bn-current-user-online-portlet

Online : 2408
Total visited : 151118040

Nâng cao hiệu quả công tác xét nghiệm phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

25/10/2017 16:05 View Count: 149

Theo thống kê, ước tính cả năm 2017 Bắc Ninh có khoảng 27.500 phụ nữ có thai và hơn 21.000 phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV khi chuyển dạ đẻ đạt khoảng 94%. Tuy nhiên số được xét nghiệm HIV trong thời kì mang thai lại chỉ đạt dưới 20%.  Đây cũng là một trong những điểm hạn chế trong công tác phòng chống HIV lây truyền từ mẹ sang con thời gian qua.

Tại bệnh viện Sản Nhi, hầu hết phụ nữ có thai đến viện đều đã ở những tháng cuối của thai kì, đến viện để kiểm tra tổng thể và đăng kí sinh đẻ. Còn việc theo dõi sức khỏe của cả quá trình mang thai phần lớn đều được thực hiện ở các phòng khám tư bên ngoài. Chính vì thế, mặc dù có chức năng tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai nhưng tỉ lệ phụ nữ có thai thực hiện xét nghiệm này ở bệnh viện Sản Nhi nói riêng và các đơn vị y tế khác nói chung đều rất thấp.

Hầu hết phụ nữ có thai đều chỉ thực hiện xét nghiệm HIV khi chuyển dạ đẻ, vì vậy hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa đạt hiệu quả cao

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh – phó giám đốc bệnh viện Sản Nhi  cho biết, tại bệnh viện có đến 70 – 80% phụ nữ có thai được xét nghiệm ra HIV khi chuyển dạ đẻ, còn số phụ nữ được xét nghiệm HIV sớm trong thai kì khá ít. Nếu phụ nữ có thai nhiễm HIV không được dự phòng thì có đến 20-30% trẻ sinh ra từ những bà mẹ này sẽ nhiễm HIV. Ngược lại, phụ nữ có thai được xét nghiệm phát hiện HIV sớm ở những tuần đầu mang thai thì sẽ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngay từ những ngày đầu bằng thuốc ARV. Kết quả hầu như các em bé sinh ra đều không bị nhiễm HIV từ mẹ. Mặt khác, ngay khi sinh ra từ mẹ có HIV, các em bé đó cũng tiếp tục được điều trị dự phòng HIV bằng thuốc ARV hoàn toàn miễn phí. Điều này chứng tỏ nếu được xét nghiệm phát hiện HIV sớm, hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ đạt rất cao!

Test nhanh HIV cho phụ nữ có thai được thực hiện tại trạm y tế vào ngày tiêm chủng mở rộng hàng tháng, thuận tiện cho phụ nữ vừa đến quản lí thai nghén, vừa lấy máu xét nghiệm

Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết phụ nữ có thai đều không hoặc chưa thực hiện xét nghiệm HIV trong thai kì, chỉ đến khi chuyển dạ đẻ tại cơ sở y tế mới thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Trước thực tế đó, ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm huy động sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi người dân vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tăng cường cung cấp các dịch vụ về dự phòng  lây truyền HIV từ mẹ sang con như: cấp test nhanh cho các đơn vị quản lí thai nghén, tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, miễn phí cho tất cả các phụ nữ có thai đến khám, sử dụng thuốc ARV dự phòng lây truyền HIV cho con…Và một trong những hoạt động nổi bật được triển khai trong thời gian này là đưa các mẫu test nhanh xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai xuống tận tuyến y tế cơ sở, để phụ nữ có thai được thực hiện lấy máu xét nghiệm miễn phí ngay tại trạm y tế khi đến tiêm chủng và quản lí thai nghén.

Xét nghiệm HIV tại tuyến xã giúp nâng cao đáng kể hiệu quả công tác phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hằng – Phó giám đốc Trung tâm y tế TP Bắc Ninh cho biết, trong đợt này thành phố được cấp 800 mẫu test nhanh HIV để phân bổ tại trung tâm và chuyển về 19 trạm y tế xã, phường trên địa bàn thực hiện lấy mẫu xét nghiệm máu cho phụ nữ có thai. Trước đó, Trung tâm cũng đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ phụ trách công tác HIV của đơn vị và các trạm y tế để đảm bảo công tác xét nghiệm HIV tại tuyến xã được triển khai hiệu quả nhất. Việc tư vấn, lấy máu xét nghiệm cho phụ nữ có thai sẽ được thực hiện lồng ghép trong ngày tiêm chủng mở rộng hàng tháng tại trạm y tế. Trung tâm đã cử cán bộ trực tiếp xuống từng trạm để hỗ trợ cả khâu tư vấn và khâu lấy máu xét nghiệm.

Để phụ nữ có thai tự nguyện xét nghiệm HIV tại trạm thì công tác tư vấn phải đảm bảo khéo léo, tế nhị

Là chủ trương mới nên công tác tuyên truyền cũng được đặt lên hàng đầu, làm sao để toàn bộ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là đối tượng phụ nữ có thai nắm được thông tin, hiểu và thực hiện theo. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương – trạm trưởng trạm y tế phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh cho biết, ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa đài, trạm y tế còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ, hội nông dân tuyên truyền, vận động từng chị em ở từng chi hội, từng khu xóm. Đồng thời, tại trạm thì thực hiện tư vấn, tuyên truyền cho phụ nữ có thai đến trạm quản lí thai nghén và tiêm phòng uốn ván về lợi ích của việc xét nghiệm sàng lọc HIV sớm.

Chị Nguyễn Thị Nhung – khu phố Và, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh đang mang bầu con thứ 2 ở tháng thứ 4. Sinh bé đầu, chị cũng chỉ thực hiện siêu âm và đến khi đi đẻ mới làm xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nhận thức được việc phụ nữ mang thai mà nhiễm HIV có khả năng lây truyền cho con trong suốt thai kì nên chị sẵn sàng đồng ý làm xét nghiệm khi ở trạm y tế có triển khai. Chị Nhung chia sẻ: “Để mà tự dưng bảo mình đi lên bệnh viện chỉ để xét nghiệm HIV thì mình nghĩ không chỉ riêng mình mà rất đông phụ nữ có thai cũng sẽ giống mình là không thực hiện, vì tâm lí mà! Nhưng làm tại trạm thì nhà mình gần trạm, vừa không mất thời gian đi lại, lại làm luôn cùng đợt đến khám thai và tiêm phòng, cũng không tốn kém chi phí gì, thì chắc ai cũng sẽ đồng ý làm thôi!”

HIV vẫn được coi là căn bệnh thế kỉ và bị cộng đồng xa lánh, kì thị. Vì vậy, cùng với những yếu tố giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và đặc biệt là phụ nữ có thai nâng cao nhận thức, hiểu biết về lây truyền HIV từ mẹ sang con, thì điểm mấu chốt quyết định giúp tỉ lệ phụ nữ có thai được tiếp cận xét nghiệm HIV sớm là công tác tư vấn của cán bộ y tế, để làm sao họ đồng ý, tự nguyện thực hiện xét nghiệm.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hằng – Phó giám đốc Trung tâm y tế thành phố cho biết: “Công tác tập huấn được chúng tôi đặc biệt chú trọng vào khâu tư vấn, cán bộ tư vấn phải giải thích làm sao cho phụ nữ có thai hiểu được tính nhân văn của chủ trương này, làm sao để họ hiểu và tự nguyện đồng ý thực hiện xét nghiệm”. Thành phố bắt đầu triển khai test nhanh xét nghiệm HIV tại tuyến xã từ tháng 10/2017 và đã thực hiện lấy máu cho 305 trường hợp. Bác sĩ Hằng cũng đánh giá thêm, nếu tiếp tục triển khai như thế này thì khả năng có thể sẽ có khoảng 90% phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV sớm.

Với mục tiêu giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm 2017 và dưới 2% năm 2020; 75% phụ nữ từ 15-49 tuổi được tiếp cận với các thông tin về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 50% số phụ nữ có thai đến khám tại cơ sở y tế được tư vấn và tự nguyện xét nghiệm HIV, tin tưởng rằng những giải pháp thiết thực nhất mà ngành y tế đã và đang triển khai, sẽ là tiền đề để hiện thực hóa các mục tiêu trên, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phòng, chống dịch HIV/AIDS trong cộng đồng.

Thu Hoài
Source: Trung tâm TT-GDSK tỉnh