bn-current-user-online-portlet

Online : 3473
Total visited : 151075180

Tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng

23/06/2023 14:40 View Count: 168

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng nhẹ. Trong tháng 5 ghi nhận 31 ca, 3 tuần đầu tháng 6 ghi nhận 38 ca, trong đó 25 ca có phân độ lâm sàng độ 2a trở lên, không có trường hợp tử vong. Để hạn chế mức thấp nhất số ca chuyển nặng, tử vong do bệnh tay chân miệng, Sở Y tế vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng.

Các đơn vị cần tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh. Cần đặc biệt quan tâm trong cả các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết. Phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường; Thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn tại Cẩm nang chẩn đoán và xử trí Tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng bọngnước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, bệnh có khả năng tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí chỉ trong nửa ngày đã có thể chuyển độ. Ở nhiều trường hợp nặng, trẻ có thể gặp chuyển độ nhanh đột ngột, có khi bỏ qua độ 2 và vào độ 3 dẫn đến nguy cơ suy hô hấp. Chính vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi trẻ mắc phải căn bệnh này.

Source: CDC