bn-current-user-online-portlet

Online : 4722
Total visited : 150718192

Gia Bình tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện

07/08/2024 08:14 View Count: 31

Trong những năm qua, hệ thống các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn huyện Gia Bình phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhiều cơ sở y tế triển khai được một số kỹ thuật chuyên sâu, góp phần đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân trên địa bàn huyện.

Hiện nay, toàn huyện hiện có 28 cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập (trong đó gồm 02 phòng khám đa khoa và 26 phòng khám chuyên khoa); 03 cơ sở tiêm chủng dịch vụ; 01 cơ sở chăm sóc sức khỏe tại nhà; 105 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, Massage tính đến 31/5/2024; 01 cơ sở bán buôn thuốc; 90 cơ sở bán lẻ thuốc (02 nhà thuốc, 88 quầy thuốc) góp phần giảm tải cho hệ thống y tế công lập.

Trước yêu cầu của tình hình mới việc bổ sung một số nội dung trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập là rất cần thiết nhằm phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và tránh chồng chéo trong hoạt động quản lý đặc biệt đối với các đơn vị y tế nhằm phát huy những mặt tích cực, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Đối với  Phòng Y tế, Trung tâm y tế huyện là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành các Quyết định, Kế hoạch, các Văn bản khác về lĩnh vực quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập theo quy định của pháp luật. Ban hành các văn bản hướng dẫn về hành nghề y, dược ngoài công lập theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế và UBND huyện. Chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các xã, thị trấn, các đơn vị công lập trực thuộc và các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hoạt động trên địa bàn huyện.Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập; vận động, nâng cao y đức, kiến thức của người hành nghề y, dược. Phối hợp với các Phòng chuyên môn Sở Y tế thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề y, dược, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập theo đúng các quy định của pháp luật; đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép; thường xuyên nghiên cứu, rà soát quy trình cấp phép hành nghề, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung hoặc điều chỉnh theo thẩm quyền những nội dung bất cập.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau khi Sở Y tế đã cấp phép để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại của các cơ sở; tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ, rủi ro như: phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, phòng xét nghiệm, các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài (nếu có),…; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm; theo thẩm quyền, đề xuất các hình thức xử lý, xử phạt bổ sung phù hợp để tạo tính răn đe, ngăn chặn nguy cơ tái phạm đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra phải theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra; thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh về thanh tra, kiểm tra Doanh nghiệp (nếu có). Tuyên truyền, quán triệt đến toàn bộ cán bộ, viên chức ngành Y tế chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập. Giao trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị công lập trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát và nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật hành nghề y, dược ngoài công lập của nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm theo đúng quy định./.

Source: CDC