Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

06/03/2018 14:46 Số lượt xem: 241

Công tác triển khai, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng, thi hành Luật nói chung hiện nay được quy định cụ thể tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và trong các Luật được triển khai, hướng dẫn thi hành với các nội dung chủ yếu như: Công tác phổ biến, giáo dục; Ban hành văn bản quy định chi tiết; văn bản hướng dẫn, biện pháp thi hành Luật; Giám sát; Kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Rà soát, hệ thông hóa, pháp điển; Theo dõi thi hành pháp luật...

Có thể nói, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn chỉnh, đồng bộ, khả thi cao thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có một ý nghĩa vô cùng quan trọng để đưa quy định pháp luật vào cuộc sống, phát huy vai trò của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và từ thực tiễn cuộc sống giúp cho Đảng, Nhà nước kịp thời có những quyết sách cụ thể, phù hợp xây dựng các đạo Luật thực sự có chất lượng và hiệu quả thực tế. Với những ý nghĩa đó, trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng về mọi mặt từ thể chế chính sách, nguồn lực, các điều kiện đảm bảo...Với bối cảnh như vậy, công tác phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng như các văn bản Luật khác có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa Luật vào cuộc sống. Không những vậy, xuất phát từ tầm quan trọng của quan hệ xã hội do Luật Phòng, chống bạo lực gia đình điều chỉnh đó là quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và hậu quả của bạo lực gia đình đối với các thành viên gia đình, cộng đồng, xã hội thì công tác phổ biến, giáo dục Luật càng được quan tâm thực hiện hơn bao giờ hết, đặc biệt khi Hiến pháp năm 2013, bản Hiến pháp mới với nhiều nội dung mới tiến bộ đã ghi nhận nhiều quy định về quyền con người, bảo vệ quyền con người...và đây là những quyền bị xâm hại bởi các hành vi bạo lực gia đình.

Thứ nhất, về thể chế, chính sách:

Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định cụ thể và phù hợp về nội dung, hình thức, trách nhiệm, nguồn lực làm cơ sở quan trọng cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gồm: Họp báo, thông cáo báo chí. Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.  Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật. Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở. Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở. Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả. Đặc biệt đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Luật đã có quy định cụ thể về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình, theo đó tại Chương II về nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù Điều 19 quy định:

“1. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình tập trung vào các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

2. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình được chú trọng thực hiện thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật miễn phí, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại nơi tạm lánh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận ở cơ sở có trách nhiệm tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình; huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này.

4. Gia đình có trách nhiệm giáo dục thành viên thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới.”

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã quy định tại Điều 3. Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó: “Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.”.

Trong đó,  thông tin tuyên truyền được ưu tiên thực hiện:      Thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xoá bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Bảo đảm các yêu cầu: Chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực; Phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo;  Không làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân bạo lực gia đình và các thành viên khác trong gia đình. Nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình gồm: Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình. Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Tác hại của bạo lực gia đình. Biện pháp, mô hình, kinh nghiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hoá. Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. Hình thức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình: Thực hiện trực tiếp.  Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hoá quần chúng khác. Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.

Thứ hai, về nguồn lực kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Đây là vấn đề quan trọng quyết định khá lớn đến hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay. Bên cạnh quy định về chế độ kinh phí của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì còn được áp dụng theo các văn bản về kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật, cụ thể là Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Nghị quyết 157/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 Qui định một số khoản chi có tính chất đặc thù thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 227/2016/NQ-HĐND17 ngày 14/4/2016 của HĐND tỉnh về quy định cụ thể một số mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Quyết định 27/2016/QĐ-UBND ngày 09/6/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể một số mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, về nguồn lực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh

Nguồn lực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến Luật phòng, chống bạo lực nói riêng là điều kiện quan trọng và được tỉnh bắc Ninh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng. Đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp đã tiến hành củng cố, tăng cường năng lực tham mưu cho Phòng PBGDPL của Sở, Phòng Tư pháp cấp huyện nhằm đảm bảo đủ khả năng tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện tốt các nhiệm vụ PBGDPL tại địa phương.

- Tại Sở Tư pháp: Giám đốc Sở phân công 01 Phó Giám đốc Sở phụ trách, Phòng PBGDPL được củng cố với 03 biên chế, gồm 01 Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và 01 chuyên viên, 100% có trình độ thạc sĩ, trong đó có 02 thạc sĩ luật.

- Tại các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh: UBND tỉnh đã quyết định thành lập 14 phòng Pháp chế tại các Sở trực thuộc UBND tỉnh theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP, trong đó đã đi vào hoạt động tại 3 Sở là Văn hóa, thể thao, du lịch, Sở Lao động, thương binh và xã hội và Sở Giao thông vận tải (Biên chế từ 2 đến 4 người). Tại các Sở, ngành còn lại, đều bố trí công chức kiêm nhiệm thực hiện công tác pháp chế, tổng số 32 người, trong đó có 25 người có trình độ cử nhân luật trở lên.

- MTTQ và các đoàn thể đều có các ban chuyên trách thực hiện nhiệm vụ PBGDPL như Ban Dân chủ pháp luật, Ban Chính sách luật pháp, Ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Phong trào...Đặc biệt, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh đã thành lập được Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc tỉnh hội để tham gia tư vấn, tuyên truyền, PBGDPL cho hội viên.

- Ở cấp huyện: Phòng Tư pháp được tiếp tục kiện toàn nhân sự từ 03 đến 07 người/1 phòng, trong đó 100% có trình độ cử nhân luật trở lên, phân công 01 lãnh đạo và từ 1 đến 2 chuyên viên thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL.

- Ở cấp xã: Tỉnh đã quan tâm kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã tại 126 xã, phường, thị trấn, trung bình có từ 02 đến 04 công chức tư pháp – hộ tịch tham gia công tác PBGDPL tại cơ sở.

- Hội đồng PHPBGDPL tỉnh đã tiếp tục được kiện toàn theo Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 08/10/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh với 28 thành viên, do Phó Chủ tịch  Thường trực UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng. Hoạt động của Hội đồng đã từng bước được duy trì và nâng lên về chất lượng, hiệu quả thiết thực, Hội đồng thực sự là cơ quan tư vấn cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác PBGDPL đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh đi vào cuộc sống góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KTXH, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể...

Tại các huyện, thị xã, thành phố: 8/8 đơn vị đã kịp thời kiện toàn lại Hội đồng PHPBGDPL cùng cấp do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Thường trực làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên là Lãnh đạo các Phòng, ban theo đúng quy định của Luật, Nghị định Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động của Hội đồng cấp huyện dần ổn định và từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả tích cực với địa phương. Ngoài ra, tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và công an tỉnh theo hướng dẫn của ngành dọc cũng thành lập Hội đồng PHPBGDPL để tham mưu, tư vấn cho Đảng ủy, Chỉ huy trong công tác PBGDPL tại đơn vị.

Hiện nay, cấp tỉnh có 98 báo cáo viên pháp luật, cấp huyện có 211 báo cáo viên và cấp xã có 632 tuyên truyền viên pháp luật.

Công tác hoà giải ở cơ sở được các địa phương quan tâm chú trọng, chất lượng đội ngũ cán bộ và các tổ hoà giải ở địa phương ngày càng được nâng cao. Hiện nay toàn tỉnh có 879 tổ hoà giải với 6.312 hòa giải viên.

Đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy môn pháp luật và môn giáo dục công dân được kiện toàn, cơ bản đã đạt chuẩn với 323 giáo viên của 135 trường THCS, 87 giáo viên của 37 trường THPT, ở 20 trường chuyên nghiệp, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên, 154 trường tiểu học, 163 trường mầm non, 50 trường dạy nghề...     Bên cạnh các nội dung về thể chế, kinh phí, nguồn nhân lực, thời gian qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh còn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đây là những điều kiện thuận lợi để công tác này đi vào nề nếp, chất lượng và mang lại hiệu quả thực tế góp phần giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận các điều kiện trên trong một chứng mực nào đó vẫn cho thấy trong thực tế vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục đó là: Về nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể còn cho rằng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là của riêng ngành tư pháp, công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là của riêng Hội Liên hiệp phụ nữ (bởi nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em hoặc Luật được ban hành do sáng kiến của Hội...) do vậy thiếu quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện về con người, cơ chế, kinh phí...Nạn nhân bạo lực gia đình thường cam chịu, nín nhịn. Việc giáo dục thay đổi nhận thức đối với đối tượng bạo lực gia đình khó thực hiện và nếu có thì hiệu quả không cao. Các khiếm khuyết trên phải được khắc phục ngay bên cạnh việc xây dựng thể chế và tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thực tế.

Định hướng trong thời gian tới: Với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách sẽ  tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Việc quan trọng hàng đầu hiện nay là thi hành Luật trong thực tế và các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể nên tập trung hơn nữa cho công tác này với phương châm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải là trách nhiệm của cả hệ thông chính trị. Thay đổi từ nhận thức đến hành động để có các biện pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng, thời gian tới với sữ vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả. Luật được thực thi và mang lại hiệu quả như mong muốn./.

Nguyễn Văn Đại