bn-current-user-online-portlet

Online : 4108
Total visited : 150779376

Tăng cường công tác phòng chống bệnh Tay – Chân – Miệng và bệnh Đau mắt đỏ tại cơ sở giáo dục

19/09/2023 14:21 View Count: 323

Trước diễn biến phức tạp của dịch Tay – Chân – Miệng và bệnh Đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở đối tượng trẻ nhỏ; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vừa có văn bản gửi Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh Tay – Chân – Miệng và bệnh Đau mắt đỏ tại cơ sở giáo dục.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các đơn vị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh Tay - Chân - Miệng, Đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. Khi phát hiện các ca nghi ngờ cần khẩn trương giám sát, điều tra, thực hiện các biện pháp cách ly, khoanh vùng, xử lý theo đúng quy định không để dịch lây lan rộng trong trường học.

Các đơn vị cần tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường truyền thông trong nhà trường, hướng dẫn cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên nhà trường cách nhận biết và phòng chống bệnh Tay - Chân - Miệng và Đau mắt đỏ (nguyên nhân, triệu chứng, các biện pháp phòng chống. Khi phát hiện các ca mắc, nghi mắc bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ...cần báo ngay cho Trạm y tế để được điều tra, giám sát và triển khai sớm các biện pháp phòng chống; Hướng dẫn thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…).

Theo đó, đề nghị Sở giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo vệ sinh trường học và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Đặc biệt, tại các trường mầm non, tiểu học; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất (Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm Y tế trên địa bàn) khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý dịch bệnh sớm. 

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt việc phân luồng điều trị người bệnh đau mắt đỏ tại phòng khám và các khoa lâm sàng, nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo tại đơn vị và lây ra cộng đồng; đảm bảo các điều kiện vệ sinh cá nhân cho người bệnh, thân nhân như: nước sạch, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh; hướng dẫn người bệnh đau mắt đỏ thường xuyên vệ sinh tay và hạn chế tiếp xúc với người không bị bệnh, gia đình và cộng đồng; bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh.

Yêu cầu các đơn vị rà soát, bổ sung đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hoá chất sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bệnh và thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, bệnh dịch truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế và các báo cáo khác theo quy định.

Thanh Xuân