bn-current-user-online-portlet

Online : 4422
Total visited : 150718054

Tập huấn phối hợp liên ngành Y tế - Thú y tăng cường năng lực hệ thống Phòng chống bệnh Dại

15/10/2024 16:26 View Count: 84

Ngày 15/10, Sở Y tế phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức lớp tập huấn phối hợp liên ngành Y tế - Thú ý tăng cường năng lực hệ thống phòng chống bệnh Dại. Tham dự hội nghị có Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng Văn phòng chương trình phòng chống bệnh Dại trên người, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; đồng chí Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Sở Y tế, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, các đơn vị y tế công lập và một số phòng tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh. 

PGĐ Sở Y tế Nguyễn Bá Quý nhấn mạnh những kiến thức tại lớp tập huấn, đặc biệt là cách thức phối hợp giữa các đơn vị liên quan sẽ hướng tới tạo ra mạng lưới phòng chống bệnh Dại hiệu quả

Tại lớp tập huấn, các học viên được nghe các báo cáo về thực trạng bệnh Dại trên cả nước nói chung và tại Bắc Ninh nói riêng; hướng dẫn chẩn đoán lâm sàng bệnh Dại trên động vật và bệnh Dại trên người; giám sát, kiểm soát bệnh Dại trên người; điều trị dự phòng bệnh Dại; cách lấy mẫu xét nghiệm, an toàn sinh hoạt khi lấy mẫu sàng lọc, vận chuyển, bảo quản bệnh phẩm bệnh Dại trên động vật; truyền thông nguy cơ trước, trong và sau dịch Dại, truyền thông trong trường học; thực hành cơ chế phối hợp liên ngành Y tế - Thú y trong lấy mẫu giám sát, cơ chế vận chuyển mẫu bệnh phẩm ở người và động vật… Đặc biệt, lớp tập huấn còn giới thiệu tổng quan về giám sát IBCM (hệ thống giám sát bệnh dại dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện nhanh động vật nghi dại và cách ly khỏi cộng đồng) để các học viên có thể nghiên cứu, sử dụng và lan tỏa ứng dụng này giúp phòng chống bệnh Dại tại đơn vị và khu vực công tác.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng Chương trình phòng chống bệnh Dại trên người khẳng định bệnh Dại hoàn toàn có thể khống chế được thông qua 2 nội dung chính là: Tiêm phòng 70% đàn chó nuôi và Điều trị dự phòng cho người bị cắn

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm B, lây truyền từ động vật sang người qua vết cào, cắn, liếm. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao lên đến 100% với cả động vật và người khi mắc. Bệnh Dại lưu hành ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đặc biệt ghi nhận nhiều ở các tỉnh miền Núi và khu vực Tây Nguyên thông qua nguồn lây bệnh chủ yếu là chó, mèo nuôi. Bệnh Dại xảy ra quanh năm, tăng cao vào các tháng nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Bệnh có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng Dại. Bệnh Dại được coi là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất dù đã có vắc xin cho cả người và động vật. Những thiệt hại về kinh tế mà bệnh Dại gây ra, chưa kể đến gánh nặng về chi phí vết thương, bệnh Dại đã tiêu tốn 800 – 1000 tỷ/năm chỉ riêng cho vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người. Trong những năm gần đây, bệnh Dại có xu hướng gia tăng cả ở số ca mắc và số người tử vong. Năm 2024, tình hình bệnh Dại tiếp tục gia tăng đột biến, đến nay cả nước đã có 57 ca tử vong do Dại tại 29 tỉnh/thành phố (tăng 42% so với năm 2023). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 05 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương. Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do Dại trên người là do người bị chó, mèo Dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng Dại, không tiêm vắc xin phòng Dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định... Công tác quản lí đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỉ tiêm vắc xin phòng Dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt gần 10%.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo về công tác phòng chống bệnh Dại tại tỉnh Bắc Ninh

Tại Bắc Ninh, công tác phòng chống bệnh Dại tại tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ nhận thức của người dân đã được nâng cao, các cơ sở tiêm chủng vắc xin cho người và vật nuôi đều được gia tăng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu. Toàn tỉnh có hơn 60 điểm tiêm vắc xin phòng dại công lập và dịch vụ tư nhân. Bắc Ninh cùng với các tỉnh miền Bắc, cũng có số trường hợp bị động vật cắn tăng cao từ 2023 đến nay. Số người đi tiêm vắc xin phòng Dại năm 2023 là 7021 và riêng 9 tháng đầu năm 2024 cũng đã có 6294 người. Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú ý và Thuỷ sản tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Song song với đó, công tác truyền thông cũng được các cơ quan của tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh Dại. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh Dại vào năm 2008 và năm 2022, cả 2 trường hợp đều liên quan đến nguồn lây là chó mua ở chợ về nuôi.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh báo cáo về hoạt động phòng chống bệnh Dại trên đàn vật nuôi tại Bắc Ninh

Khẳng định tại hội nghị, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng Văn phòng Chương trình phòng chống bệnh Dại trên người, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, bệnh Dại hoàn toàn có thể khống chế được thông qua 2 nội dung chính mà hai ngành Y tế và Thú y phụ trách là: Tiêm phòng 70% đàn chó nuôi và Điều trị dự phòng cho người bị cắn. Ngoài ra, để công tác phòng chống bệnh Dại đạt hiệu quả, bên cạnh các bệnh viện, cơ sở y tế công lập thì các phòng tiêm dịch vụ cũng cần tích cực phối hợp, tham gia trong vấn đề báo cáo những trường hợp đến tiêm phòng bệnh Dại cho các cơ quan chuyên môn để phát hiện sớm vật nuôi nghi Dại và khuyến cáo các trường hợp bị động vật này cắn nhanh chóng đi tiêm phòng. Đặc biệt, trong công tác truyền thông, bên cạnh tuyên truyền đại chúng trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan chuyên môn cũng cần trọng tâm phối hợp với ngành Giáo dục – Đào tạo tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm và cách phòng bệnh Dại trong nhà trường. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và đặc biệt là học sinh trong việc chủ động phòng, chống bệnh Dại.

Bác sĩ Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, mục tiêu của hội nghị tập huấn là tăng cường năng lực hệ thống phòng chống bệnh Dại cho ngành Y tế và ngành Thú y. Đây là một sự kiện quan trọng, thể hiện cam kết mạnh  mẽ của chúng ta trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn cho người dân trước mối đe dọa của bệnh Dại. Những kiến thức mới nhất về bệnh Dại cũng như các phương pháp phòng ngừa, giám sát và xử lí khi có sự cố xảy ra, đặc biệt là cách thức phối hợp được giữa các đơn vị trong ngành y tế và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đưa ra tại hội nghị sẽ hướng tới tạo ra mạng lưới phòng chống bệnh Dại hiệu quả.

Nguyễn Oanh - Thanh Xuân