bn-current-user-online-portlet

Online : 5311
Total visited : 151071475

PrEP – “vắc xin” hiệu quả dự phòng trước phơi nhiễm HIV

14/12/2022 08:37 View Count: 1568

2022 được coi là năm dấu mốc của công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (viết tắt là PrEP) tại Bắc Ninh. Bởi mặc dù chương trình đã được triển khai từ năm 2019 với một bệnh nhân đầu tiên, nhưng 2 năm tiếp theo do dịch COVID-19 nên chương trình triển khai không đạt hiệu quả. Phải đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh ổn định, đồng thời các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh qua các kênh thông tin, nhất là các hội nhóm của người đồng tính, chương trình mới thực sự phát huy được hiệu quả. PrEP không phải vắc xin, nhưng được ví như “vắc xin” bởi hiệu quả dự phòng trước phơi nhiễm HIV lên đến 90%. Đây được coi là một trong những giải pháp tối ưu góp phần hạn chế HIV lây lan hiện nay, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Vinh – Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Bác sĩ Vinh hiện đang trực tiếp phụ trách công tác điều trị PrEP tại Trung tâm.

Ảnh bác sĩ Nguyễn Văn Vinh tư vấn dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Phóng viên: Xin chào bác sĩ! Đầu tiên xin bác sĩ cho biết điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hay còn được gọi tắt là PrEP có nghĩa là gì, tại sao lại coi PrEP như “vắc xin” cho người nhiễm HIV?

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh: Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc xin HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó là cách đơn giản làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên thế giới. Các nghiên cứu của WHO đã chứng minh sử dụng PrEP đúng cách làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến 97% qua đường tình dục và 75% đối với nhóm tiêm chích ma túy.

Trong 3 năm qua, theo các số liệu thống kê, hiện có hơn 52 nghìn người đã sử dụng dịch vụ PrEP ở 29 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có 80% là MSM, 76% trong độ tuổi dưới 35. Tỉ lệ duy trì không mắc bệnh khi điều trị PrEP đạt quanh mốc 70 – 73%, còn tỷ lệ bệnh nhân mắc HIV/AIDS trong khi điều trị PrEP là dưới 2%, chủ yếu là những bệnh nhân không tuân thủ nguyên tắc điều trị.

PrEP không phải là một vắc xin, mà là phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng việc uống 1 loại thuốc uống hoặc tiêm. Tuy nhiên, hiện nay thuốc tiêm chưa có ở Việt Nam. Do đó, việc điều trị PrEP tại Việt Nam hiện nay là sử dụng thuốc ARV có chứa Tenofovir/Emtricitabine (TDF/FTC) hàm lượng TDF/FTC 300/200mg: uống 1 viên/ngày. Thế giới vẫn chưa tìm ra được loại vắc xin nào có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Cụ thể hơn, PrEP sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Phóng viên: Hiệu quả của việc dùng PrEP đã được chứng minh thực tế. Vậy những nhóm đối tượng như thế nào được coi là nguy cơ để đưa vào sử dụng PrEP và có những tiêu chuẩn gì với họ hay không?

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh: Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao được khuyến cáo điều trị PrEP bao gồm những người quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc đường âm đạo mà không dùng bao cao su với 2 bạn tình trở lên; người quan hệ tình dục với một người nhưng người đó có 1 hoặc nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV; những người có bạn tình, vợ/chồng bị nhiễm HIV chưa được điều trị ARV hoặc đang điều trị ARV nhưng tải lượng virus HIV từ 200 bản sao/ml trở lên; những người đã từng mắc hoặc đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, những người đã có điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV song vẫn có những hành vi nguy cơ cao; những người sử dụng chung bơm kim tiêm; những người có nhu cầu được điều trị PrEP….

Tiêu chuẩn điều trị PrEP được áp dụng đối với những người có yếu tố nguy cơ, bắt buộc phải có xét nghiệm HIV âm tính, không có những hội chứng biểu hiện HIV cấp tính. Đối với nam quan hệ tình dục đồng giới qua đường hậu môn: Uống mỗi ngày 1 viên thì hiệu quả tối đa sau 7 ngày uống liên tục hoặc uống 2 viên trước khi quan hệ tình dục 2 – 24 giờ. Cần được tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng để bảo đảm hiệu quả cho lần phơi nhiễm HIV cuối cùng. Với quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc phòng lây nhiễm HIV qua đường máu: Cần uống ít nhất 21 viên (1 viên/1 ngày) mới có tác dụng phòng lây nhiễm HIV. Sử dụng PrEP tiếp tục đến hết 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng để bảo vệ cho lần phơi nhiễm HIV cuối cùng.

Phóng viên: Để điều trị PrEP thì người sử dụng cần tuân thủ những nguyên tắc điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh: PrEP được điều trị theo 2 phương thức: sử dụng hàng ngày và theo tình huống. PrEP hàng ngày được áp dụng đối với tất cả những đối tượng đủ tiêu chuẩn sử dụng. Theo đó, những người này mỗi ngày sử dụng 1 viên thuốc kháng ARV để dự phòng kháng lây nhiễm HIV. PrEP tình huống chỉ áp dụng cho những người có giới tính sinh ra là nam, quan hệ tình dục thấp, trung bình dưới 2 lần/tuần và phải đảm bảo uống thuốc từ 2 – 24h trước khi quan hệ tình dục. PrEP tình huống được điều trị theo phương thức 2 -1- 1, có nghĩa là trong vòng 24h hoặc ít nhất là 2h trước khi quan hệ tình dục, người điều trị uống 2 viên, 24h sau uống 1 viên tiếp theo và 24h sau nữa là uống thêm 1 viên nữa. Trước đây có chỉ định là không áp dụng PrEP cho những người bị nhiễm viêm gan B, tuy nhiên, gần đây, WHO có khuyến cáo là vẫn có thể dùng được PrEP cho đối tượng này.

Trước khi điều trị PrEP thì cần phải làm những xết nghiệm sau: xét nghiệm HIV bắt buộc và phải có kết quả âm tính, xét nghiệm chức năng thận, viêm gan B hay C và đặc biệt là sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, lậu… Những xét nghiệm này không ảnh hưởng tới việc điều trị PrEP, có thể điều trị PrEP trong 24h ngay khi khách hàng đến cơ sở y tế yêu cầu được điều trị PrEP.

Phóng viên: Khi điều trị PrEP, khách hàng sẽ dùng thuốc trong bao lâu và bác sĩ có thể cho biết trong thực tế điều trị, các tác dụng phụ mà khách hàng gặp phải khi điều trị PrEP là gì?

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh: Điều trị PrEP không phải điều trị suốt đời. Khi mà một người nào đó đang điều trị PrEP mà không còn hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV nữa thì họ có thể ngừng điều trị được. Ví dụ như họ có một bạn tình chung thuỷ, hoặc có bạn tình hoặc vợ/chồng bị nhiễm HIV nhưng có tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml thì cũng được coi là không có nguy cơ nhiễm HIV nữa. Hoặc bản thân những  người này không có quan hệ tình dục nữa thì có thể ngừng điều trị PrEP được. Tuy nhiên, có những trường hợp điều trị PrEP nhưng  lại mắc viêm gan B thì cần lưu ý bùng phát viêm gan B khi  dùng thuốc, những trường hợp này cần được nhân viên y tế tư vấn kỹ càng hơn.

Bản thân tôi đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bằng thuốc PrEP qua đường uống và nhận thấy rằng tác dụng phụ do thuốc gây ra là rất ít và không gặp nhiều. Một số người có thể bị buồn nôn, nôn hoặc khó chịu… tuy nhiên, các biểu hiện này thường biến mất sau khoảng 7 ngày. Có trường hợp bị tiêu chảy nhưng ở thể nhẹ. Một số nghiên cứu cho thấy với những người dùng PrEP trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến thận, tuy nhiên, tác dụng phụ này có tỉ lệ thấp, hiếm gặp. Dù vậy, cũng lưu ý đến vấn đề thận đối với các bệnh nhân điều trị PrEP, xét nghiệm chức năng thận trước khi tiến hành cho dùng thuốc và theo dõi cẩn thận, xét nghiệm thường xuyên trong quá trình điều trị thuốc để có những điều chỉnh điều trị và khuyến cáo kịp thời.

Hiện nay dịch vụ PrEP tại Bắc Ninh đang được hỗ trợ hoàn toàn bởi Quỹ Toàn cầu chống HIV/AIDS. Các khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP hiện nay là miễn phí gồm sử dụng thuốc ARV dự phòng và các xét nghiệm liên quan đến điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. 

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ về những thông tin hữu ích mà bác sĩ đã mang lại trong bài viết hôm nay.

Thanh Thương