bn-current-user-online-portlet

Online : 3690
Total visited : 151108660

Không chỉ là cầu nối từ thiện

26/10/2022 07:45 View Count: 236

Công tác xã hội là một nghề không mới, nhưng dường như ít được biết đến. Đối với ngành Y tế, công tác xã hội có vai trò quan trọng nhằm chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Tuy nhiên, ngay cả ở đơn vị làm khá tốt công tác xã hội vẫn có những cá nhân hiểu chưa đúng, chưa đủ về hoạt động này, họ cho rằng, các hoạt động từ thiện và công tác xã hội tại bệnh viện là một.

Công tác xã hội trong bệnh viện là các hoạt động hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật, quá trình khám chữa bệnh. Mục đích là hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được những hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân,… Do đó, công tác xã hội trong bệnh viện thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ngoài ra, công tác xã hội trong bệnh viện là một nội dung hoạt động rất quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hóa lĩnh vực công tác xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Năm 2016, tại Quyết định số 1791/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25-3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”. Có thể thấy, công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.

Nhận thức vai trò quan trọng của công tác xã hội, những năm qua, ngành Y tế Bắc Ninh chú trọng đẩy mạnh và phát triển. Hiện tại, 2 bệnh viện hạng I (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã thành lập Phòng Công tác xã hội; các trung tâm Y tế có giường bệnh và một số bệnh viện chuyên khoa có Tổ Công tác xã hội hoặc được ghép với phòng Điều dưỡng, Kiểm soát nhiễm khuẩn… Hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện đã và đang phát huy tốt, thể hiện rõ hiệu quả tích cực trong kết nối giữa các tổ chức xã hội, đơn vị, cá nhân hảo tâm với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, cần được chia sẻ và giúp đỡ. Song, cầu nối từ thiện chỉ là một hoạt động bề nổi của công tác xã hội trong bệnh viện, do đó, nhiều người hiểu chưa đúng về công việc này khi cho rằng hoạt động từ thiện và công tác xã hội là một.

Nhân viên công tác xã hội nắm bắt thông tin về sức khoẻ, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh để đề xuất phương án hỗ trợ tâm lý, xã hội.

Tuy nhiên, nhân lực làm công tác xã hội trong các bệnh viện hiện còn rất hạn chế. Toàn ngành Y tế Bắc Ninh chỉ có hơn 150 cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm làm nhiệm vụ công tác xã hội, trên tổng số hơn 4.800 cán bộ của ngành. Đáng nói là trong số hơn 150 cán bộ công tác xã hội toàn ngành, chỉ có 11 cán bộ được đào chính quy, cấp bằng về công tác xã hội và xếp lương chức danh nghề nghiệp công tác xã hội. Nhân lực làm công tác xã hội còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc mở rộng và phát triển các hoạt động về công tác xã hội trong bệnh viện.

Để đáp ứng yêu cầu về phát triển công tác xã hội trong ngành Y tế, Sở Y tế xây dựng kế hoạch giai đoạn 2022 - 2030, trong đó có lộ trình cụ thể từng năm, đến năm 2027, tất cả các đơn vị trong ngành đều thành lập Phòng Công tác xã hội và hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định của Bộ Y tế. Trước đó, đến năm 2025, các đơn vị trong ngành triển khai đầy đủ các nhiệm vụ công tác xã hội, bao gồm: Hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn sức khoẻ online cho người dân; đăng ký khám chữa bệnh, đăng ký tiêm chủng online; hỗ trợ nhân viên y tế; thường xuyên khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh, người dân đối với dịch vụ của đơn vị; vận động tiếp nhận tài trợ theo quy định; thông tin truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội tại cộng đồng…

Để phát huy tốt hiệu quả công tác xã hội trong bệnh viện, đáp ứng yêu cầu thực tế, ngành Y tế đưa ra nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài, trong đó vấn đề đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội được coi trọng. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội sẽ được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng công tác xã hội chuyên sâu, kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với người bệnh, người nhà người bệnh, kỹ năng nghiệp vụ trong chăm sóc, phục hồi, trợ giúp đối tượng đặc thù... Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 2 đơn vị đi đầu trong hoạt động công tác xã hội được Sở Y tế giao làm đầu mối tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các đơn vị trong ngành.

Source: BBN