bn-current-user-online-portlet

Online : 3438
Total visited : 151050066

Công đoàn ngành Y tế: Tăng cường công tác chăm lo và tham gia ổn định quan hệ lao động

11/11/2024 07:58 View Count: 11

Để tiếp tục thực hiện chủ động, hiệu quả, thiết thực các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, kịp thời ứng phó với diễn biến quan hệ lao động trong thời gian tới, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công đoàn ngành Y tế đã có văn bản gửi các CĐCS trực thuộc đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Tham mưu với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, chuyên môn cùng cấp, phối hợp với tổ chức công đoàn thực hiện các biện pháp ổn định tình hình quan hệ lao động, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và hỗ trợ nguồn lực tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động tại địa phương, đơn vị dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Chủ động triển khai và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo Kế hoạch số 298/KH-CĐYT ngày 25/10/2024 và các kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo khác của Công đoàn ngành Y tế, đồng hành cùng các cấp chính quyền, chuyên môn, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết.

Thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách với người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp; rà soát, lập danh sách các đơn vị, doanh nghiệp có quan hệ lao động không ổn định, hay xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, có nguy cơ mất an toàn lao động, gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đang và có nguy cơ ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, không có khả năng trả lương, thưởng Tết…để tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.  Nắm tình hình, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc làm, chuyển đổi việc làm của người lao động để kịp thời cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tuyển dụng, lựa chọn việc làm phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dịp cuối năm và đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động. Tăng cường thông tin, kết nối giữa các công đoàn cơ sở với công đoàn cấp trên cơ sở để cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động có nhu cầu. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, chuyên môn triển khai các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động; tăng cường phối hợp, đối thoại với người sử dụng lao động, chính quyền, chuyên môn đồng cấp liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống, việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động; tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, kiến nghị xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm của đơn vị, doanh nghiệp.

Chủ động hoặc tham gia đoàn công tác liên ngành hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, không để kéo dài, lây lan trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, phù hợp với tình hình doanh nghiệp và địa phương, đơn vị. Báo cáo cấp ủy, Công đoàn ngành Y tế đối với những vụ việc phức tạp, có yếu tố an ninh chính trị.

Các công đoàn cơ sở: Chủ động nắm thông tin, phản ánh, báo cáo kịp thời tới công đoàn cấp trên về tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện chế độ, chính sách, các vấn đề bức xúc, khó khăn của người lao động tại doanh nghiệp, nhất là các trường hợp doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nợ hoặc không trả được tiền lương, thưởng Tết cho đoàn viên, người lao động. Chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động phát động các phong trào thi đua nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc; tổ chức hội nghị người lao động; thương lượng tập thể, ký kết, sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể với các nội dung có lợi hơn quy định pháp luật cho đoàn viên, người lao động.

Chủ động tham gia, đề xuất với người sử dụng lao động xây dựng, công khai phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết, trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất 20 ngày; giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết; tổ chức bữa cơm tất niên trước khi nghỉ Tết phù hợp với tình hình thực tế. Tuyên truyền, vận động, động viên đoàn viên, người lao động quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết; chủ động nguồn lực và phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác chăm lo đoàn viên, người lao động vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại doanh nghiệp, nhất là đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đề xuất công đoàn cấp trên hỗ trợ đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn.

Source: CDC