bn-current-user-online-portlet

Online : 3677
Total visited : 151108327

BVĐK tỉnh phát triển kỹ thuật Can thiệp mạch máu thần kinh

19/01/2021 15:29 View Count: 324
Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa thực hiện cấp cứu thành công một bệnh nhân đột quỵ não bằng can thiệp mạch với sự chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia đầu ngành bệnh viện tuyến T.Ư. Đây là kỹ thuật mới, lần đầu được triển khai thành công, khẳng định bước tiến mới trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện.

Sau 3 ngày can thiệp mạch máu não lấy đi cục máu đông, bệnh nhân T.T.C tỉnh táo, tay chân cử động bình thường

Nữ bệnh nhân T.T.C, 42 tuổi ở phường Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 15-1 ở giờ đột quỵ thứ 2,5 trong tình trạng lơ mơ, tim loạn nhịp hoàn toàn, nói khó, liệt 1/2 người trái, cơ lực 0/5, điểm NHISS (chỉ số đánh giá mức độ tổn thương do đột quỵ) là 19 (ở người khoẻ mạnh, NHISS=0). Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115 tích cực hỗ trợ hô hấp tuần hoàn bằng oxy, tiến hành chụp cắt lớp vi tính sọ não.

Bác sĩ Lê Văn Ngọc, Phụ trách Đơn nguyên Đột quỵ, Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115, người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân T.T.C cho biết: Kết quả chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân không bị xuất huyết não, vì vậy chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu huyết khối. Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân thay đổi mức độ tổn thương ít, nghi ngờ tắc mạch não lớn. Sau điều trị tiêu sợi huyết 15 phút bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính mạch máu não, kết quả phát hiện tắc đoạn tận động mạch cảnh trong bên phải và đoạn đầu động mạch não giữa, não trước bên phải.

Có thể nói, mức độ cấp bách trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não tính theo từng phút, đặc biệt là trong quá trình can thiệp mạch máu thần kinh. Theo các bác sĩ, đối với trường hợp bệnh nhân T.T.C, được đưa đến bệnh viện trong khung “giờ vàng”, bệnh nhân đột quỵ não cấp do bệnh lý tim mạch hình thành cục máu đông mới gây tắc mạch não ở bệnh nhân trẻ tuổi, không có tiền sử bệnh nền, do đó khả năng tiếp cận vùng tổn thương mạch máu thuận lợi trong cấp cứu.

Đến ngày 18-1, sau 3 ngày được can thiệp mạch máu não, lấy đi cục máu đông, bệnh nhân T.T.C tỉnh táo, nói được nhưng còn hạn chế, tay chân cử động bình thường, đánh giá điểm NHISS = 2; kết quả chụp cộng hưởng từ sau can thiệp cho thấy ổ nhồi máu não kích thước rất nhỏ. Bệnh nhân tiên lượng tiến triển tốt.

Theo bác sĩ CKI Đào Mạnh Sơn, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh thì các tổn thương tương tự như bệnh nhân T.T.C gặp khá nhiều tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuy nhiên trước đây đều phải chuyển tuyến do đơn vị chưa triển khai thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch máu thần kinh.

Bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn tối cấp có 2 phương pháp điều trị. Bước đầu tiên là điều trị tiêu sợi huyết trong 3 giờ đầu sau đột quỵ, song tỷ lệ thành công ở bệnh nhân nhồi máu tại động mạch lớn chỉ đạt khoảng 30%, do đó cần phải điều trị lấy cục máu đông bằng phương pháp cơ học và từ 3 đến 6 giờ sau đột quỵ là khoảng thời gian quý giá để thực hiện phương pháp này. Nếu việc can thiệp mạch máu não diễn ra sau 6 giờ hiệu quả của việc tái thông lấy cục máu đông là rất thấp, đồng thời tăng nguy cơ tai biến sau can thiệp, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Việc đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật can thiệp mạch máu thần kinh ở bệnh nhân đột quỵ não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa kịp thời cứu sống bệnh nhân, giảm áp lực kinh tế, vừa giúp người nhà tiết kiệm thời gian, chi phí. Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang cử các kíp y bác sĩ tiếp tục đi đào tạo, nâng cao tay nghề tại các bệnh viện tuyến cuối, tiến tới tiếp nhận chuyển giao hoàn toàn và triển khai thường quy kỹ thuật can thiệp mạch máu thần kinh tại đơn vị.

Nguyễn Long