Để chính sách tinh giản biên chế đạt hiệu quả cao

15/07/2022 15:00 Số lượt xem: 516

Tinh giản biên chế là chính sách đúng đắn nhằm làm tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế thời gian qua thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục, nhất là vấn đề thiếu biên chế của ngành Giáo dục - Đào tạo ở các tỉnh có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh như Bắc Ninh.

Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2021, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện, xác định rõ lộ trình, chỉ tiêu tinh giản biên chế trong từng năm, bảo đảm thực hiện tỷ lệ tinh giản tối thiểu 10% trong giai đoạn 2016-2021. Theo đó, tiến hành cắt giảm chỉ tiêu biên chế giao ngay từ đầu năm; tuyển dụng trong phạm vi số biên chế được giao và thay thế không quá 50% số biên chế giảm được trong năm; các đơn vị chưa thực hiện đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế thì không tổ chức tuyển dụng; ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở xây dựng và rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Đề án vị trí việc làm; ban hành các quyết định về đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ, công chức hằng năm làm cơ sở để tinh giản những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ đào tạo, sức khỏe; những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự; những người dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Kết quả sau hơn 5 năm (2016-2021) triển khai thực hiện, toàn tỉnh tinh giản được 167 biên chế công chức, bằng 10,22%; 2.655 biên chế viên chức, bằng 10,05% (trong đó chuyển 2.246 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị); 82 hợp đồng lao động theo Nghị định 68 và Nghị định 161 của Chính phủ, bằng 10% so với biên chế được giao năm 2016 đạt và vượt mục tiêu tinh giản theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Trong đó, đã xem xét, giải quyết chế độ chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ cho 324 đối tượng; Theo Nghị quyết số 100/2018/NQ-HĐND ngày 17-4-2018 của HĐND tỉnh cho 536 đối tượng nghỉ công tác theo nguyện vọng. Về cơ bản các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền vận động người đủ điều kiện tinh giản biên chế được công khai, bảo đảm dân chủ trong cơ quan, đơn vị và không làm ảnh hưởng, xáo trộn đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh triển khai thực hiện các bước, các nội dung công việc theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế đặc thù tỉnh công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng dân số cơ học nhanh kéo theo số lượng học sinh tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, gây khó khăn cho công tác giảng dạy.
Theo thống kê của UBND tỉnh, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 465 trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT công lập, 8 trung tâm với 9.723 lớp và gần 345 nghìn học sinh các cấp. Theo định mức quy định của Bộ GD-ĐT thì Bắc Ninh còn thiếu hơn 3.100 giáo viên và hơn 1.800 nhân viên nấu ăn trong các trường Mầm non công lập. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 466 trường, 8 trung tâm với 9.955 lớp, hơn 350 nghìn học sinh. Toàn tỉnh còn thiếu 2.770 giáo viên, trong đó có 986 giáo viên trong biên chế được giao và 1784 giáo viên theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chủ yếu ở khối Mầm non và Tiểu học), 1783 nhân viên nấu ăn trong các trường Mầm non. Số lượng giáo viên thiếu một phần nhỏ do một số địa phương được giao chỉ tiêu biên chế nhưng chưa kịp thời tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, phần lớn số lượng giáo viên thiếu do chỉ tiêu biên chế được giao không phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Điều này gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của địa phương.
Để bảo đảm nhu cầu học tập cho con em địa phương, tỉnh phải tính toán phương án giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Gần đây nhất, trong 2 năm liên tiếp HĐND tỉnh đã ban hành 2 Nghị quyết làm căn cứ hợp đồng giáo viên đề bù đắp thiếu hụt so thực tế.
Ngày 16-7-2021, tại kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khoá XIX ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí hợp đồng lao động giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, GDTX và nhân viên nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập năm học 2021-2022. Tại Nghị quyết này, HĐND tỉnh thông qua chủ trương hỗ trợ kinh phí để ngành Giáo dục -Đào tạo tỉnh thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 với tổng kinh phí dự kiến 214,2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ kinh phí chi trả hợp đồng lao động giáo viên cấp Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, GDTX (số giáo viên chênh lệch giữa số được giao so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) 121,4 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí chi trả hợp đồng lao động nhân viên nấu ăn các cơ sở giáo dục mầm non công lập 92,8 tỷ đồng. Thời gian hỗ trợ 10 tháng, từ ngày 1- 8- 2021 đến khi kết thúc năm học 2021 - 2022 theo quyết định khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Tại kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh khoá XIX diễn ra vào ngày 6 và 7-7 vừa qua, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí hợp đồng lao động giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, GDTX và nhân viên nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập năm học 2022-2023. Theo đó, mức hỗ trợ đã được nâng lên thêm khoảng 500.000 đồng/1 lao động/tháng so với năm học 2021-2022 nhằm thu hút được người lao động. Các Nghị quyết này làm căn cứ để giải quyết tức thời tình trạng thiếu giáo viên nhưng về lâu dài thì vẫn cần giải pháp mang tính căn cơ, ổn định hơn.
Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đồng loạt đối với các địa phương, đơn vị là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục tỉnh ta thời gian qua. Hạn chế này được HĐND tỉnh chỉ rõ qua giám sát và kiến nghị trung ương, các địa phương biện pháp giải quyết. Theo đó, tính toán lại việc phân bổ chỉ tiêu tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành nghề là một trong những nội dung quan trọng để chính sách tinh giản biên chế thực sự phù hợp với cuộc sống, đạt hiệu quả cao.

Nguồn: http://baobacninh.com.vn/

Thống kê truy cập

Online : 4006
Đã truy cập : 150717858