bn-current-user-online-portlet

Online : 3933
Total visited : 151070797

Chấn chỉnh lại các hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh

08/05/2023 09:07 View Count: 216

Cùng góp phần bảo vệ, chăm sóc ​sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, công tác quản lý hành nghề y dược ngoài công lập được ngành Y tế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trước các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của công dân và báo chí, Sở Y tế Bắc Ninh có nhiều động thái chấn chỉnh hoạt động hành nghề ngoài công lập.

Trong thời gian qua, các đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân; phản ánh của báo chí liên quan tới công tác hành nghề ngoài công lập trên địa bàn tỉnh gia tăng, đặc biệt là các phòng khám hành nghề chữa các bệnh xã hội (lậu, giang mai), nam học, yếu sinh lý, hiếm muộn... Điển hình là phản ánh của các cơ quan báo chí, người dân liên quan đến hoạt động của một số phòng khám với nội dung phức tạp, có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật, như: Đe dọa, trù dập, dọa giết... người tố cáo hành vi vi phạm đến cơ quan quản lý; trốn thuế; mua bán hóa đơn, làm giả hồ sơ CO, CQ nhằm thẩm định máy móc, trang thiết bị y tế đưa vào hoạt động; bác sỹ cố tình chẩn đoán sai bệnh (vẽ thêm bệnh), có hành vi gian dối, lợi dụng niềm tin của bệnh nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; sử dụng chữ ký đã khắc sẵn trên dấu để đóng vào kết quả các xét nghiệm…

Trước những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh, tại hội nghị triển khai công tác y tế cơ sở năm 2023, lãnh đạo Sở Y tế đã đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân, trong đó có nội dung tăng cường công tác kiểm tra với các cơ sở có nhiều phản ánh không tốt, đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ Sở Y tế trong công tác kiểm tra…

Đoàn liên ngành kiểm tra tại một cơ sở y tế ngoài công lập trong tháng 3-2023.

Giữa tháng 3 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì kiểm tra đột xuất một số cơ sở hành nghề ngoài công lập. Qua kiểm tra thực tế tại 4 cơ sở, gồm: Phòng khám Đa khoa Nhân Ái; Phòng khám Đa khoa Thành Đô; Phòng khám Đa khoa Tâm Đức; Phòng khám chuyên khoa nội Thịnh An, Đoàn liên ngành phát hiện một số vi phạm phổ biến như: Khi thấy đoàn kiểm tra đến, có hiện tượng lẩn trốn của người hành nghề tại phòng khám để tránh bị phát hiện (đối tượng lẩn trốn là người hành nghề không có Chứng chỉ hành nghề, chưa được đăng ký hành nghề tại phòng khám); người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám, bác sỹ đăng ký khám chữa bệnh tại các bàn khám không có mặt tại phòng khám đầy đủ như đã đăng ký với Sở Y tế; sử dụng người chưa có Chứng chỉ hành nghề, chưa đăng ký hành nghề với Sở Y tế; thực hiện kỹ thuật vượt phạm vi chuyên môn được phê duyệt; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các loại sổ theo dõi hoạt động chuyên môn tại phòng khám (sổ khám bệnh, sổ thủ thuật, sổ xét nghiệm, sổ theo dõi bệnh nhân tái khám…) gây khó khăn cho công tác đánh giá tính tuân thủ hoạt động chuyên môn theo phạm vi được cấp phép; cơ sở vật chất của phòng khám không đúng so với biên bản thẩm định khi cấp phép; không thực hiện niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh hoặc niêm yết giá dịch vụ không đầy đủ, không rõ ràng; trên biển hiệu quảng cáo điện tử (đèn led) của Phòng khám có chạy nội dung quảng cáo chưa phù hợp với danh mục đã được phê duyệt; bán thuốc không theo đơn, có loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn mua bán. Về giá dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân do cơ sở tự xác định và công bố, chưa có quy định mức trần nên khó đánh giá chi phí dịch vụ phòng khám thu của bệnh nhân là cao hay thấp.

Theo thông tin tổng hợp về xử phạt, từ đầu năm đến nay, 3 phòng khám: Đa khoa Quốc tế Nhân Ái, Chuyên khoa nội Thịnh An, Đa khoa Thành Đô nhận được 4 Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 601 triệu đồng; cả 3 phòng khám này đều bị tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 4 tháng; tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn trong thời hạn 3 tháng.
Để hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập đi vào nền nếp, cùng với các giải pháp về công tác truyền thông như: Tăng cường phổ biến kiến thức về Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, Nghị định và các văn bản liên quan đến công tác hành nghề y, dược; tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao ý thức và nhận thức về chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động… Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tiếp tục tăng cường hơn nữa việc quản lý các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn, bảo đảm thực hiện đúng theo phân cấp tại Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 2-3-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hành nghề y dược ngoài công lập. Sở Y tế cũng lưu ý, ở thời điểm hiện tại chưa có bác sỹ người nước ngoài đăng ký khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, do vậy UBND cấp huyện cần tăng cường kiểm tra giám sát để phát hiện kịp thời hoạt động khám chữa bệnh không phép của đối tượng này.

Đối với phòng khám có nhiều sai phạm, tái phạm nhiều lần trong các đợt kiểm tra trước đó, đề nghị cho phép tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều lần nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, tăng tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở. Với công tác hậu kiểm sau công bố đủ điều kiện hoạt động của các cơ sở hành nghề hoạt động trong lĩnh vực không yêu cầu thẩm định cấp phép (cơ sở tiêm chủng dịch vụ, cơ sở khám sức khỏe...), đề nghị không coi đây là hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, không giới hạn tỷ lệ cơ sở kiểm tra trong một năm.

Phương Thảo