bn-current-user-online-portlet

Online : 4340
Total visited : 150772568

Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở y tế trong công tác điều trị bệnh Lao

29/04/2022 10:59 View Count: 1706

Dự kiến từ ngày 1/7/2022 , thuốc điều trị bệnh lao không còn được nhà nước tài trợ miễn phí nữa mà sẽ được thực hiện từ nguồn bảo hiểm y tế. Bệnh nhân điều trị thuốc lao các thể sẽ phải tự chi trả, riêng lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn vẫn được nhà nước hỗ trợ chi phí thuốc miễn phí. Cùng với đó, với quy định hiện hành, bệnh nhân lao kháng thuốc có thể được chuyển vượt tuyến từ tuyến huyện lên trung ương và ngược lại; bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn có thể vượt tuyến từ trạm y tế xã lên tuyến tỉnh và ngược lại để giảm lây lan và giảm các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh lao. Vì vậy, các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, từ công lập đến tư nhân cần vào cuộc và phối hợp chặt chẽ để công tác phát hiện, điều trị bệnh lao được hiệu quả.

Bệnh viện Phổi Bắc Ninh sẽ là cơ quan đầu mối để rà soát, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động phòng chống lao năm 2022, trong đó các hoạt động khám sàng lọc phát hiện lao mới tại cộng đồng sẽ lồng ghép với khám sức khỏe người cao tuổi; khám, phát các bệnh không lây nhiễm như COPD, hen, Đái tháo đường, tăng huyết áp,…tại cộng đồng, nhằm giảm nguồn lực khi triển khai. Tuy nhiên, việc khám sàng lọc chủ động lao thông qua hoạt động khám tại cộng đồng tỉ lệ phát hiện thường không cao, lại tốn kém và khó tổ chức được diện rộng. Trong khi phát hiện lao thụ động thông qua việc người dân trực tiếp đến viện khám khi có triệu chứng lại rất hiệu quả, tỉ lệ phát hiện tương đối nhiều. Nhưng để có thể đẩy mạnh phát hiện lao thụ động, vấn đề nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao, sự nguy hiểm, cách lây truyền, điều trị và đặc biệt là cách chủ động phòng tránh lây lan bệnh là hết sức cần thiết. Vì vậy, ngành sẽ trọng tâm vào công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, phong phú về thể loại, đặc biệt là các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội giúp người dân chủ động đi khám nếu có yếu tố nghi ngờ.

Bệnh nhân lao sẽ không được miễn phí thuốc lao mà thực hiện chi trả thông qua nguồn bảo hiểm y tế

Theo quy định tại Thông tư 36/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế về việc quy định khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao; hiện các đơn vị y tế từ tuyến xã, tuyến huyện và tuyến tỉnh đều sẽ thực hiện dự trù, mua và sử dụng thuốc lao từ quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tất cả các đơn vị y tế đều phải nắm được quy định, căn cứ vào số lượng bệnh nhân lao trên địa bàn từ năm trước và số lượng thuốc chống lao còn tồn kho và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động dự trù số lượng thuốc điều trị lao của đơn vị. Các cơ sở khám chữa bệnh sẽ xây dựng kế hoạch nhu cầu thuốc chi tiết gửi đơn vị đầu mối cấp tỉnh là bệnh viện Phổi. Bệnh viện Phổi tiếp tục hướng dẫn các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện và làm đầu mối tổng hợp dự trù mua thuốc chống lao sử dụng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn kinh phí khác của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, từ đó báo cáo đơn vị đầu mối cấp Quốc gia mua và cung ứng theo quy định. Đảm bảo đủ thuốc điều trị nội trú và ngoại trú cho người mắc bệnh lao tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 01/7/2022.

Các đơn vị có thể gửi mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm lao bằng phương pháp Gene Xpert tại bệnh viện Phổi

Để đảm bảo các đơn vị đều triển khai hiệu quả công tác khám, điều trị bệnh lao và thanh quyết toán bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân lao theo quy định của Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi là đầu mối tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ cho các cán bộ y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. Các đơn vị trong ngành, Bệnh viện Quân Y 110 và các bệnh viện đa khoa tư nhân phải cử đủ cán bộ đi tập huấn, đào tạo để cấp giấy chứng nhận khám, chẩn đoán, điều trị lao, đáp ứng việc khám chữa bệnh và thanh quyết toán điều trị đối với bệnh nhân lao theo quy định.

Như vậy, từ năm 2022, các đơn vị khám chữa bệnh nếu có nhân lực đủ điều kiện sẽ được giữ bệnh nhân lại điều trị và thực hiện chuyển vượt tuyến nếu cần thiết. Các TTYT tuyến huyện thực hiện tổ chức tiếp nhận các trường hợp mắc lao các thể đã được các bệnh viện tuyến Trung ương hoặc Bệnh viện Phổi chẩn đoán và điều trị ổn định chuyển về điều trị ngoại trú. Thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, quản lý, theo dõi và cấp phát thuốc ngoại trú các trường hợp mắc lao các thể, lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc… theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Riêng với công tác xét nghiệm lao, hiện toàn tỉnh có Bệnh viện Phổi đang triển khai cơ bản đồng bộ các kĩ thuật xét nghiệm như Gene X-pert, M-Git. Đáng chú ý, kĩ thuật xét nghiệm Gene Xpert đang được triển khai tại bệnh viện Phổi có những ưu điểm vượt trội là cho kết quả chính xác lên đến hơn 90%, thời gian trả xét nghiệm chỉ sau 2 giờ đồng hồ, xét nghiệm hoàn toàn được miễn phí, cán bộ của các đơn vị khi vận chuyển mẫu bệnh phẩm được chi trả công vận chuyển…là những điều kiện hết sức thuận lợi để các đơn vị chủ động lấy mẫu xét nghiệm phát hiện lao cho người bệnh đến khám. Vì vậy, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị khám chữa bệnh kể cả công lập và tư nhân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tư vấn, khám và chủ động lấy mẫu bệnh phẩm nghi ngờ chuyển đến bệnh viện Phổi xét nghiệm tìm vi khuẩn lao, giúp công tác phát hiện bệnh nhân lao đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Với vai trò là cơ quan đầu mối hoạt động phòng chống lao trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Phổi cũng tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc triển khai thực hiện các các hoạt động phòng, chống lao tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, chủ động phối hợp và hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới trong quá trình triển khai hoạt động phòng, chống lao tại tuyến y tế cơ sở để chương trình đạt hiệu quả cao hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rất phức tạp; tỉ lệ lao kháng thuốc, thậm chí là lao siêu kháng thuốc và lao tiềm ẩn không triệu chứng vẫn là mối lo ngại lớn trong công cuộc phòng, chống lao. Năm 2022, hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao có rất nhiều điểm mới, với trọng tâm xuyên suốt là “tập trung nguồn lực, chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người”. Vì vậy, việc đầu tư, kêu gọi mọi nguồn lực cũng như huy động sự tham gia của tất cả các đơn vị, cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương, từ công lập đến tư nhân trong cuộc chiến chống bệnh lao là hết sức cần thiết.

Nguyễn Lương