bn-current-user-online-portlet

Online : 2313
Total visited : 150733926

Phát triển các kỹ thuật điều trị tật khúc xạ ở Bệnh viện Mắt Sông Cầu

09/05/2023 08:15 View Count: 189

Cận thị nói riêng, các tật khúc xạ nói chung đang ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo một thống kê, có khoảng 30-40% thanh thiếu niên trong cả nước mắc các tật khúc xạ về mắt, bao gồm: Cận thị, loạn thị, viễn thị. Đây quả thực là con số đáng báo động.

Thấy con gái gần 4 tuổi có biểu hiện khó nhìn, anh Nguyễn Văn Diễn ở huyện Yên Phong lên Bệnh viện Mắt Sông Cầu khám và được chẩn đoán con bị loạn thị. Tại đây, anh được cung cấp thêm thông tin, kiến thức về những yếu tố làm tăng khả năng mắc các tật khúc xạ ở trẻ nhỏ, biện pháp cải thiện thị lực để cùng con chăm sóc đôi mắt tốt hơn.

Đo khúc xạ trên máy cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Sông Cầu.

Chạy xe ô tô dịch vụ đưa nhiều người lên khám mắt tại Bệnh viện Mắt Sông Cầu trong những năm qua, anh Nguyễn Văn Thiệu ở Gia Bình tin tưởng chất lượng dịch vụ tại đây. Lựa ngày các con được nghỉ học, anh đưa cả 2 con 13, 17 tuổi lên khám tật khúc xạ. Anh cho biết hai cháu đều đeo kính 2-3 năm nay, một phần do thời gian học trực tuyến vì dịch bệnh, phần vì các cháu hay xem điện thoại trong bóng tối, khi đã tắt điện.

Bác sĩ Hồ Tự Chính, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Mắt Sông Cầu cho biết mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 150 đến 200 lượt bệnh nhân đến khám, chữa các bệnh về mắt, trong đó khoảng 30% khám về tật khúc xạ. Bệnh nhân đến khám về tật khúc xạ ở tất cả các độ tuổi, song thường gặp nhất là lứa tuổi học sinh THCS và THPT và tỷ lệ mắc tật khúc xạ cũng gia tăng theo tuổi. Thông thường, các buổi chiều thứ Tư và ngày thứ Bảy, lượng bệnh nhân khám tật khúc xạ đông hơn do học sinh được nghỉ học.

Bác sĩ Chính lưu ý các bậc phụ huynh, nếu trẻ có một trong số những biểu hiện như: Thường xuyên nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng hoặc ngồi học sát với mép vở, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay. Ngoài ra việc điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn thường dẫn đến tình trạng đau đầu, nhức mắt, chảy nước mắt…. Vì thế, cần thường xuyên để ý đến các biểu hiện của con trẻ để kịp thời đưa trẻ đi khám tránh các bệnh về tật khúc xạ sau này.  

Theo bác sĩ Hồ Tự Chính, góp phần vào việc chăm sóc sức khoẻ đôi mắt cho trẻ em lứa tuổi học đường, Bệnh viện Mắt Sông Cầu cung cấp dịch vụ khám và điều trị các tật khúc xạ. Theo quy trình thăm khám thông thường, một bệnh nhân nghi ngờ có tật khúc xạ sẽ được đo khúc xạ trên máy, thử thị lực dựa trên số đo khúc xạ (thử kính). Với những trường hợp đo, thử kính có khó khăn hoặc đi khám lần đầu sẽ được nhỏ mắt bằng 1 loại thuốc gây liệt điều tiết tạm thời để khám và có được số đo khúc xạ chính xác nhất. Trong một số trường hợp đặc biệt và cần thiết, bệnh nhân được chỉ định chụp biểu đồ giác mạc, chụp hình đáy mắt góc rộng để đánh giá tổn thương của đáy mắt (nếu có).

Với bệnh nhân nhỏ tuổi, chưa phẫu thuật được thì phải đeo kính với số tật khúc xạ chính xác và được tư vấn về chế độ làm việc, nghỉ ngơi, dinh dưỡng. Trên thực tế, có không ít những trường hợp đo kính ở những cơ sở không có nhân lực được đào tạo chuyên khoa về kỹ thuật đo nên sai số kính đeo và hậu quả là nhức mỏi mắt, mắt phải điều tiết nhiều hơn, do đó độ cận thị cũng tăng nhanh hơn.

Hiện tại, có nhiều phương pháp hỗ trợ cho người cận thị nhìn rõ hơn, gồm: Đeo kính (Áp dụng cho người trẻ, lợi thế là chi phí thấp, hợp lý, dễ sử dụng, không có lựa chọn phương pháp khác…); đeo kính áp tròng mềm (Ưu điểm là không phải vướng víu vì đeo kính, song nhược điểm là dễ gây viêm nhiễm cho mắt do khâu vệ sinh không tốt, giá cao hơn so kính cận thông thường); đeo kính ban đêm (Ortho-K: Dùng kính chỉnh hình giác mạc ban đêm, có thể bỏ kính ban ngày, tiện lợi song chi phí khá cao); phẫu thuật cận thị (Phù hợp người trên 18 tuổi, kỹ thuật hiện đại độ an toàn cao, song cũng khá tốn kém chi phí).

Bệnh viện Mắt Sông Cầu triển khai phẫu thuật mổ xoá cận từ cuối tháng 3, hiện đã có gần 30 ca thành công, phục hồi thị lực cho người bệnh. Tái khám sau 1 tuần phẫu thuật với mong muốn gỡ bỏ cặp kính cận để thuận lợi, thoải mái hơn trong sinh hoạt, vận động hằng ngày, anh Thân Thế Doanh, 31 tuổi ở Việt Yên, Bắc Giang cho biết, trước khi mổ, anh cận trên dưới 2 đi-ốp, bị hạn chế tầm nhìn và phụ thuộc rất nhiều vào kính cận mỗi khi lái xe, chơi thể thao, làm việc, hôm nào lỡ quên kính thì cực kỳ khó chịu. Lựa chọn xoá cận bằng kỹ thuật cao nhất tại đây, anh Doanh cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được: “Gọi là phẫu thuật nhưng tôi không có cảm giác đau đớn gì, thời gian mổ rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút từ lúc lên bàn mổ, về nhà cũng có thể làm việc được ngay, chỉ cần tuân thủ tra thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ”.

Mổ cận bằng phương pháp trích xuất mô giác mạc không tạo vạt (Clear/Smile) mà anh Doanh lựa chọn là một trong 3 kỹ thuật mổ xoá cận đang được triển khai tại Bệnh viện Mắt Sông Cầu. Cũng là mổ xoá cận, bệnh nhân còn có thể lựa chọn 2 kỹ thuật khác gồm Tạo vạt bằng Laser Femtosecond (Femto Lasik) hoặc Laser không chạm (Smart Surf ACE) với các ưu điểm, giá thành khác nhau.

Để triển khai thành công các kỹ thuật mới, Bệnh viện xây dựng lộ trình phát triển nhân lực từ khi thành lập (2015). Ngoài hệ thống cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đơn vị chủ động cử bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu về việc vận hành máy móc, các kiến thức về kỹ thuật phẫu thuật, chăm sóc bệnh nhân trước/ trong và sau mổ. Ngoài kíp 2 bác sĩ được đào tạo tại Bệnh viện Mắt T.Ư, Đại học Y Hà Nội, nhân lực của bệnh viện được chuyên gia của hãng cung cấp máy phẫu thuật đào tạo trực tiếp trên máy; mời chuyên gia giàu kinh nghiệm của các bệnh viện chuyên khoa Mắt uy tín đồng hành.

Source: BBN