Một số nội dung góp ý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

28/10/2024 15:21 Số lượt xem: 41

Sau khi tiếp thu ý kiến tại Hội nghị do Uỷ ban pháp luật của Quốc hội tổ chức với một số Bộ, ngành, địa phương để góp ý vào Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tham gia góp ý vào các điều, khoản cụ thể và các nội dung chính như sau:

- Về công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng hiện hành)

Tán thành với quy định của dự thảo Luật theo hướng không quy định việc Công chứng viên (CCV) công chứng bản dịch mà chỉ quy định chứng thực chữ ký người dịch.

Quy định này để hạn chế rủi ro và trách nhiệm của Công chứng viên đối với việc công chứng bản dịch, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn và tương thích với các quy định về chứng thực chữ ký người dịch của Phòng Tư pháp cấp huyện. Với cơ chế này, người yêu cầu chứng thực (người dịch) chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực; còn người thực hiện chứng thực chữ ký người dịch chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người dịch trong bản dịch.

- Điều 1, phạm vi điều chỉnh:

Đề nghị lựa chọn Phương án 1. Đề nghị giữ quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành về việc không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng. Theo đó, Luật Công chứng là luật hình thức và tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, không điều chỉnh loại giao dịch nào phải công chứng để tránh chồng lấn với luật nội dung và gây ra sự thiếu ổn định của Luật khi các luật nội dung thay đổi phạm vi giao dịch phải công chứng; đồng thời, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (không quy định lại các nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác). Việc liệt kê các loại giao dịch, hợp đồng như Phương án 2 có thể dẫn đến tình trạng liệt kê không đầy đủ hoặc pháp luật chuyên ngành có sự thay đổi, dẫn đến Luật Công chứng không điều chỉnh theo kịp.

- Điều 4, nguyên tắc hành nghề công chứng

Về mặt kỹ thuật: Để bảo đảm tính liệt kê, liên kết các nguyên tắc trong hành nghề công chứng. Đề nghị cuối các khoản 1, khoản 2, khoản 3 cần thay các dấu chấm (.) bằng các dấu chấm phẩy (;) cho chính xác.

Viết lại là:

Điều 4. Nguyên tắc hành nghề công chứng

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;

2. Khách quan, trung thực;

3. Tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng;

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện”.

- Điểm c khoản 1 Điều 7:

Về mặt kỹ thuật, để bảo đảm tính chính xác, khoa học. Đề cần phải tách, phân chia nhóm “anh ruột, chị ruột, em ruột” và “anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng” bằng cách thay dấu phẩy (,) bằng dấu chấm phẩy (;) giữa 02 nhóm đối tượng này.

Cụ thể: Dự thảo đang quy định: “.... bà ngoại; anh ruột, chị ruột, em ruột, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; cháu...”.

Đề nghị sửa lại là: “.... bà ngoại; anh ruột, chị ruột, em ruột; anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; cháu...”.

- Điểm l khoản 1 Điều 7:

Đề nghị lựa chọn Phương án 1, bảo đảm tương đồng với việc lựa chọn Phương án 1 tại Điều 20 (Chỉ lựa chọn loại hình Văn phòng công chứng dưới hình thức Công ty hợp danh).

- Điều 8, tiêu chuẩn công chứng viên:    

Tương tự như Điều 4, về mặt kỹ thuật. Cuối các khoản từ khoản 1 đến khoản 5, đề nghị thay dấu chấm (.) bằng dấu chấm phẩy (;).

- Điểm a khoản 3 Điều 9:

Đề nghị cần bố cục, sắp xếp lại và sử dụng các dấu phẩy (,) hoặc dấu chấm phẩy (;) chính xác, có tính khoa học, chặt chẽ tương thích như quy định tại điểm d khoản 3 Điều 9. Bảo đảm liên kết các nhóm đối tượng trong cùng một ngành, một lĩnh vực. Quy định như dự thảo chưa thể hiện rõ đối tượng là “chuyên viên chính” hay “chuyên viên chính trong lĩnh vực pháp luật” là đối tượng điều chỉnh của quy định này.

Dự thảo đang quy định:

“a) Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp, chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;”

Đề nghị sửa lại là:

“a) Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán, thẩm tra viên chính ngành Tòa án; kiểm sát viên, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự; trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;”

- Khoản 1 Điều 10:

Dự thảo có quy định:

“Thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng, được tính từ ngày quyết định đăng ký tập sự có hiệu lực”.

Đề nghị sửa lại cho đầy đủ và chính xác là:

“Thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng, được tính từ ngày quyết định đăng ký tập sự của Sở Tư pháp có hiệu lực”.

- Khoản 5 Điều 10:

Dự thảo có quy định: “Người hoàn thành tập sự được đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng”.

Đề nghị bổ sung quy định: “Được Sở Tư pháp quyết định công nhận việc hoàn thành tập sự hành nghề công chứng”.

Viết lại là: “Người hoàn thành tập sự được Sở Tư pháp quyết định công nhận việc hoàn thành tập sự hành nghề công chứng và được đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng”.

- Điều 11, quy định về việc bổ nhiệm công chứng viên:

Đề nghị bỏ quy định nộp hồ sơ về Sở Tư pháp. Lý do: Sở Tư pháp chỉ là cơ quan trung gian, sau khi tiếp nhận chuyển hồ sơ về Bộ Tư pháp để bổ nhiệm theo thẩm quyền, hiện nay các thủ tục hành chính đều được tiếp nhận trực tuyến, tránh mất thêm thời gian tiếp nhận qua Sở Tư pháp. Do đó Khoản 2 Điều 11 đề nghị viết lại như sau:

“2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên được lập thành 01 bộ, nộp trực tuyến, trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính về Bộ Tư pháp”

Dự thảo đang thực hiện cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ thủ tục hành chính. Tại khoản 2 Điều 11 đã cắt giảm hồ sơ “Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng”, “Phiếu Lý lịch tư pháp”. Theo đó, Sở Tư pháp hoặc Bộ Tư pháp có trách nhiệm xác minh xem cá nhân đó đã đạt kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng hay không và Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên.

Như vậy, với tinh thần cải cái thủ tục hành chính, Dự thảo Luật không yêu cầu người đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên nộp “Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng”, “Phiếu Lý lịch tư pháp” và đưa trách nhiệm này giao vào nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước (Sở Tư pháp, hoặc Bộ Tư pháp). Vô hình chung gây khó khăn, thời gian rà soát, kiểm tra, xác minh… đối với đội ngũ công chức tư pháp đang rất thiếu về số lượng biên chế, nhiều về khối lượng công việc.

Quan điểm của Sở Tư pháp Bắc Ninh: Đề nghị giữ nguyên quy định nộp “Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng” vì đây là quy định, thủ tục hết sức đơn giản, không có gì khó khăn đối với người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Đồng thời, bổ sung thêm thành phần hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên thêm “Phiếu Lý lịch tư pháp số 2”. Công dân phải có trách nhiệm yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 để nộp vào hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bỏ quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan khác có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 của người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên như quy định tại khoản 3 Điều 11.

Lý do:

+ Việc đề nghị cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 phải do người đề nghị bổ nhiệm CCV thực hiện theo quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp. Đặc biệt, là sau khi triển khai ứng dụng cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID của các cá nhân. Dự thảo giao cho Sở Tư pháp tự cấp hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ rất bất cập và tốn nhiều thời gian cho công chức tư pháp….

+ Người đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên có thể không thường trú hoặc tạm trú tại địa phương của Sở Tư pháp nơi đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Do vậy, trong trường hợp này Sở Tư pháp phải yêu cầu và đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố khác hoặc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 cho người đề nghị bổ nhiệm. Quy định này rất khó khăn cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố;

+ Việc  Sở Tư pháp cấp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan khác có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 trong trường hợp này thì vấn đề nộp phí sẽ do cơ quan hay cá nhân nào chi trả…..

- Khoản 2 Điều 16: Đề nghị lựa chọn Phương án 1, bảo đảm tương đồng với việc lựa chọn Phương án 1 tại Điều 20 (Chỉ lựa chọn loại hình Văn phòng công chứng dưới hình thức Công ty hợp danh).

Điều 14. Miễn nhiệm công chứng viên

Khoản 2 Điều 14 quy định:

g) Bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trở lên về hoạt động hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng; ….

h) Bị xử lý kỷ luật từ 03 lần trở lên trong thời hạn 12 tháng hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc;

Quy định như dự thảo là không khả thi, vì trong thực tế từ trước đến nay hầu như không có trường hợp nào trong 01 năm mà Công chứng viên bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kỷ luật tới 03 lần (Do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo trong 01 năm không được thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/01 tổ chức, doanh nghiệp)

Do đó đề nghịviết lại như sau:

g) Bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên về hoạt động hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng; ….

h) Bị xử lý kỷ luật từ 02 lần trở lên trong thời hạn 12 tháng hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc;

- Điều 20, Văn phòng công chứng:

Nhất trí lựa chọn theo Phương án 1. Nhất trí với quan điểm và các lý do nêu trong Báo cáo giải trình, đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của VPCC là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng không chỉ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà còn là hoạt động bổ trợ tư pháp, CCV là người có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện.

Cần thống nhất áp dụng loại hình VPCC phải được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh ở tất cả các địa bàn, địa phương trên cả nước. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn mà không có công viên hành nghề, không đủ điều kiện thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh thì tổ chức, cá nhân vẫn có thể yêu cầu và đề nghị UBND cấp xã thực hiện chứng thực giao dịch, hợp đồng theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Với việc lựa chọn Phương án 1, Luật Công chứng và các Nghị định của Chính phủ cần có các quy định chặt chẽ để bảo đảm việc hợp danh của các CCV là thực chất, không phải là hợp danh theo kiểu đánh trống ghi tên như hiện nay.

- Điều 21, Điều 22, Điều 28, Điều 31, Điều 35: Tương ứng với việc lựa chọn phương án 1 tại Điều 20. Các Điều này của Dự thảo sẽ lựa chọn Phương án1.

- Điều 29a: Đề nghị thay từ “Bán” bằng “Chuyển nhượng”.

- Điều 72 Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với TCHNCC:

+ Điểm b khoản 1: Đề nghị bổ sung cụm từ “tiêu chí” bỏ từ “việc”. Viết lại Điểm b khoản 1 như sau:

“b) Ban hành và triển khai thực hiện Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương phù hợp với quy định của Luật này, chiến lược phát triển về lĩnh vực công chứng và điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng; quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng;

Lý do: Đề nghị vẫn giữ nguyên quy định là giao UBND cấp tỉnh quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC. Qua thực tiễn thi hành Luật công chứng 2014, tại những địa phương đã ban hành tiêu chí  xét duyệt hồ sơ thành lập VPCC cho thấy rất hiệu quả, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Bởi vì, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, diện tích, điều kiện địa lý, dân số, nhu cầu phát triển tổ chức hành nghề công chứng…. ở mỗi địa phương một khác nhau. Chính vì vậy, UBND cấp tỉnh phải ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập VPCC mới bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng, tránh việc đề nghị thành lập VPCC một cách tràn lan…

+ Điểm đ khoản 1 Điều 72, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh:

Nhất trí với quy định giao cho UBND cấp tỉnh chủ động chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo hướng dẫn của Chính phủ. Đây là quy định rất cần thiết đối với các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; địa lý thuận lợi…. nhằm giảm áp lực cho UBND các xã, phường, thị trấn…