Bất cập trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước- đề xuất, kiến nghị
1. Về lĩnh vực bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 tuy nhiên quá trình áp dụng vào thực tiễn còn một số nội dung chưa thống nhất được cách áp dụng giữa các tỉnh, thành phố như quy định về việc xác định yếu tố nhạy cảm đối với dự án có xả nước thải vào nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (điểm c Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường; Khoản 4, Điều 25, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
- Chưa có quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề nên khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các dự án xử lý chất thải làng nghề trên địa bàn tỉnh.
- Công tác quản lý môi trường tại các làng nghề và một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn phức tạp, tình trạng ô nhiễm có nguy cơ kéo dài. Trong năm 2022, công tác đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong vận chuyển, tiếp nhận, thu gom, xử lý các loại chất thải rắn sau đó đưa về địa bàn để tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn, vướng mắc khó xử lý, đối tượng vi phạm sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng; quy định bắt buộc phải niêm phong đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt đối với các tang vật cồng kềnh, khó niêm phong, khó bảo quản …
2. Về lĩnh vực Tài nguyên nước:
Trong hoạt động quản lý tài nguyên nước có Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất bao quát các nội dung về vùng hạn chế khai thác, bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác, vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác, quan trắc nguồn nước trong quá trình khai thác, báo cáo hiện trạng nguồn nước và khai thác sử dụng nguồn nước. Ngày 31/12/2019 Bộ TNMT ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BTNMT về sửa đổi và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành, liên tịch ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT hết hiệu lực từ ngày 15/2/2020. Hiện nay đã có nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành về cơ bản là điều chỉnh từng nội dung trong quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 tuy có một số văn bản trong phần chuyển tiếp không có mục thay thế nội dung của Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT, việc này tạo nên khối lượng văn bản quản lý nhà nước đồ sộ và tạo thêm các thủ tục hành chính.
- Về bảo vệ nước dưới đất trong quá trình hoạt động khai thác:
Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất (Thông tư có hiệu lực từ 12/2/2018 và thay thế Chương III, IV, V điều 21 chương VI của Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất). Tuy nhiên nội dung trong thông tư 75/2017/TT-BTNMT chỉ nêu quy định về bảo vệ nước dưới đất trong quá trình hoạt động khai thác, còn các nội dung khác thuộc Chương III, IV, V của Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
- Về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt: Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9/9/2016 quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
+ Điều 4 của Thông tư quy định các trường hợp phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt gồm công trình khai thác nước để cấp nước sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích trong đó có cấp nước sinh hoạt của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo quy định trên tất cả các công trình khai thác nước đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của thông tư vì trong quá trình khai thác nước phục vụ sản xuất, kinh doanh đều có sử dụng nước cho công nhân của các tổ chức trong quá trình hoạt động.
+ Điều 7, 9, 10 của Thông tư quy định: Sở Tài nguyên và Môi trường xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trình UBND tỉnh phê duyệt sau khi công trình được cấp có thẩm quyền cấp phép, tuy nhiên khu lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân đã phải đề xuất phạm vi cụ thể vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Như vậy thông tư ban hành thêm thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động khai thác tài nguyên nước, thủ tục này có thể lồng ghép trong quá trình thẩm định cấp phép khai thác tài nguyên nước.
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm căn cứ cho việc triển khai phân loại rác thải nguồn tại các địa phương.
- Xây dựng, ban hành định mức đơn giá thu gom, xử lý chất thải rắn làng nghề để có cơ sở xây dựng đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng ở làng nghề tái chế và chất thải của các làng nghề khác.
- Hướng dẫn các địa phương trong việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với các vi phạm xảy ra tại các làng nghề.