bn-current-user-online-portlet

Online : 3988
Total visited : 151072924

Sử dụng thuốc kháng sinh Zinnat giả có hệ lụy gì cho sức khỏe?

13/04/2018 07:36 View Count: 165

Việc sử dụng thuốc Zinnat không có cefuroxime acetyl sẽ dẫn đến kết quả là thuốc không có tác dụng điều trị các bệnh như chỉ định của thuốc...

Liên quan đến thông tin Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở y tế các địa phương đề nghị nghiêm cấm sử dụng thuốc giải Zinnat 500mg Film Tablet trên thị trường, ông Đỗ Văn Đông- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết thuốc giả mang tên Zinnat 500 mg Film Tablet, trên nhãn in “Sefuroksim aksetil 20 film tablet”, số GP: 14209/QLD-KD ngày 30/8/2013, Parti no: C763039, Son kul. Ta: 01-2019 không có phản ứng định tính của Cefuroxime acetyl.

Mẫu thuốc được Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội lấy tại Nhà thuốc An Huy số 8 (địa chỉ 53 Phan Bội Châu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lấy với số lượng 06 vỉ (60 viên) chia làm 02 mẫu.

Ông Đỗ Văn Đông- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược

Ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra nhà thuốc An Huy, tại thời điểm kiểm tra cơ sở không còn tồn thuốc giả mang tên Zinnat 500 mg Film Tablet nêu trên.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo số 28/TTr-TTD báo cáo Giám đốc Công an Tp. Hà Nội về việc hỗ trợ xác minh nguồn cung cấp thuốc giả Zinnat 500mg, có tại nhà thuốc An Huy 8 tại địa chỉ trên.

Hiện nay, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ. Trước câu hỏi sử dụng thuốc Zinnat giả có hại cho sức khỏe người sử dụng hay không? Ông Đỗ Văn Đông cho biết thuốc Zinnat có hoạt chất là Cefuroxime acetyl, là kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp thế hệ 2.

Thuốc này được chỉ định điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn thể nhẹ đến vừa do vi khuẩn nhạy cảm bao gồm: nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm tai giữa, viêm xoang tái phát, viêm amidan, viêm họng, đợt cấp của viêm phế quản mạn, viêm phế quản cấp có bội nhiễm và viêm phổi mắc phải tại cộng đồng); điều trị bệnh Lyme thời kỳ đầu; bệnh lậu không biến chứng (Theo Dược thư Quốc gia Việt Nam - xuất bản 2015).

Theo công văn số 168/YTDP-KNDPMP đề ngày 15/01/2018 của Trung tâm y tế dự phòng Hà nội kèm theo Phiếu kiểm nghiệm thông báo thuốc mang tên Zinnat 500mg Film Tablet, trên nhãn in "Sefuroksim aksetil 20 film tablet", số GP: 14209/QLD-KD ngày 30/8/2013, Parti no: C763039, Son kul.Ta: 01-2019 không có phản ứng định tính của Cefuroxime acetyl.

"Như vậy, việc sử dụng thuốc Zinnat không có cefuroxime acetyl nêu trên sẽ dẫn đến kết quả là thuốc không có tác dụng điều trị các bệnh như chỉ định của thuốc, đồng thời nguy hại hơn là việc sử dụng sản phẩm nêu trên làm cho bệnh nhân mất cơ hội điều trị bệnh, chưa kể có thể còn có các chất có hại trong sản phẩm không được kiểm soát cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng"- ông Đỗ Văn Đông cho biết.

Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, trong công văn gửi Sở Y tế các địa phương, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc giả mang tên Zinnat 500mg Film Tablet, trên nhãn in “Sefuroksim aksetil 20 film table”; số GP:14209/QLD-KD ngày 30/3/2013; Parti no C763039. Sol kul. Ta 01-2019; trên nhãn phụ ghi mạo danh: nhà sản xuất Công ty Glaxo Opertione UK Ltđ-Anh, doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty cổ phần Armephaco (địa chỉ 118 Vũ Xuân Thiều, Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội).

Đồng thời, ngành y tế các địa phương cần tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông tin đến các cơ sở buôn bán, sử dụng và người dân biết để không buôn bán, sử dụng thuốc Zinnat 500mg Film Tablet giả có các dấu hiệu nêu trên.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của thuốc giả nêu trên; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo qui định hiện hành; đồng thời thông báo về Cục và các cơ quan liên quan…

 

Ông Đỗ Văn Đông cho biết, trường hợp tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì được quy định, hướng dẫn tại Điều 194 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Cũng theo ông Đông, trường hợp tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt theo Điều 11, 12, 13, 14 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tùy theo trị giá của lô hàng giả, hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 120 triệu đồng; hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật tiêu hủy hàng giả; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động đến 24 tháng.
Nguyễn Oanh (st)
Source: SKĐS