bn-current-user-online-portlet

Online : 3071
Total visited : 150755161

Theo dõi phát hiện sớm bệnh về mắt phòng suy giảm thị lực

25/10/2022 07:54 View Count: 260

Suy giảm thị lực thường gặp ở người cao tuổi và một bộ phận trẻ em có các tật khúc xạ. Các bệnh về mắt, đặc biệt là suy giảm thị lực thường diễn biến từ từ nên người bệnh không để ý và phát hiện ở giai đoạn muộn. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, nếu được khám phát hiện sớm, việc điều trị các bệnh lí suy giảm thị lực sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Đục thủy tinh thể là bệnh lí gây mù lòa chủ yếu ở người cao tuổi nhưng lại có thể kiểm soát được bằng phát hiện sớm và thay thủy tinh thể kịp thời.

Bà Dương Thị The ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang năm nay 60 tuổi. Từ khi ngoài 50, mắt của bà nhìn kém hơn, nghĩ đó là hiện tượng bình thường của tuổi già nên bà không để ý. Cách đây 3 năm, mắt trái của bà xuất hiện tình trạng bị cộm, có mộng thịt trong góc mắt. Chủ quan vì mắt phải vẫn nhìn bình thường nên bà không đi khám. Đến khi khó chịu ở mắt ngày càng nặng, gây ra tình trạng viêm bà mới đi khám và phải mổ ngay. Từ đó đến nay, bà chú trọng việc bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt hơn, chịu khó đeo kính để khắc phục tình trạng mắt mờ do tuổi cao. Gần đây, mắt phải của bà lại xuất hiện mộng, rút kinh nghiệm từ lần trước, bà đến bệnh viện khám, cắt mộng mắt sớm, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Anh Lại Thanh Hải ở phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh có con gái lớn bị quặm bẩm sinh khiến bé khó chịu, hay dụi mắt gây viêm kết mạc, loét giác mạc, giảm thị lực. Gia đình anh đưa bé đi phẫu thuật để điều trị bệnh này. Lo cho con trai nhỏ bị giống chị nên anh Hải đưa bé đi khám mắt để chủ động phát hiện sớm. May mắn bé 5 tuổi chưa có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên với thời đại công nghệ hiện nay, con trai anh Hải cũng thường xuyên tiếp xúc với ti vi, điện thoại gây ảnh hưởng đến mắt. Vì vậy anh cũng định kì cho bé đi khám để phát hiện tật khúc xạ và có can thiệp của bác sĩ kịp thời nhằm bảo vệ mắt cho con.

Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng chính mắc các bệnh lí về suy giảm thị lực. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Mắt Sông Cầu đã tiếp nhận hơn 37.800 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh về mắt. Trong đó, các bệnh lí thường gặp nhất là đục thủy tinh thể của người già, bệnh lí glocom, bệnh về đáy mắt như thoái hóa hoàng điểm tuổi già, các bệnh về tăng nhãn áp - biến chứng của bệnh tiểu đường...và một số vấn đề về tật khúc xạ của trẻ em. Tùy từng bệnh lí và mức độ bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị khác nhau. Tuy nhiên, việc đến khám sớm hay muộn được xem là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả điều trị.

Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Tự Chính, Bệnh viện Mắt Sông Cầu cho biết, suy giảm thị lực là một trong những nhóm bệnh lí hay gặp nhất ở các bệnh viện chuyên khoa về mắt hiện nay. Có nhiều nguyên nhân gây mù lòa có thể kiểm soát được (điển hình là đục thủy tinh thể), nhưng nếu phát hiện và điều trị muộn thì hiệu quả điều trị kém, không cải thiện. Hiện nay, như bệnh đáy mắt do biến chứng của bệnh tiểu đường gây nên, được phát hiện, điều trị sớm có thể chữa khỏi. Vấn đề suy giảm thị lực ở người già chủ yếu gặp ở những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể và các bệnh liên quan đến đáy mắt. Những triệu chứng của bệnh sẽ tiến triển từ từ và không gây mờ đột ngột. Nếu những bệnh này được phát hiện sớm thì việc điều trị rất dễ dàng, hiệu quả rất cao và chi phí hợp lí.

Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc các bệnh mạn tính. Bên cạnh vấn đề suy giảm thị lực theo tuổi tác, những đối tượng có bệnh nền cũng được các chuyên gia y tế khuyến cáo cần đặc biệt chú ý đến những yếu tố bất thường ở mắt, do các bệnh nền cũng có thể gây biến chứng tại mắt. Theo bác sĩ CKI Đặng Công Hải, Bệnh viện Mắt Sông Cầu, các bệnh về mắt do biến chứng của bệnh mạn tính toàn thân thường do bệnh nhân mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… Ngoài ra còn có các bệnh liên quan đến viêm khớp do người bệnh dùng thuốc kéo dài, không theo chỉ định của bác sĩ sẽ ảnh hưởng tới mắt, hoặc các bệnh về mắt vùng lân cận gây ra viêm nhiễm về mắt cũng gây giảm thị lực. Khi các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính đó, trước hết phải điều trị tốt các bệnh lí nền, sau đó là đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt để phát hiện biến chứng sớm. Bác sĩ dựa trên kết quả thăm khám để đánh giá mức độ của biến chứng và có kế hoạch điều trị, tư vấn cụ thể cho từng bệnh nhân. Bác sĩ Hải cho biết thêm, những bệnh nhân phát hiện muộn chủ yếu là do biến chứng gây giảm thị lực từ từ mà bệnh nhân không phát hiện ra. Đặc biệt là khi biến chứng lại chỉ xuất hiện tại 1 mắt khiến biến chứng càng trở nên nặng hơn. Do là mắt bên lành vẫn nhìn rõ nên người bệnh chỉ phát hiện bệnh về mắt chỉ do tình cờ hoặc do đi khám các bác sĩ chuyên khoa mắt mới phát hiện được. Riêng với bệnh lí nặng như vậy thì sẽ phải có phương pháp điều trị đặc biệt với chi phí cao hơn.

Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân bị suy giảm thị lực ngày càng được giảm đi bởi người dân đã có ý thức và điều kiện tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe thị giác. Tuy nhiên, một bộ phận người dân do vấn đề kinh tế hoặc vấn đề tâm lí chủ quan vẫn để tình trạng suy giảm thị lực nặng mới đi khám gây khó khăn trong điều trị. Trong khi đó, các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị cũng ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên hiện nay. Việc khám và cấp kính cho trẻ mắc các tật khúc xạ là biện pháp can thiệp kinh tế và có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mù loà...

Theo các bác sĩ, riêng đối với bệnh nhân có bệnh lí nền, quan trọng nhất là phải quản lí và kiểm soát tốt được các bệnh lí này. Cùng với đó là khám mắt định kì để phát hiện sớm biến chứng. Ngoài ra cần tuân thủ chế độ sinh hoạt, ăn uống, tập luyện để duy trì các bệnh nền không nặng lên, giúp thuyên giảm các biến chứng về mắt. Với những đối tượng dễ mắc các bệnh suy giảm thị giác, cần có lối sống sinh hoạt lành mạnh và chủ động đi khám ngay khi có các biểu hiện bất thường về mắt tại các cơ sở uy tín để đảm bảo việc phát hiện sớm, điều trị hiệu quả với chi phí hợp lí nhất.

Nguyễn Huệ