bn-current-user-online-portlet

Online : 4113
Total visited : 150807201

Rút Bảo hiểm xã hội một lần lợi bất cập hại ra sao?

12/04/2023 09:58 View Count: 286

Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động hiện nay, tình trạng người lao động mất việc làm, nhận BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng. Đây là lựa chọn khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi vì người lao động rút BHXH một lần, đương nhiên họ sẽ ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. đồng nghĩa với người dân không còn được hưởng các chế độ chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước như lương hưu hay BHYT, chế độ tử tuất...

Khi rút BHXH một lần, người lao động có thể nhận được một số tiền lớn để sử dụng cho nhu cầu chi tiêu cấp thiết, giải quyết được khó khăn trước mắt mà không cần phải vay mượn và lo lắng. Tuy nhiên theo quan điểm của các nhà làm chính sách, rút BHXH một lần lợi thì ít mà thiệt hại thì lâu dài.

Thứ nhất, không được đảm bảo nguồn thu nhập hằng tháng khi về già, phải phụ thuộc vào con cháu, mất đi tự do, sự tự tin và sự an nhàn của cuộc sống nghỉ hưu.

Thứ hai, số tiền khi rút BHXH một lần thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH như tôi đã nêu trên. Theo quy định hiện nay tổng mức đóng bảo hiểm xã hội là 22% mức tiền lương tháng, trong đó người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Tổng mức đóng vaò quỹ BHXH bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia đóng BHXH, như vậy người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.

Thứ ba, không được cấp BHYT miễn phí, không được hưởng chế độ miễn 100% tiền khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến.

Thứ tư, khi tử vong thì gia đình không được nhận tiền trợ cấp mai táng và trợ cấp hằng tháng.

Cuối cùng, nếu chọn rút BHXH một lần mà sau này nếu đi làm lại và có đóng BHXH thì khoảng thời gian đóng trước đó không được tính do đã hưởng BHXH 1 lần rồi

Có thể nói, tiền của người lao động đóng góp được tích lũy và quản lý tập trung ở cấp quốc gia. Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là "của để dành" quý giá của người lao động. Nếu không nhận một lần thì người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may qua đời thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định bằng hoặc lớn hơn mức hưởng BHXH một lần. Theo tính toán, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần.

Khi người lao động rút BHXH một lần, đương nhiên họ sẽ ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Nhà nước không giữ được lưới an sinh cho toàn dân, đồng nghĩa với người dân không còn được hưởng các chế độ chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước như lương hưu hay BHYT, chế độ tử tuất. Quan trọng hơn là không thực hiện được quan điểm bao phủ BHXH toàn dân theo tinh thần NQ 28/TW của Trung ương.

Nguyên nhân của sự gia tăng số người rút BHXH một lần?

Có nhiều nguyên nhân, dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Người lao động thu nhập thấp hầu như không có tích lũy nên khi mất việc làm, họ phải đối mặt với vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, đa phần người hưởng BHXH một lần là người trẻ, quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già, vì vậy khi chấm dứt hợp đồng lao động đủ 1 năm người lao động đề nghị giải quyết chế độ BHXH một lần. Với quy định thời gian tham gia tối thiểu phải đủ 20 năm đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí dẫn đến đa số người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 10 năm khó chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, những trường hợp từ 45-50 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH khó có cơ hội hưởng lương hưu. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần. Có thể thấy, tình trạng hưởng BHXH một lần của người lao động đã, đang và có thể sẽ tiếp tục gia tăng, điều này dẫn đến việc người lao động khi hết tuổi lao động sẽ không có hoặc giảm sút lương hưu. Việc hưởng BHXH một lần gia tăng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân, không để ai ở lại phía sau.

Hạn chế rút BHXH một lần

Để hạn chế việc người lao động rút BHXH môt lần, Nhà nước cần phải nỗ lực hơn để người lao động hiểu ý nghĩa, giá trị của BHXH và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho họ để giữ được lưới an sinh. Nếu không, cả xã hội sẽ phải cùng nhau trả giá như bài học từ Quyết định 176-HĐBT về thôi việc một lần.

Thực tế, rút một phần quỹ BHXH một lần, có thể vẫn không đủ nguồn lực để trang trải cuộc sống và tạo mở việc làm của gia đình người lao động. Do đó, rất cần những gói vay ưu đãi để hỗ trợ thêm cho họ. Đồng thời, cần có chính sách tạo “sinh kế” giải quyết việc làm bền vững, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sán xuất, chuyển đổi ngành. Hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người lao động qua quỹ BHTN theo quy định của Luật Việc làm.

Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, thông qua vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, tìm kiếm thị trường cho các hợp tác xã, hộ gia đình trung lưu để thu hút người lao động làm việc, tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, và trở lại tham gia hệ thống BHXH.

Đảm bảo lợi ích người lao động.

Về Quan điểm, mục tiêu khi sửa đổi Luật BHXH, là để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp.

Thể chế quan điểm mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết 28/TW về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH bắt buộc toàn dân.

Quan điểm của Đảng theo tinh thần NQ 28/TW là phải bảo đảm cân bằng lợi ích của người dân và Nhà nước với vai trò Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện và có giải pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ; phấn đấu đến năm 2030, 60% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và đến năm 2045 toàn bộ người sau độ tuổi lao động được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp hưu trí xã hội.

Nguyễn Yến