỳ tích, chúng tôi mừng cho bệnh nhân và gia đình, nhưng cảm xúc buồn sẽ xâm chiếm khi đã cố hết sức mà không giành được sự sống cho bệnh nhân”. Một ca được bác sĩ Tiến đánh giá rất có ý nghĩa chuyên môn cả về gây mê và hồi sức là bệnh nhân nam 19 tuổi, được đưa vào viện cấp cứu sau tai nạn giao thông với chẩn đoán đa chấn thương: Chấn thương ngực (vỡ xương ức); tràn máu, tràn khí màng phổi phải; chấn thương bụng (vỡ gan, vỡ dạ dày); gãy xương chày trái. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, dẫn lưu màng phổi phải, cắt gan phân thùy trước, cắt túi mật, khâu dạ dày.

Trong quá trình phẫu thuật, huyết áp và mạch của bệnh nhân tụt thấp, bệnh nhân vừa được truyền máu, vừa dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp. Sau khi mổ xong, bệnh nhân tiếp tục được truyền máu, dẫn lưu ổ bụng khoảng 600ml máu đỏ tươi. Kíp Hồi sức báo lãnh đạo trực và thông báo trực thường trú hội chẩn. Quyết định mổ lại được thực hiện ngay sau đó. Trên bàn mổ lần 2, có lúc huyết áp bệnh nhân tụt không đo được, mạch chậm còn 40-45 lần/phút. Kiểm tra ổ bụng, các bác sĩ thấy máu chảy ra từ một nhánh mạch của dạ dày. Ở cuộc phẫu thuật cấp cứu lần này, bệnh nhân được khâu  cầm máu vòng mạch bờ cong nhỏ dạ dày. Trong và sau mổ, bệnh nhân được truyền 9 đơn vị khối hồng cầu 350ml và 14 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh. Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân tiếp tục được phẫu thuật kết hợp xương chày trái.

Những cuộc đua với thời gian để giành lại sự sống cho bệnh nhân như vậy không hiếm gặp trong phòng mổ, dù đôi khi, người thất bại vẫn là các thiên thần blouse trắng.

Hỗ trợ ngoại khoa phát triển

Gây mê - Hồi sức vốn được đánh giá là một trong những chuyên ngành sâu, khó và liên quan đến những chuyên ngành khác. Gây mê và hồi sức luôn đi kèm với nhau và được coi là những mắt xích quan trọng, góp phần tạo nên một cuộc phẫu thuật thành công.

Có thể ai cũng biết, gây mê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật. Nhưng không nhiều người biết rằng nhờ được gây mê mà bệnh nhân nằm yên, không lo lắng, không đau, không động đậy, tạo thuận lợi cho quá trình phẫu thuật và đặc biệt là để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân bởi sự đau đớn và sợ hãi quá mức chịu đựng sẽ dẫn đến phản xạ ngưng tim gây chết người. Trong khi đó, hồi sức là các biện pháp chẩn đoán, điều trị cho người bệnh ngoại khoa (trước, trong, sau phẫu thuật và một số thủ thuật) nhằm duy trì, ổn định và cải thiện các chức năng sống của người bệnh.

Tròn 26 năm gắn bó với chuyên ngành Gây mê kể từ khi tái lập tỉnh, chứng kiến những thăng trầm của nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Toại, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết sự thay đổi lớn nhất, khác biệt nhất về Gây mê - Hồi sức từ khoảng gần chục năm trở lại đây khi đơn vị triển khai Hồi sức ngoại khoa: “Hồi sức ngoại khoa đã góp phần quan trọng vào công tác điều trị cho bệnh nhân bởi trước đây, Hồi sức chỉ thực hiện sau mổ thì nay, việc làm hồi sức ngoại khoa giúp không ít người bệnh bị chấn thương nặng mà không cần phải mổ. Ví dụ như trước đây, bệnh nhân chấn thương răng - hàm - mặt nặng có tỷ lệ tử vong rất cao do bị tắc nghẽn đường thở, thì sau này, khi các kíp Gây mê - Hồi sức phối hợp với kíp tiếp nhận cấp cứu đặt nội khí quản sớm, thở máy kịp thời đã cứu được rất nhiều người”.

Một vị bác sĩ về hưu từ lâu, trước đây từng làm khoa Ngoại, sau này có dịp trở lại khoa Gây mê - Phẫu thuật - Hồi sức từng nói: Thật không thể tưởng tượng được. Theo lý giải của bác sĩ Toại, điều “không tưởng tượng” ở đây chính là sự thay đổi vượt bậc từ con người đến trang thiết bị phục vụ cho một cuộc mổ. Ngày trước, trang thiết bị không có gì đáng kể, hệ thống thông khí cho bệnh nhân tại phòng mổ cũng là dụng cụ đã cũ của Liên Xô (cũ), vá víu, nhân viên y tế phải tự bóp tay mỗi ca mổ.

Hiện nay, tại khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức có các bộ phận khám trước gây mê, gây mê phẫu thuật, hồi tỉnh, hồi sức ngoại khoa và chống đau. Ngoài ra, khoa còn tham gia gây mê cho những can thiệp ngoài phòng mổ như: Gây mê cho nội soi tiêu hóa, gây mê cho nội soi phế quản, gây mê cho bó bột và các can thiệp khác. Việc phát triển các kỹ thuật tại khoa nhằm bảo đảm gây mê an toàn và hỗ trợ phát triển chuyên môn cho các khoa hệ Ngoại. Khoa đã triển khai kỹ thuật gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích, gây mê nội khí quản có đặt ống Carlens đánh xẹp phổi trong các phẫu thuật u phổi, u trung thất và cắt kén khí phổi, cắt thực quản qua nội soi… Trong tương lai, đơn vị sẽ triển khai gây mê cho phẫu thuật tim hở, gây tê vùng dưới hướng dẫn siêu âm, theo dõi độ mê và độ đau trong phẫu thuật.

Ở lĩnh vực hồi sức, đã triển khai các kỹ thuật theo dõi và điều trị người bệnh như đặt catheter vào nhu mô theo dõi áp lực nội sọ ở bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn ở bệnh nhân nặng. Đặc biệt, khoa đã triển khai được kỹ thuật lọc máu liên tục CVVH ở bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, sốc chấn thương trong Ngoại khoa. Khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức cũng đang phối hợp với các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức triển khai thăm dò huyết động phương pháp PiCCO ở những bệnh nhân sốc đa chấn thương. Đây là phương pháp thăm dò huyết động ít xâm lấn, có độ chính xác cao, theo dõi các chỉ số huyết động liên tục, giúp người thầy thuốc kịp thời điều chỉnh theo các đích huyết động, bảo đảm tưới máu tổ chức, giúp người bệnh phục hồi tốt, giảm thiểu được các biến chứng.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Kiên, khoa Ngoại Thần kinh - Lồng ngực, người trực tiếp cấp cứu một bệnh nhân nguy kịch do bị đâm vào vùng tam giác tim cho hay nếu không có sự “hậu thuẫn” từ một e-kíp gây mê - hồi sức vững vàng, anh và kíp phẫu thuật sẽ không thể tự tin, yên tâm mổ bởi không ít bệnh nhân có những diễn biến bất thường trong quá trình mổ.

Bệnh nhân có thể không nhớ mặt họ bởi thời gian tiếp xúc không nhiều, đến khi hồi tỉnh sau mổ lại thường đã được di chuyển, song sự thành công của một ca mổ, rộng hơn là sự thành công của một kỹ thuật Ngoại khoa mới được triển khai luôn thấp thoáng hình bóng tận tâm, tận tuỵ của những bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên gây mê - hồi sức.

Source: BBN