Danh mục và việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính
Danh mục và việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (dưới đây gọi tắt là Nghị định). Nghị định có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Danh mục và tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Ban hành kèm theo Nghị định danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm: Danh mục I: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Danh mục II: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; Danh mục III: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; Danh mục IV: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng hải; Danh mục V: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng không dân dụng; Danh mục VI: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; Danh mục VII: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Danh mục VIII: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống ma túy; Danh mục IX: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chuyên dùng và bảo đảm các nguyên tắc: Đúng đối tượng, đúng mục đích, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao; Tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với khả năng ngân sách của Nhà nước.
Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ ban hành quy định chi tiết về tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho cơ quan, đơn vị của các lực lượng quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Nguồn hình thành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Nguồn hình thành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về ngân sách nhà nước. Hàng năm, căn cứ vào danh mục, tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính của ngành và địa phương, các bộ quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và mua sắm vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước.
Thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Thứ nhất, việc thuê, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đấu thầu và pháp luật có liên quan.
Thứ hai, điều kiện thuê của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định và đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định; Phương tiện, thiết bị kỹ thuật mới có tính năng tương tự như phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định nhưng hiện đại, có hiệu quả phát hiện vi phạm cao và chính xác hơn; Đảm bảo các quy định về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thuê, phải tuân thủ theo các quy định về chế độ quản lý, sử dụng tại Nghị định.
Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Nguyên tắc trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị; Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quy định tại khoản 2 Điều 9 và yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính; Tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Lực lượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm:
- Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Quản lý xuất nhập cảnh, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã);
- Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng, Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không;
- Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường;
- Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển;
- Kiểm lâm, Kiểm ngư, Thanh tra nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Hải quan;
- Quản lý thị trường;
- Thanh tra Y tế và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Y tế;
- Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thanh tra Giáo dục và Đào tạo;
- Thanh tra Khoa học và Công nghệ; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Các lực lượng trên, khi tham gia phối hợp với các lực lượng khác được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trang bị cho lực lượng của mình để phát hiện vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền quyết định trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Bộ trưởng các bộ quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do cấp mình đầu tư, mua sắm hoặc quản lý cho các lực lượng thuộc quyền quản lý.
Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Thứ nhất, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các yêu cầu:
- Đối với các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, so sánh theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, so sánh theo quy định.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, so sánh trước khi đưa vào sử dụng;
- Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được bố trí cố định hoặc lưu động trên tuyến, địa bàn để phát hiện vi phạm hành chính.
Thứ hai, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của các chức danh:
- Người có thẩm quyền quyết định trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
- Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ hoặc tương đương thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Công an cấp tỉnh) gồm: Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát đường thủy (Cảnh sát giao thông), Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Quản lý xuất nhập cảnh, Cảnh sát cơ động; Chánh thanh tra Công an cấp tỉnh; Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Cục trưởng các Cục: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Quản lý xuất nhập cảnh; Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Chánh Thanh tra Bộ Công an;
- Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Giám đốc các Cảng vụ: Đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải; Cục trưởng các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam; Cục trưởng Cục quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường;
- Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng; Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
- Chánh Thanh tra Sở Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Chánh Thanh tra Bộ Y tế; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế;
- Chi cục trưởng các Chi cục: Hải quan, Kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng các Cục: Điều tra chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Hải quan cấp tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
- Đội trưởng Đội quản lý thị trường; Cục trưởng các Cục: Nghiệp vụ quản lý thị trường, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Quản lý thị trường cấp tỉnh, Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;
- Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng các Chi cục: Kiểm lâm, Kiểm lâm vùng, Kiểm ngư vùng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục trưởng các Cục: Kiểm lâm, Kiểm ngư; Tổng cục trưởng các Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản; Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Thứ ba, thay đổi tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh có thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
- Trường hợp các chức danh trên có thay đổi về tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của các chức danh đó được giữ nguyên;
- Trường hợp các chức danh trên không có thay đổi về tên gọi nhưng có thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì không còn thẩm quyền quyết định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Một là, việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định:
- Cơ quan, đơn vị sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bố trí kho lưu trữ, thiết bị, phương tiện cần thiết và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu theo quy định của pháp luật về lưu trữ và pháp luật có liên quan;
- Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được lưu vào hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính.
Hai là, kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản, gồm các thông tin cơ bản sau:
- Tên cơ quan, đơn vị và chữ ký, họ tên của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm (trường hợp xác minh được);
- Bản ảnh, hình ảnh (đối với thiết bị ghi hình, phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh); âm thanh (đối với thiết bị ghi âm);
- Chỉ số đo, phân tích (đối với phương tiện, thiết bị có chức năng đo lường, phân tích, kiểm định);
- Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
- Hành vi vi phạm hoặc kết luận về kết quả đo lường, phân tích, kiểm định;
- Các thông tin khác liên quan đến hành vi vi phạm (nếu có).
Ba là, thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quá thời hạn nói trên mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền thì kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không còn giá trị sử dụng.
Xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Thứ nhất, khi có kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và thực hiện theo các bước sau:
- Xác định thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính;
- Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, trừ trường hợp người có thẩm quyền đã xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa điểm, tuyến, địa bàn xảy ra hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính;
- Lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm;
- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp tỉnh khác và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm hoặc vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp huyện này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp huyện khác mà việc đi lại gặp khó khăn và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm, thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cùng cấp, nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, cư trú để tiếp tục thực hiện các bước xử lý theo quy định trên.
Thứ ba, văn bản thông báo có thể được gửi bằng phương thức điện tử đến tổ chức, cá nhân vi phạm trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin, yêu cầu về giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý nhà nước../