bn-current-user-online-portlet

Online : 2637
Total visited : 150730241

Sở Y tế làm việc với UBND huyện Yên Phong về công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập

10/08/2023 16:44 View Count: 424

Chiều 9/8, Sở Y tế có buổi giám sát công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn đối với UBND huyện Yên Phong nhằm hướng dẫn thực hiện hoạt động quản lý hành nghề y dược tư nhân, kịp thời phát hiện và xử lí sai phạm của các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn.

Yên Phong hiện có 313 cơ sở hành nghề y, dược, thẩm mỹ, trong đó có 48 cơ sở khám chữa bệnh, 224 cơ sở dược và 41 cơ sở thẩm mỹ đang hoạt động. Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện và cơ quan chuyên môn đã ban hành 277 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân. Đặc biệt, UBND huyện Yên Phong đã triển khai phân cấp quản lý cho Phòng Y tế và Trạm y tế để quản lý các cơ sở y, dược tư nhân theo quy mô và mức, giao nhiệm vụ thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn cũng như thanh, kiểm tra cho từng tuyến để đảm bảo hoạt động được hiệu quả, tránh chồng chéo.

Hàng quý, Phòng Y tế tổ chức giao ban, tập huấn, hướng dẫn các cán bộ chuyên trách của tuyến xã, thị trấn trong công tác quản lý, giám sát các cơ sở hành nghề về: Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); Công tác rà soát, nắm bắt và quản lý các cơ sở hành nghề đang hoạt động, ngừng hoạt động và mới mở; Thiết lập hồ sơ, sổ sách, mẫu biểu quản lý, kiểm tra; Công tác tuyên truyển, phổ biến kiến thức, văn bản QPPL đến các cơ sở hành nghề; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các cơ sở vi phạm… Phòng Y tế huyện cũng thiết lập hệ thống liên lạc với tất cả các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập qua Zalo, tất cả các văn bản ngoài việc gửi qua thư điện tử còn được gửi đến qua Zalo để các cơ sở nắm bắt nhanh chóng, thuận tiện.

Tại tuyến xã, 100% các xã, thị trấn đã tổ chức phát thanh tuyên truyền các quy định về công tác hành nghề, các thông báo đình chỉ thuốc, mỹ phẩm, tình hình hoạt động của các cơ sở hành nghề. Yêu cầu mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất 1 bài phát thanh/tháng về nội dung này.

Cũng nhờ phân cấp quản lý rõ ràng, mà từ năm 2022 đến nay, gần như 100% các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn huyện đều được thanh tra, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hoạt động. Tuyến huyện đã kiểm tra được 66 cơ sở, tiến hành xử phạt 14 cơ sở với tổng số tiền phạt là 33.000.000 đồng; tuyến xã, thị trấn kiểm tra được 254 cơ sở, trong đó nhắc nhở 22 cơ sở, yêu cầu khắc phục có thời hạn với 74 cơ sở, đình chỉ hoạt động với 26 cơ sở không phép và xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền 50.000.000 đồng.

Nhờ quản lý chặt chẽ, đồng bộ từ tuyến huyện đến tuyến xã mà đến nay, số lượng các cơ sở hành nghề có phép tăng lên đáng kể và hoạt động đúng theo phạm vi chuyên môn được cấp phép; số cơ sở không phép còn rất ít (100% cơ sở khám chữa bệnh hoạt động có phép, chỉ có 1/224 cơ sở kinh doanh dược hoạt động không phép), đã có 218/224 cơ sở kinh doanh dược kết nối liên thông dữ liệu trên trang thuốc duocquocgia.com.vn. Các cơ sở không phép sau khi được kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền đã có ý thức thực hiện các quy định về pháp luật hành nghề và thực hiện hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý để được cấp phép hoạt động hành nghề. Từ đó, vai trò quản lý nhà nước từ cấp huyện đến cấp xã đã được phát huy, hoạt động quản lý hành nghề đã dần từng bước đi vào nề nếp.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, Trưởng Phòng Y tế huyện Yên Phong Nguyễn Tiến Đạt cho biết, thực tế vai trò quản lý Nhà nước của các xã, thị trấn chưa thật sự hiệu quả, trách nhiệm chưa cao. Mặc dù UBND huyện, Phòng Y tế ban hành văn bản gửi UBND các xã thị trấn đề nghị tăng cường công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại một số địa phương vẫn chưa triển khai, chưa thật sự tích cực trong quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn quản lý. Mặt khác, một số Trạm Y tế vẫn chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu; chưa sát sao nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn. Năm 2022, UBND huyện đã ra văn bản phê bình Chủ tịch UBND một số xã, thị trấn về công tác quản lý hành nghề.

Một trong những khó khăn chính nữa là vấn đề nhân lực. Hiện Phòng Y tế huyện chỉ có 02 cán bộ, mỗi Trạm Y tế cũng cử 01 cán bộ làm công tác quản lý hành nghề, nhưng lại kiêm thêm nhiều chương trình y tế khác và thường xuyên thay đổi. Để có thể quản lý được hơn 300 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân là vô cùng vất vả. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, thậm chí có một bộ phận xem nhẹ, khiến công tác quản lý trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập, trở thành “bài toán” nan giải đối với ngành y tế.

Trong công tác kiểm tra, hậu kiểm và xử lý, mặc dù đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, tổ kiểm tra chuyên ngành thực hiện kiểm tra cơ sở hành nghề theo kế hoạch và đột xuất, tuy nhiên việc kiểm tra chưa thường xuyên, số cơ sở được kiểm tra chưa đạt kế hoạch đề ra. Sau kiểm tra, Đoàn liên ngành huyện, các xã, thị trấn chưa thường xuyên giám sát, hậu kiểm đối với các cơ sở cần khắc phục tồn tại, nhất là với các cơ sở không đủ điều kiện hành nghề đã được yêu cầu dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định. Việc xử lý, xử phạt đối với cơ sở không có giấy phép hoạt động gặp nhiều khó khăn, phần lớn các cơ sở không phép thuê kiot để hành nghề, sau kiểm tra chủ cơ sở đóng cửa, dọn đồ bỏ trốn đi nới khác – ông Đạt cho biết thêm.

Mặt khác, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: một số cơ sở hoạt động không có giấy phép hành nghề; một số cá nhân đứng đầu các cơ sở y tế ngoài công lập đồng thời cũng là cán bộ tại các cơ sở y tế công lập chưa làm tròn trách nhiệm của mình khi tiến hành khám, chữa bệnh tại phòng khám và nhà riêng trong giờ hành chính; còn tình trạng y bác sỹ, dược sỹ tại các cơ sở y tế tư nhân hành nghề không đúng chuyên môn, chưa đặt sức khỏe người bệnh lên hàng đầu, chạy theo lợi nhuận… Một số cơ sở còn nghèo nàn về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị, chất lượng các dịch vụ chưa cao… Thực trạng trên gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân và gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Những vi phạm của các cơ sở hành nghề ngoài công lập địa bàn huyện là tình trạng hoạt động không công khai tên người hành nghề, thời gian làm việc; chưa niêm yết giá dịch vụ hoặc niêm yết không đầy đủ; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn. Một số cơ sở hành nghề không báo cáo hoạt động theo quy định. Người hành nghề thực hiện việc cập nhật kiến thức chuyên môn chưa thường xuyên theo quy định, nhất là người hành nghề khám, chữa bệnh.

Đồng chí Đào Khắc Hùng – Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Đoàn Giám sát đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn huyện Yên Phong. Đồng chí ghi nhận Yên Phong là một trong những địa phương thực hiện công tác này tốt nhất trong toàn tỉnh bởi có sự vào cuộc hết sức quyết liệt, sát sao từ lãnh đạo huyện đến các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn. Song, để hoạt động quản lý các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở dược, cơ sở thẩm mỹ của Quế Võ đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Đoàn giám sát của Sở Y tế đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện rà soát toàn bộ các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành, chuyên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất, đặc biệt tập trung vào các cơ sở hành nghề đã được cấp phép nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm hoặc cơ sở hành nghề y, dược, cơ sở thẩm mỹ không phép. Các đoàn kiểm tra cần có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý triệt để đối với các cơ sở hoạt động không phép, chưa đủ điều kiện trên địa bàn; hành nghề không đúng phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề; vi phạm về quảng cáo; vi phạm về kê đơn thuốc...theo quy định. Báo cáo kịp thời về Sở Y tế khi phát hiện sai phạm trong công tác hành nghề của các cơ sở trên địa bàn vượt quá thẩm quyền xử lý. Ngoài ra, cần phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra, hậu kiểm sau khi cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền, cơ sở dịch vụ y tế, cơ sở thẩm mỹ...

Đoàn giám sát cũng đề nghị các cấp chính quyền chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hành nghề y, dược tư nhân; quy định trách nhiệm cụ thể cho UBND xã, phường trong việc quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn xã, phường, đặc biệt các cơ sở hoạt động không phép.

Trong công tác thông tin, truyền thông, tiếp tục tuyên truyền, giám sát, kiểm tra và đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn huyện hoàn thiện việc đăng ký mã định danh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên Hệ thống đơn thuốc quốc gia. Địa phương cần công khai danh sách các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, cơ sở thẩm mỹ đã được cấp phép, đặc biệt là thông báo rộng rãi các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật trên trang thông tin điện tử, hệ thống đài truyền thanh và các hình thức truyền thông khác để người dân biết và giám sát hoạt động.

Nguyễn Lương