bn-current-user-online-portlet

Online : 3892
Total visited : 151114379

Tăng cường nhân lực công tác xã hội ngành y tế

20/05/2022 09:49 View Count: 959

Công tác xã hội (CTXH) đang là một trong những hoạt động được ngành y tế đang chú trọng đẩy mạnh và phát triển. Tuy nhiên, lực lượng nhân lực làm công tác này của ngành y tế vẫn còn rất hạn chế. Việc bổ sung nhân lực thông qua hình thức tuyển dụng mới và nhân lực sẵn có qua đào tạo, bồi dưỡng đang được ngành tích cực thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, toàn ngành y tế chỉ có 151 cán bộ làm nhiệm vụ công tác xã hội, trên tổng số hơn 4000 cán bộ của ngành. Đáng chú ý, trong số 151 cán bộ đó, chỉ có 11 cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành CTXH tại các cơ sở giáo dục đại học.

Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phát triển CTXH trong ngành y tế giai đoạn 2022 - 2030, trong đó có lộ trình cụ thể đến năm 2027, tất cả các đơn vị trong ngành đều thành lập Phòng CTXH và hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định của Bộ Y tế. Mỗi phòng CTXH phải bố trí tối thiểu 07 viên chức, ngoài ra có thể có lao động hợp đồng. Ngoài ra, mỗi khoa, phòng, trạm y tế cấp xã trực thuộc đơn vị cũng yêu cầu có 1 viên chức, lao động tham gia làm công tác xã hội, thực hiện cung cấp thông tin, phối hợp với Phòng/Tổ công tác xã hội triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội trong đơn vị. Do vậy, ngay từ cuối năm 2021 khi xây dựng nhu cầu tuyển dụng, các đơn vị trong ngành đã trọng tâm đăng kí tuyển dụng chỉ tiêu nhân sự được đào tạo về chuyên ngành CTXH. Riêng đầu năm 2022, ngành đã có thêm 05 cán bộ CTXH được tuyển dụng mới về các đơn vị Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Trung tâm y tế huyện Thuận Thành, Trung tâm y tế huyện Quế Võ… Tính đến nay, toàn ngành có 163 nhân viên CTXH, trong đó có 14 nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng về CTXH làm việc tại 2 phòng và 14 tổ CTXH của các đơn vị trong ngành y tế.

Xác định công tác này cần cả giải pháp về trước mắt và cả giải pháp về lâu dài, vì vậy Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động cử cán bộ đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại các bệnh viện tuyến trung ương, các trường đại học về CTXH. Song song với đó, ngay tại tỉnh, chỉ đạo các đơn vị bệnh viện chuyên khoa, đơn vị tuyến huyện tham gia học hỏi kinh nghiệm triển khai hoạt động CTXH tại các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt công tác này. Lãnh đạo Sở Y tế cũng giao bệnh viện Sản Nhi và bệnh viện đa khoa tỉnh là 2 đơn vị đi đầu trong hoạt động CTXH của tỉnh, chủ động triển khai các lớp tập huấn, đào tạo về CTXH cho cán bộ y tế trong ngành để đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này cho ngành.

Giải pháp quan trọng và thiết thực nhất trong vấn đề nhân lực thực hiện CTXH hiện nay là song hành với việc triển khai dần các hoạt động CTXH tại bệnh viện, các đơn vị chủ động xây dựng mạng lưới nhân lực CTXH tại các khoa, phòng và các trạm y tế trực thuộc trên địa bàn. Từ hệ thống nhân lực bao phủ, triển khai tập hợp và quán triệt, tự đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm CTXH về các hoạt động trọng tâm sẽ được triển khai tại đơn vị để vừa nắm bắt, vừa học, vừa làm. Ngành y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành xây dựng kế hoạch CTXH của đơn vị, lộ trình đến khi thành lập được phòng CTXH và lộ trình triển khai hoạt động của từng năm. Từ kế hoạch đó sẽ làm căn cứ để tổ chức thực hiện và bố trí nhân lực phù hợp cho từng nhiệm vụ, đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động CTXH nhằm  tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế./.

Nguyễn Oanh