bn-current-user-online-portlet

Online : 3615
Total visited : 151108185

Góc nhìn an toàn thực phẩm - Mối nguy cơ gây ô nhiễm

26/10/2021 08:57 View Count: 498

Ô nhiễm thực phẩm là mối nguy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của con người. Do đó, công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm luôn được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh coi trọng, tăng cường thực hiện nhằm kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn không để thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn lưu thông trên thị trường.

Với quan điểm và phương châm “Phòng là chính”, ngay từ khi đi vào hoạt động, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động giám sát nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố về an toàn thực phẩm (ATTP). Công tác giám sát hậu kiểm được Ban đẩy mạnh với việc tiến hành lấy hàng trăm mẫu sản phẩm thực phẩm để kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy gần 88% số mẫu được lấy đạt; còn lại là các mẫu không đạt, chủ yếu về chỉ tiêu vi sinh vật đối với sản phẩm nước uống tinh khiết, đá dùng liền...

Kiên quyết ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm đến tay người tiêu dùng, cơ quan chức năng đã ra Quyết định thu hồi sản phẩm, thực hiện xử lý, xử phạt đối với các cơ sở có mẫu thực phẩm kiểm nghiệm không đạt theo quy định; đồng thời yêu cầu các cơ sở có biện pháp bảo đảm trang thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng, nguyên liệu, quy trình sản xuất và chỉ được hoạt động sau khi đã khắc phục và có kết quả kiểm nghiệm thực phẩm đạt. Trong 3 năm qua, đã tiến hành xử lý, xử phạt các cơ sở có mẫu hậu kiểm không đạt với tổng số tiền gần 211 triệu đồng, ra Quyết định thu hồi và thông báo dừng lưu thông toàn quốc 3 sản phẩm thực phẩm chức năng với tổng giá trị hơn 113 triệu đồng.

Giai đoạn trước năm 2018, công tác lấy mẫu hậu kiểm trên địa bàn tỉnh chưa được chú trọng thực hiện thì sau khi Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh được thành lập thí điểm và đi vào hoạt động, công tác giám sát hậu kiểm sau công bố và tự công bố được chú trọng. Các mẫu thực phẩm trong hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được lấy ở tất cả các nhóm thực phẩm và từ nhiều đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung cấp dịch vụ, do đó, kết quả đánh giá toàn diện hơn.

Tăng cường giám sát nhằm kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm chất lượng. 

Đối với những sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, Ban Quản lý ATTP chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Theo đó, sản phẩm thực phẩm có địa chỉ cơ sở sản xuất thuộc các tỉnh, thành khác, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh có văn bản thông tin đến Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố nơi có cơ sở sản xuất sản phẩm để thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với sản phẩm thực phẩm có cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc địa bàn tỉnh, Ban thành lập đoàn thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm không đạt chỉ tiêu an toàn, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy trình thanh tra để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông tin tới các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh để phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn để biết và không sử dụng.
Về công tác xử lý kết quả giám sát mối nguy đối với các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn sản xuất tại địa bàn tỉnh khi có thông báo của các tỉnh, thành khác, Ban Quản lý ATTP thành lập các đoàn thanh tra đột xuất tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời phối hợp xác minh làm rõ và tiến hành xử lý vi phạm theo quy định.

Khó khăn trong kiểm soát thực phẩm là thách thức lớn đối với công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay, trong đó phải kể đến hoạt động lấy mẫu hậu kiểm sau công bố, tự công bố. Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đối với các sản phẩm tự công bố, tổ chức, cá nhân gửi về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi tự công bố. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các cơ sở sản xuất thực phẩm tự công bố một cách ồ ạt, nhiều sản phẩm chưa được kiểm soát đã đưa ra thị trường. Trong khi ý thức của nhiều cơ sở trong việc chịu trách nhiệm về các sản phẩm tự công bố chưa cao, một số sản phẩm được sản xuất theo mùa vụ hoặc theo đơn đặt hàng… Do đó, khi lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm không lấy được mẫu do các sản phẩm này không còn sản xuất, kinh doanh. Công tác xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn do các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có khả năng nộp phạt, hoặc không nộp phạt.

Ngoài ra, xây dựng chương trình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng TP; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án liên quan đến thực phẩm đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm từ tỉnh đưa về tiêu thụ trên địa bàn TP và thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó, có đánh giá nguy cơ về đảm bảo ATTP và tăng cường quản lý về ATTP trên địa bàn TP; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kiểm soát ô nhiễm thực phẩm được triển khai thực hiện hàng năm để hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Những cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, các chợ Trung tâm thành phố, chợ trung tâm huyện/xã rất khó kiểm tra, xử lý, cho nên việc test nhanh và lấy mẫu xét nghiệm giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm là cách hiệu quả để nhắc nhở, tuyên truyền đến các cơ sở này. Sau khi có kết quả đối với những mẫu không đạt, đoàn kiểm tra giám sát lấy mẫu nhắc nhở cơ sở yêu cầu phải chấm dứt ngay việc sử dụng foocmol, hàn the trong chế biến giò, chả, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh phải đảm bảo giữ vệ sinh, mua bán thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát mối nguy và hậu kiểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phương hướng thời gian tới của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh. Trong đó, bảo đảm 100% các loại sản phẩm thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng lớn, các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm trong quá trình sản xuất kinh doanh được lấy mẫu kiểm nghiệm thường xuyên, phát hiện các nguy cơ không an toàn thực phẩm; 100% các sản phẩm tự công bố và xác nhận bản đăng ký công bố sản phẩm được hậu kiểm hồ sơ và 40% sản phẩm/nhóm sản phẩm được hậu kiểm xét nghiệm xác định các chỉ tiêu an toàn. Các sản phẩm không bảo đảm an toàn được phát hiện qua giám sát mối nguy, hậu kiểm sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và được truyền thông, cảnh báo đối với người tiêu dùng. Tin rằng, đây sẽ là những con số “biết nói” minh chứng cho nỗ lực kiểm soát thực phẩm không an toàn trong một tương lai gần.

Xuân Hân