bn-current-user-online-portlet

Online : 4162
Total visited : 150807414

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Ngành y tế đang theo dõi chặt chẽ vấn đề biến chủng virus SARS-CoV-2

23/12/2020 14:12 View Count: 361

Trước thông tin về biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh đang làm giới khoa học quan ngại, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Mặc dù quan ngại, nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó chủng này. Hiện Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ.

 

Sáng 23/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu, hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống dịch bệnh 27/12. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì tại điểm cầu Bộ Y tế.

Hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tại Việt Nam đến nay về cơ bản đã kiểm soát được thành công với COVID-19. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến sự biến chủng làm mọi người lo ngại.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị 

Ngày 7/12, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 là Ngày Thế giới phòng, chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên Việt Nam dự thảo và trình Đại hội đồng Liên hợp Quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mùa đông năm nay khốc liệt với các nước, nếu không phòng sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề, nếu phòng chống đơn lẻ sẽ khó thành công do đó đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các nước, như vậy mới phòng chống dịch thành công.

Trước thông tin về biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh đang làm giới khoa học quan ngại, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, biến chủng này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% - đây là điều hết sức quan ngại.

Trong thời điểm hiện nay, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ, cho thấy rằng hiện chưa có tác động với việc có khả năng ảnh hưởng đến vắc xin hay không, đồng thời sự biến chủng này không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh tật, mà chỉ tăng khả năng lây truyền.

"Mặc dù quan ngại, nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó chủng này. Hiện Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện nay ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu và tới đây Bộ Y tế chỉ đạo các viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm, đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền thế nào, khả năng xâm nhập vào Việt Nam ra sao.

“Hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là trong phòng chống dịch, cần phải tăng cường và quyết liệt hơn công tác phòng, chống”.

Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, song song tìm kiếm đối tác cung ứng vắc xin từ nước ngoài

Việt Nam đã chính thức tiêm vắc xin COVID-19 "made in" Việt Nam cho người tình nguyện từ ngày 17/12. Đến nay sức khoẻ các trường hợp này đều ổn định.

Liên quan đến vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc xin. Chúng ta chính thức thử nghiệm vắc xin Nano Covax của Nanogen. Theo báo cáo, đến nay, các đối tượng tiêm giai đoạn 1 an toàn. Hiện các cơ quan chức năng đang theo dõi chặt chẽ việc này.

Ngoài ra, 3 công ty tiếp theo là IVAC, POLIVAC, VIBAOTEC đã và đang nghiên cứu, phát triển vắc xin. Với IVAC, VABIOTEC có lộ trình thử nghiệm vào 1/3/2021. "Việc thử nghiệm cả hai miền Bắc và Nam để bảo đảm tính đại diện cho toàn quốc"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Riêng với POLIVAC, hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với với các đối tác của Trung Quốc, Nga để có vắc xin…

"Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là song song tìm kiếm nguồn vắc xin của các công ty, nhà sản xuất ở nước ngoài thì phải tập trung cho vấn đề nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh theo ước tính và dự báo, cũng như các bằng chứng khoa học, đến nay chưa có vắc xin nào chứng minh có hiệu qủa bảo vệ lâu dài. Vì thế chủ động nguồn vắc xin cho người dân là hết sức quan trọng nên phải tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin.

"Bộ Y tế đang nỗ lực đảm bảo các cơ thế, đàm phán với các công ty để sớm nhất có vắc xin cho Việt Nam. Nhưng chúng ta không trông chờ vào vắc xin, kể cả trong bối cảnh có vắc xin vẫn phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch, đặc biệt hiện nay càng phải triển khai quyết liệt hơn với phòng chống COVID-19. Từ hôm nay, Bộ Y tế quyết định đẩy mạnh đưa phòng, chống COVID-19 thành đợt cao điểm từ nay đến cuối năm để đảm bảo người dân được hưởng Tết an lành”- Bộ trưởng nhấn mạnh

"Phải chuẩn bị cho tình huống xấu, bởi chúng ta không biết COVID-19 sẽ bất ngờ xuất hiện ở đâu"

Hội nghị trực tuyến kết nối từ Bộ Y tế đên 63 tỉnh, thành phố tại hơn 700 điểm cầu  

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh 4 nội dung về công tác phòng chống dịch các địa phương phải đôn đốc triển khai từ nay đến cuối năm.

Theo đó, cần tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, kể cả nhập cảnh hợp pháp và trái phép.

"Hàng ngày có khoảng 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới. Đó là điều rất quan ngại. Do đó đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, đặc biệt tỉnh có vùng biên hết sức quan tâm. Chúng ta duy trì từ Tết năm 2020 đến nay là 1.600 điểm chốt ở các vùng biên, tới đây tiếp tục tăng cường quân để bảo đảm chốt chặn"- Bộ trưởng đề nghị.

Với Ban chỉ đạo các địa phương có biên giới cần quan tâm, bảo vệ phên dậu, ngăn chặn ca xâm nhập trái phép vào Việt Nam. Nếu ca bệnh xâm nhập mang theo virus sẽ rất nguy hiểm.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng yêu cầu tăng cường triệt để trong quản lý cách ly người nhập cảnh hợp pháp. Với các trường hợp nhập cảnh theo yêu cầu của Chính phủ được phép cách ly tại nhà (ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...) thì chỉ được cách ly tại nhà/nơi lưu trú đủ điều kiện sau khi địa phương kiểm tra.

Nhấn mạnh thêm một lần nữa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chỉ đạo quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực xét nghiệm, đẩy mạnh giám sát, xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Thời điểm này nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống COVID-19 nên tất cả trường hợp này vào viện phải xét nghiệm hết.

Các điểm cầu tham dự hội nghị       

Tiếp đến, Bộ trưởng yêu cầu trong công tác phòng chống dịch, phải chuẩn bị cho tình huống xấu bởi chúng ta không biết COVID-19 sẽ bất ngờ xuất hiện ở đâu, vào lúc nào nên các địa phương phải tăng cường chuẩn bị, tập huấn cho nhân viên y tế, lên kế hoạch, chuẩn bị lấy mẫu diện rộng, tăng cường xét nghiệm, bảo đảm cơ sở điều trị trong trường hợp có COVID-19, phải khoanh vùng hay gia tăng người bệnh…

Cuối cùng, Tư lệnh ngành y nhấn mạnh: Việt Nam vẫn tiếp tục huy động cộng đồng trong phòng chống dịch, khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K. Với cơ sở y tế, từ nay đến cuối năm cần đặt đây là ưu tiên trọng tâm, đưa công tác phòng chống dịch lên mức cao nhất. Phải chú trọng xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ theo quy định của Bộ Y tế, tránh bỏ lọt những ca bệnh nghi ngờ.

Tại cuộc họp đại diện CDC Hoa Kỳ cũng cho rằng chủng virus mới ở Anh, Nam Phi, loài chồn ở Đan Mạch cho thấy dù có vắc xin nhưng phải luôn có tinh thần ứng phó với đại dịch có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, trong đó có Việt Nam.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết thế giới đã trải qua một năm đại dịch. Bài học quan trọng nhất là đầu tư vào công tác chuẩn bị ứng phó là công tác đầu tư hiệu quả.

"Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch COVID-19. Tôi khẳng định sự thành công này không phải qua 1 đêm mà có, mà do chúng ta đầu tư rất nhiều năm. Khi các nền kinh tế, xã hội mở cửa trở lại thì dịch trên toàn cầu tiếp tục thay đổi, chúng ta sẽ có nhiều bằng chứng khoa học hơn nữa. Vì thế, chúng ta phải tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa để ứng phó và thích nghi"- TS Kidong Park nói.

Theo chuyên gia, COVID-19 là đại dịch rất lớn chưa từng thấy trong vòng 100 năm. Qua đó, cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế vững mạnh và linh hoạt.

Chúng ta không biết vào thời điểm nào ở đâu, một đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra. Nhưng chúng ta biết đây không phải đại dịch cuối cùng trong lịch sử loài người. Đại dịch COVID-19 nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng phải tăng cường dịch bệnh, làm sao tránh ngưng trệ dịch vụ y tế cơ bản. Nếu không có sự chuẩn bị đại dịch tiếp theo xảy ra sẽ vượt qua cả về mức độ và phạm vi
Thái Bình
Source: SKĐS