bn-current-user-online-portlet

Online : 3680
Total visited : 150778995

Giải pháp khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng

02/07/2022 14:04 View Count: 962

Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế hơn 15 năm qua nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng

Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế hơn 15 năm qua nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng [1]; khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế [2]. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển; trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Theo Bộ Y tế, hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp [3], thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao [4], nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục,… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của các địa phương này so với các các địa phương, khu vực khác.

Chính sách hạn chế mức sinh kéo dài giải quyết được vấn đề quy mô nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến: tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng; chất lượng dân số bị ảnh hưởng do những người chưa có điều kiện nuôi dạy con tốt còn sinh nhiều con. Ngược lại, nếu không khống chế được quy mô dân số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đầu tư cho đảm bảo an sinh xã hội [5], tăng thu nhập bình quân trên đầu người nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bối cảnh trên đòi hỏi phải giải có những giải pháp phù hợp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng, bao gồm cả quy định về quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.

Trước những thành tựu và hạn chế của công tác dân số, Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.

Có thể nói, đây là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, mang lại lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của đất nước. Giải pháp khắc phục trình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng cụ thể như sau:

Giải pháp 1:

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm sinh tại các tỉnh thuộc vùng có mức sinh cao (thực hiện cuộc vận động dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thực hiện các biện pháp tránh thai; mở rộng nâng cao chất lượng dịch vụ tránh thai).

- Các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp (cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình; tạo môi trường cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ; hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con, các gia đình cặp vợ chồng sinh đủ hai con).

- Các biện pháp điều chỉnh mức sinh trên phạm vi toàn quốc (phát triển dịch kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục định hướng hôn nhân và gia đình; hỗ trợ các đối tượng thực hiện đúng chính sách dân số).

- Quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt. Đồng thời quy định trách nhiệm tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về quyền và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt, tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.

Giải pháp này có những ưu điểm sau:

- Thể chế hóa mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW về “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong phạm vi cả nước”, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI; khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng. Tích hợp được các đề xuất, giải pháp cụ thể, phù hợp của Nhà nước trong lĩnh vực dân số vào giải pháp thực hiện chính sách được lựa chọn.

- Bảo đảm đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; khắc phục được tình trạng người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

- Tránh hệ luỵ tình trạng mức sinh xuống thấp ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và không để xảy ra tình huống mức sinh xuống thấp khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia.[6].

- Bảo đảm quyền con người, phù hợp với Hiến pháp; tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với các cam kết chính trị của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về dân số và phát triển.

Tuy nhiên, thực hiện giải pháp này Nhà nước phải bảo đảm nguồn ngân sách để tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục, khuyến khích lợi ích vật chất cho đối tượng thực hiện chính sách; thực hiện các biện pháp tăng cường trách nhiệm xã hội của người dân, quyền và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt.

Giải pháp 2:

Quy định như pháp luật hiện hành về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh một hoặc hai con, trừ các trường hợp có quy định khác [7]. Các biện pháp điều chỉnh mức sinh, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về dân số được quy định như giải pháp 1.

Giải pháp này có những ưu điểm là duy trì được quy mô dân số ở mức thấp, không phải sửa đổi các quy định về pháp luật cũng như phương thức tuyên truyền, vận động, thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

Tuy nhiên giải pháp này có những hạn chế là chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; chưa phù hợp với các cam kết chính trị Việt Nam đưa ra tại các diễn đàn đa phương về dân số, không tạo tác động tốt với dư luận quốc tế. Mức sinh ở nhiều vùng tiếp tục xuống thấp [8], dễ tới ngưỡng không vực lên được như một số quốc gia phải đối mặt. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có thể tiếp tục trầm trọng [9], khó khắc phục.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của chính sách về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật; xem xét ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề, trong hai giải pháp nêu trên, giải pháp nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế; Bộ Y tế đã kiến nghị chọn giải pháp 1 do có nhiều ưu điểm nổi trội hơn để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

-------------------

[1] Quyết định số 2019/QĐ-BYT ngày 27/4/2021 công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025.

[2] Tờ trình của Bộ Chính trị Đề án về công tác dân số trong tình hình mới (Trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII).

[3] Quyết định số 2019/QĐ-BYT: Vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố.

[4] Quyết định số 2019/QĐ-BYT: Vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố.

[5] Khi tăng tốc độ sinh phải đảm bảo điều kiện nuôi dạy đứa trẻ cho đến khi đủ độ tuổi lao động. Theo các nghiên cứu trên thế giới, dân số tăng 1% thì GDP phải tăng 4% mới đảm bảo mức sống và các dịch vụ xã hội vì thời gian từ khi mang thai cho tới khi tham gia thị trường lao động trung bình là 17,5 năm.

[6] Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến sinh nhưng kết quả rất hạn chế.

[7] 07 trường hợp đã được Chính phủ quy định trong Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số.

[8] Mức sinh càng có xu hướng giảm, thậm chí giảm sâu hơn mức sinh thay thế. Đặc biệt, khu vực Nam Bộ hiện đã có TFR giảm rất sâu, năm 2019, vùng Đông Nam Bộ: 1,56 con/phụ nữ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 1,8 con/phụ nữ.

[9] Tỷ số giới tính khi sinh có thể tăng đến mức 120 bé trai/100 bé gái vào năm 2025.

Source: Tổng cục Dân số - KHHGĐ