bn-current-user-online-portlet

Online : 3497
Total visited : 151078428

Thầy thuốc Việt Nam thời hậu Covid-19

27/02/2024 08:01 View Count: 203

Sau đại dịch Covid-19, những người thầy thuốc chúng tôi ở các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương đều trưởng thành, văn minh thêm một cấp vì tính mạng và sức khỏe con người.

Có ba thứ đáng sợ trong cuộc đời con người. Thứ nhất, sợ chiến tranh loạn lạc, ly tán; Thứ hai là sợ thủy hỏa, đạo tặc tàn phá, hủy hoại; Thứ ba là dịch bệnh làm chết người, gây tổn thất tài sản và kinh tế kiệt quệ.

Những thiên tai, nhân tai trong đại dịch Covid-19 mấy năm qua đã tàn phá đất nước Việt Nam thật khủng khiếp, để lại những di chứng nặng nề: Kinh tế suy giảm, xã hội xáo trộn, các ngành nghề ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, ngành y mặc dù có những điều đáng giận nhưng cũng rất đáng thương. Ngành y Việt Nam thời đại dịch là ngành bị tổn thất nặng nề nhất.

Những trí tuệ y tế đầu ngành lâu nay ngủ quên trong tháp ngà kiêu hãnh, chợt một ngày lộ ra những điểm yếu như: Kiến thức khô cứng, giáo điều, lạc hậu và rất chậm so với tốc độ phát triển vũ bão của nền y tế số hiện hành. Vì vậy, khi gặp trận dịch thế kỷ, họ bị động, bất lực và sợ hãi…

Lại có một vài trí thức dùng danh giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành của mình để tư vấn chính sách. Họ định hướng xã hội trong khi kinh nghiệm thực tế phòng chống dịch bệnh gần như bằng không, kinh nghiệm điều trị hạn chế, không đánh giá được tác hại của mầm bệnh, không góp ý được phương pháp chữa trị bệnh, phòng tai biến… Nhiều vị trí thức không có chuyên ngành y tế nhưng ôm đồm phiến diện, thậm chí đưa ra những quyết định chủ quan gây tội lỗi không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, lực lượng nhân công y tế tầm trung thụ động, vẫn giữ thói quen mệnh lệnh và nghe lệnh… thành thử, chất lượng làm việc rất kém.

Chúng tôi không nhận chiến công về mình bởi vì tổn thất về người, về của trong trận đại dịch Covid-19 nặng đến nỗi mỗi nhân viên y tế đều thấy mình có lỗi. Ảnh: Hoàng Hà

Tất tật, mỗi thiếu sót, mỗi chủ quan nho nhỏ đã gom góp lại thành cơn bão bệnh xã hội, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Có lẽ, lâu lắm rồi người Việt Nam mới gặp lại trận tàn phá người và của dữ dội đến thế.

Rất may, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo mang tính quyết đoán cao như dừng đóng băng xã hội và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy chậm, nhưng còn hơn không, tuy chậm nhưng vẫn nhanh hơn một số nước lớn nhiều lắm. Hãy nhìn Trung Quốc, kéo dài thêm chính sách zero covid và đang chịu hậu quả nặng nề đến thế nào.

Dù mất người nhưng không thể bỏ qua công sức của hàng trăm ngàn, hàng triệu nhân viên y tế đã góp phần cho cuộc sống an lành ngày hôm nay.

Chúng tôi không nhận chiến công về mình bởi vì tổn thất về người, về của nặng đến nỗi mỗi nhân viên y tế đều thấy mình có lỗi. Lỗi dằn vặt lớn nhất là không biết mình đã cống hiến hết mình vì người bệnh hay chưa; mình đã dám hy sinh khi đất nước lâm vào trạng thái dịch bệnh hoành hành hay chưa. Thời dịch bệnh, chúng tôi, ai cũng như ai mất ngủ và bất an nhiều lắm.

Làm nghề y, chúng tôi đều hiểu, mỗi khi người bệnh đau yếu, không an tâm, thì bác sỹ, y tá chúng tôi luôn luôn phải ở bên cạnh. Dù có thể không chữa trị được bệnh, nhưng chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nỗi đau cùng bạn, chưa làm bạn hết bệnh thì chúng tôi sẵn sàng cùng bạn chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.

Anh em bác sĩ chúng tôi thường dặn nhau nhớ lời thầy dậy: Muốn làm bác sĩ giỏi, phải yêu thương con người nhiều lắm, phải hy sinh vì sức khỏe người bệnh.

Những bất cập, thiếu sót, tội lỗi lộ ra trong đại dịch rồi cũng qua, vết thương dịch bệnh Covid-19 rồi cũng lành. Biết biến những đau thương, thiếu sót, tội lỗi thành bài học để lớn lên, trưởng thành tốt đẹp hơn là những điều mà nghề y đang thực hiện.

Văn minh xã hội đã tiến thêm một cấp

Nhắc lại câu chuyện đại dịch Covid đau thương đã qua để thấy, sau dịch bệnh, con người yêu thương con người hơn, thầy thuốc và bệnh nhân trân quý nhau hơn, đồng nghiệp cởi mở với nhau hơn. Những điều tốt đẹp đó là có thật.

Với mỗi cá nhân, sau dịch bệnh họ đều ý thức về bệnh tật, về bản thân mình hơn. Ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường tăng lên, ai cũng quan tâm đến bệnh nền của bản thân mình… Từ đó, cuộc sống trở nên lành mạnh hơn nhiều.

Giờ đây, ai cũng thương thân và thương người nhiều hơn. Mối quan tâm đến xã hội nhiều hơn, nhiều người bỏ qua được những ý nghĩ vị kỷ tồn dư, bớt lo lắng cho bản thân để tăng suy nghĩ cho xã hội.

Với mỗi gia đình, các cá thể mang cái tôi đã lùi lại một bước, ý thức lo lắng cho các thành viên gia đình tăng lên. Gia đình trở thành một thể gắn kết thêm một bước. Đi đâu, làm gì, thành công hay thất bại sẽ ra sao nếu bạn không có gia đình bên cạnh. Từng con người cụ thể trở thành trung tâm của vũ trụ. Mỗi gia đình là một pháo đài chống bệnh tật, chắc chắn thế rồi.

Với ngành y tế, sau dịch bệnh, mỗi người bác sỹ đều nhìn lại mình, định vị mình chuẩn xác hơn, đánh giá lại kiến thức, tri thức của bản thân toàn diện hơn để từ đó không ngừng học tập, sửa mình sao có thể phục vụ đồng bào tốt hơn.

Ngành y học dự phòng là chuyên ngành cực kỳ quan trọng đã được cải tổ đáng kể. Giờ đây không phải là ngành mà như trước đây chỉ là loa phóng thanh, rắc vôi bột, kiểm tra quán ăn, tiêm chủng định kỳ nữa. Nó trở về đúng tầm quan trọng của nó là chuyên ngành phòng bệnh hơn chữa bệnh!

Mở ra cơ hội phát triển mới

Phải nhìn nhận rằng, y tế Việt Nam đúng tầm cỡ Việt Nam - một nước còn yếu kém, nghèo và lạc hậu. Bởi vì, đất nước chưa phát triển cao, chưa giàu thì tất nhiên, y tế cũng chưa phát triển, chưa giàu có.

Nhưng qua đại dịch, sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới. Giờ đây, mỗi khi có mầm bệnh mới, dịch bệnh mới thì xã hội sẽ đòi hỏi ngành y phải công khai, minh bạch hơn.

Các cơ sở xét nghiệm, các trung tâm cấp cứu đã và sẽ được nâng cấp. Các bệnh viện công sau cú hích này sẽ tiến bộ rất nhanh trong cách quản lý người bệnh, phân loại người bệnh, cách vận hành việc chữa trị bệnh.

Con người y tế được huấn luyện và tái đào tạo đạt được tầm cao mới. Ai cũng buộc phải thay đổi tư duy trong khám chữa bệnh và cư xử giữa người bệnh và nhân viên y tế, giữa người với người, đồng nghiệp với đồng nghiệp.

Các cơ sở y tế luôn sẵn sàng trên tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh. Việc gắn kết quân y và dân y chặt chẽ hơn.

Kinh phí hàng năm chi cho ngành y được tăng đáng kể đạt mức theo yêu cầu. Điều này tạo ra rất nhiều cơ hội cho mọi đơn vị ngành y cải tổ cơ sở vật chất của mình.

Cuối cùng, các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương đều trưởng thành, văn minh thêm một cấp. Văn minh lớn nhất là văn minh vì tính mạng và sức khỏe con người.

Source: vietnamnet