bn-current-user-online-portlet

Online : 3885
Total visited : 150779146

Khó khăn trong triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

28/07/2020 07:57 View Count: 1921
Với nhiều ưu điểm, các hình thức không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí hiện đã và đang được một số bệnh viện tuyến T.Ư thực hiện, đẩy mạnh.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 về không dùng tiền mặt trong thu học phí, viện phí và chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh đang khởi động những bước đầu tiên trong kế hoạch triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, do thói quen dùng tiền mặt của phần lớn người dân, hoạt động này được dự báo có nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

Những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lựa chọn thanh toán không tiền mặt tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh đều là giới trẻ.

Bà Nguyễn Thị Hảo, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết: Hiện tại bệnh viện triển khai cho các trường hợp người bệnh có tài khoản tại ngân hàng đến khám và điều trị tại bệnh viện bằng việc lắp các điểm POS thanh toán, thanh toán quét mã QR Code offline. Theo kế hoạch, khi bệnh viện triển khai được bệnh án điện tử, bệnh viện sẽ tiến hành các giải pháp cho cả những bệnh nhân không có thẻ tại ngân hàng có thể thanh toán không dùng tiền mặt bằng việc phát hành thẻ thanh toán. Sau khi hoàn thành triển khai hệ thống, bệnh viện sẽ tích hợp thanh toán QR Code online kết nối với hệ thống thanh toán của ngân hàng. Tuy nhiên, việc thanh toán online vẫn đang là kế hoạch và đơn vị vẫn đang trong quá trình lựa chọn ngân hàng cung cấp dịch vụ.

Qua một thời gian triển khai 5 điểm POS tại các quầy thanh toán tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho thấy hầu hết người dân lựa chọn sử dụng thanh toán POS là công nhân dùng thẻ ATM vốn được cấp để trả lương, còn lại các đối tượng khác đều dùng tiền mặt. Như vậy, có thể nói dùng tiền mặt, mang nhiều tiền mặt khi đi viện vẫn là thói quen của phần lớn người dân, do đó việc thanh toán không tiền mặt trong bệnh viện hiện chỉ tập trung ở nhóm đối tượng khách hàng thường xuyên dùng thẻ ngân hàng.

Trong quá trình lựa chọn ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh tiến hành khảo sát cách thức triển khai của các bệnh viện lớn cũng như tham khảo dịch vụ của các ngân hàng. Khảo sát ban đầu này cho thấy phí thu của các ngân hàng trên mỗi giao dịch khá cao. Vì thế, việc triển khai thanh toán không tiền mặt trong bệnh viện đạt hiệu quả ra sao phụ thuộc rất nhiều vào các nhóm khách hàng, cũng chính là người bệnh, người nhà người bệnh.

Tìm hiểu rõ hơn tâm lý người bệnh và người nhà về việc không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong lúc chờ chồng thanh toán viện phí ra viện, chị Nguyễn Thị Nhận ở Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Tôi làm nhân viên văn phòng, có dùng thẻ ATM và dịch vụ internet banking của Ngân hàng, nếu thực sự triển khai được thanh toán không dùng tiền mặt thì quá tốt, chồng tôi cũng sẽ không phải xếp hàng để chờ thanh toán như hôm nay”. Anh Nguyễn Xuân Trường ở Yên Phong cho biết: “Do từng bị mất cắp, trong ví tôi thường không mang theo nhiều tiền mặt, chưa kể dùng tiền mặt rất mất vệ sinh. Bởi vậy tôi rất mong chờ các bệnh viện triển khai thanh toán không tiền mặt. Ở những thời điểm dịch bệnh cần hạn chế tiếp xúc như dịch COVID-19 thì không dùng tiền mặt chắc chắn sẽ được nhiều người hoan nghênh”.

Trong khi nhóm người trẻ ủng hộ thanh toán không tiền mặt tại bệnh viện, thì nhóm người già thường xuyên phải đi thăm khám lại không mấy mặn mà. Cả 5/5 bệnh nhân lớn tuổi tại các bệnh viện khi được hỏi đều khẳng định vẫn sử dụng cách thức thanh toán truyền thống, lý do là họ đều có thẻ BHYT và số tiền chi trả cho mỗi lần khám không quá nhiều. Trường hợp bệnh nặng cần người đi cùng thì đã có con cái lo thủ tục.
Để đẩy mạnh thanh toán chi phí y tế không dùng tiền mặt tại các đơn vị trong ngành, từ cuối năm 2019, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị tổ chức quán triệt về ý nghĩa và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự đồng thuận trong thực hiện. Xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị, có lộ trình triển khai cụ thể đối với từng hình thức, trong đó lưu ý: Phối hợp với các ngân hàng hoặc tổ chức trung gian thanh toán để lựa chọn ít nhất 1 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp nhất (ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ); xây dựng lộ trình triển khai đa dạng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với lộ trình triển khai ứng dụng CNTT tại đơn vị, bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt…

Để giúp người dân yên tâm thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện, phòng công tác xã hội đã tuyên truyền rộng rãi về những lợi ích từ việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt qua các trang mạng xã hội, website của bệnh viện,… Cùng với đó, để đảm bảo sự an toàn, bảo mật thông tin cá nhân cho người bệnh, Bệnh viện đã phối hợp với nối một đường truyền riêng tới Bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã quy định giao thức chuẩn để đảm bảo kết nối với các đơn vị thanh toán trung gian cũng như ngân hàng để giao dịch được thông suốt và tiến hành một cách tối ưu nhất.

Kinh phí để triển khai việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt không lớn nên phần lớn đều trích từ nguồn quỹ của Bệnh viện, đồng thời, kết nối với các đơn vị khác. Ngoài ra, mỗi một đơn vị thanh toán trung gian họ lại có một hình thức thu phí giao dịch khác nhau nên Bệnh viện sẽ cân nhắc để mở rộng các loại hình dịch vụ với nhiều ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người bệnh khác nhau.

Thanh toán không dùng tiền mặt vừa là xu hướng vừa là nhu cầu của nhiều ngành, nghề và trên thực tế hiện được sử dụng khá phổ biến. Tại các bệnh viện, thanh toán không dùng tiền mặt giúp cho người bệnh không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát); giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi “số” tại các bệnh viện. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả thanh toán không tiền mặt trong bệnh viện ngoài sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị CNTT, còn cần có sự áp dụng phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng bệnh nhân, quan trọng nhất là phải thay đổi được thói quen dùng tiền mặt của đại đa số người dân.

Ngọc Hà